• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nếu em yêu nghề báo!

Nghề báo tôn trọng mọi nhà báo tử tế, và những nhà báo tử tế khiến nghề báo được tôn...

Xin chào chủ mục Khăn Mùi Xoa. Em tốt nghiệp một trường ĐH khối xã hội đã được 5 năm. Sau khi ra trường, em được nhận về công tác tại Đài truyền hình tỉnh. Như thế là rất may mắn, vì em là con một, em và bố mẹ đều không muốn làm xa nhà. Ban đầu em làm phóng viên, nhưng sau 2 năm thì em được chọn làm biên tập viên dẫn chương trình. Công việc đã bận càng bận thêm.

Nhưng em thích nghề báo, thực sự thích ạ, phải nói là em yêu công việc em đang làm nên bận đến mấy em cũng vẫn cố gắng được. Dù thời tiết thế nào, dù hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn ra sao, dù nhiều khi nỗ lực không được ai ghi nhận, thì em vẫn muốn được làm báo, được đứng về lẽ phải và những người yếu thế. Tuy nhiên càng lúc bố mẹ em càng muốn em đổi nghề. 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Bố em là cán bộ cấp quản lý ở UBND tỉnh, ông muốn em vào khối văn phòng, vào biên chế, công việc ổn định và quan trọng nhất là bớt bận rộn để còn lập gia đình. Bạn trai em ban đầu còn ủng hộ, sau này anh ấy lại không thích em nổi tiếng (chủ mục biết đấy, ở tỉnh lẻ thì lên truyền hình rồi ra đường loanh quanh ai cũng nhận ra). Anh ấy nói thẳng, muốn sau khi cưới nhau thì em ở nhà kinh doanh. Chúng em đã tranh cãi nhiều lần về việc này, bố em đứng về phía anh ấy, chỉ có mẹ em thì ủng hộ em nhưng lại không dám mạnh mẽ bênh vực. Hồi đầu năm gia đình anh ấy đã dạm ngõ, đúng hẹn thì mùa thu này sẽ tổ chức lễ cưới cho chúng em.

Nhưng cho đến lúc này, những vướng mắc lớn về nghề nghiệp của em vẫn chưa thể dàn xếp ổn thỏa. Người ta nói nghề báo là nghề khó, vì tình yêu với nghề, em không thấy khó để làm việc, mà với em là khó để theo đuổi. Hay vì em là phụ nữ? Bao nhiêu đồng nghiệp nam giới của em không thấy ai phải đứng trước lựa chọn khó khăn như thế cả. Khăn Mùi Xoa có thể cho em lời khuyên để thoát ra khỏi sự bế tắc này không?

***

Xin chào đồng nghiệp trẻ.

Cây viết trào phúng nổi tiếng Warren Girard Ellis từng đúc kết rằng: “Khi bạn tuyệt vọng, cơ thể thì bầm dập còn tinh thần thì mệt mỏi, thì đó chính là lúc tuyệt vời để làm báo”. Tất nhiên đó là một kiểu nói ngược, nhưng ý rằng chịu áp lực là yêu cầu đương nhiên của nghề báo. Ngay lúc này, khi viết trả lời em với mục tiêu không dưới 1.000 chữ, thì anh cũng đang nợ khoảng 4.000 chữ cho 3 tờ báo.

Để đối phó, quả thực anh đã mở Google ra và gõ một vài từ khóa kiểu như “tinh thần nhà báo”, “nghề làm báo + tôn chỉ”, “những nhà báo nữ nổi tiếng”… Sẽ có vô số kết quả mà anh có thể copy paste, rồi dù khuôn sáo, nhưng sẽ dễ dàng lấp đầy trang giấy trắng này. Có lẽ em cũng đôi lần làm như vậy – tìm cách lấp đầy một nội dung đã đến hạn chót phải nộp, khi mà cơ thể lẫn trí óc đã đến giới hạn – để rồi phải tìm cách tự bao biện, mà thực ra là cố nhấn chìm nỗi xấu hổ của mình khi đã cho ra đời một sản phẩm (không dùng chữ “tác phẩm” được rồi) báo chí nhạt nhẽo.

Nhưng mà không, anh sẽ không chọn cách tiếp cận câu chuyện của em theo cách đó, vì anh nhận ra rằng đây cũng là một cuộc trò chuyện với chính mình.

Đồng nghiệp thân mến, nếu em chọn nghề báo vì yêu, thì hẳn nhiên em đã có những lý do của riêng mình. Bởi vì người ta có thể thích một thứ gì hay một ai vì những ảo tưởng, nhưng người ta không thể yêu ảo tưởng. Tiền bạc, sự nổi tiếng hay những mối quan hệ rộng khắp, có thể là hào quang dẫn nhiều người đến với nghề làm báo. Nhưng nếu không thực sự hiểu và yêu nó, thì ánh hào quang ấy rất nhanh chóng sẽ tan đi, chỉ còn lại sự thất vọng và những mệt mỏi bất tận. Anh đã chứng kiến quá nhiều người đến và đi với nghề của chúng ta, để hiểu rõ rằng người chọn nghề mà nghề cũng chọn người.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Em đã ở lại với nghề sau 5 năm, nghĩa là em chọn nghề và cũng được nghề chọn. Trong 5 năm ấy, hẳn đã có một cô cử nhân trưởng thành biết bao nhiêu, trở thành một nhà báo đúng nghĩa. Một nhà báo biết hướng về lẽ phải và những người yếu thế. Trong 5 năm ấy, anh hiểu đã có bao nhiêu đêm trắng, bao nhiêu ngày dài, bao nhiêu trăn trở trí não và cả sự dũng cảm để phụng sự cái chung. Nó hoàn toàn không đáng kể đâu em, những nỗ lực ấy mà, bởi vì làm nghề nào thì có đặc thù công việc của nghề ấy. Mình kể cái khó của nghề mình, người làm nghề khác người ta cười cho. Anh chỉ nói là anh hiểu, đồng nghiệp của em hiểu, và người thân của em cũng hiểu.

Nhưng người thân của em cho đến lúc này, có lẽ mới chỉ hiểu những cái khó khăn, hay những cái hào nhoáng bên ngoài của nghề làm báo. Họ ngăn cản em, không phải vì họ coi thường nghề mà em đang làm, mà là họ chưa hiểu hết về nó. Một cán bộ như bố em, có lẽ sẽ hiểu thế nào là phụng sự cái chung, hãy chia sẻ với bố về tâm nguyện ấy. Bạn trai em, người yêu thương và muốn kết hôn với em, có lẽ chỉ lo về một mái ấm thường xuyên thiếu bàn tay phụ nữ. Nhưng em đã bao giờ cho cậu ấy thấy nhiều mái ấm khác được giữ lửa có công bàn tay của em? Những người yếu thế, những người mà em đã luôn hướng về phía họ 5 năm qua ấy.

Về phía mình, anh nghĩ có thể em cũng nên điều chỉnh lại một chút. Tuổi trẻ hết mình cho công việc là đúng, nhưng nếu em mất sự cân bằng, chính mình thường xuyên mệt mỏi căng thẳng, thì trước hết em sẽ cho ra đời những sản phẩm báo chí tồi (khắt khe mà nói, một sản phẩm báo chí nhạt nhẽo vô bổ cũng chính là sản phẩm báo chí tồi rồi). Về lâu dài, áp lực công việc không được cân bằng sẽ dẫn tới những hành xử thiếu công bằng với gia đình, người thân. Không thể nhân danh nghề nghiệp để hợp thức hóa mọi thứ xấu xí mà con người mình sẽ trở thành khi mất cân bằng được em ạ.

Là phụ nữ, việc theo đuổi nghề báo sẽ khó khăn hơn nam giới ở một số khía cạnh, nhưng mặt khác, sự mềm mỏng và tính nữ lại là ưu thế. Bù qua sớt lại, anh không nghĩ rằng có sự phân biệt giới tính nào trong nghề này. Nghề báo tôn trọng mọi nhà báo tử tế, và những nhà báo tử tế khiến nghề báo được tôn trọng.

Chúc em sức khỏe và sự cân bằng. Mọi điều tốt đẹp sẽ đến với em, đồng nghiệp thân mến.

Gia Hiền

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật