• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người ta chọn đi, vì họ làm gì biết đến lựa chọn khác

Có thể bảo người ta đã chọn một giấc mơ sang giàu quá khả năng. Nhưng tôi nghĩ đó không...

Ở Quản Bạ, Hà Giang có làng văn hoá du lịch Nậm Đăm - một ngôi làng người Dao, có cảnh sắc, có tiềm năng đa dạng, có nghề làm thuốc để người dân làm ra sản phẩm.

Khu làng mới được một số đơn vị tư vấn, đào tạo để phát triển du lịch. Người trong làng thi nhau dựng homestay, một HTX thuốc nam được khôi phục. HTX thuốc nam đang tạo công ăn việc làm cho tầm hơn chục người, thu nhập tầm 4-5 triệu, người có cổ phần còn tốt hơn, có người 10-15 triệu. Tôi đã thầm nghĩ vậy là tốt quá, chỗ khác đau đầu vì làng mất nghề, làng này có nghề, bà con có sinh kế, lo gì dân vượt biên. Phải nói thêm rằng đồng bào miền núi sang bên kia biên giới làm ăn, hợp pháp lẫn phi pháp là chuyện nhiều đến nỗi không còn là tin tức nữa.

Tôi đã nghĩ với thu nhập như thế, là quá đủ để thoát nghèo ở một tỉnh mà đa phần vẫn phải chờ nguồn từ các chương trình xoá đói giảm nghèo của nhà nước. Chả đâu xa, ở nhiều đơn vị nhà nước đang chờ cổ phần hoá chỉ mong trả được 4-5 triệu một tháng là đủ sức giữ nhân viên có nghề ở lại.  Nhưng cậu thanh niên làng trong một homestay mà tôi ở đã lắc đầu, bảo lương thấp thế em chả thích, em ở nhà vài hôm rồi em lại sang bên kia làm thôi. Làm chui, vất vả, nhưng một tháng cũng được tầm 20 triệu. Cho dù có lần, cậu bị bên đó đập cho 1 trận thừa sống thiếu chết, về nhà nằm chữa bệnh cả nửa năm, mạng sườn giờ vẫn còn sẹo.

Tôi càu nhàu: “Bố cậu đi vay 900 triệu đầu tư làm cái cơ ngơi homestay, xong cậu bỏ đấy, nhà thì thiếu người tiếp khách. Cậu về giúp bố thì vài năm lo gì không kiếm được tiền”. Cậu nhún vai: “Ôi biết đến bao giờ, chả có tiền được đâu”.

Vậy đó, nghĩ dài là một chuyện …rất dài. Ở trường hợp của một cậu thanh niên 19 tuổi, chả có gì khó để chọn lựa giữa ở nhà và đi, đó là bài toán tìm số lớn hơn đã học từ lớp 1.

Khi thông tin về cô bé ở Hà Tĩnh mất tích, CNN có nhắc một chi tiết: thu nhập của gia đình cô là 400 USD/ tháng. 400 USD, ấy là con số mơ ước với nhiều người ở ngay thành phố chứ không chỉ nông thôn. Chúng ta có thể thốt lên, giời ơi, có 400 USD một tháng còn lang thang vất vưởng trời Tây làm gì.

Nhưng tôi, hay bạn, hay bất cứ ai, không thể cấm những gia đình ấy, mơ về một cuộc sống sung túc và tiền tỷ. Đây không còn là vấn đề thoát nghèo nữa, đấy là câu chuyện phải bằng bạn bằng bè.

Ở các làng quê, không học hành, chẳng có hướng dẫn, họ chỉ là chọn cái gì nhiều tiền hơn. Hoặc là ở lại chấp nhận số tiền đủ sống, hoặc là đi tha hương. Chưa từng ai nói hay hướng dẫn các cô cậu thanh niên về một hướng đi thứ 3. Không thể mang đạo lý, nguy hiểm, hay luật pháp ra để nói. Chẳng thế bảo đấy, hãy biết nghĩ xa nghĩ dài đi. Cũng không thể một chốc một lát phân tích là các em ạ với khả năng trình độ ấy hãy biết bằng lòng với cuộc sống ấy đi.

Đấy là những thứ xa vời mà chỉ đám thành thị rảnh rang ngồi cà phê trà đá bàn luận. Khi mà cả làng xây nhà lầu từ tiền đi Tây, thì đi Tây là tất yếu. Khi mà thanh niên cả làng kiếm 20 triệu, thì kẻ 4 triệu ở nhà là kẻ dở hơi.

Khi cả làng đổi đời nhờ lao động trời Tây, thì việc ra đi đã trở thành hiển nhiên (Ảnh: Dân trí)
Khi cả làng đổi đời nhờ lao động trời Tây, thì việc ra đi đã trở thành hiển nhiên (Ảnh: Dân trí)

Có rất nhiều cuộc tuyên truyền, những lần vận động, nhưng người ta cứ quên đi rằng, một sự định hướng cho lớp thanh niên, nó cần lắm. Không phải là mỗi năm đến cho vài kg gạo, cấp vài trăm ngàn tiền hộ nghèo, hay thấy người ta đủ ăn đủ mặc là hết. Không phải cứ thấy nhà nhà xây nhà cao tầng, mua ô tô xe máy rồi bảo à thế là xã mình điển hình tiên tiến. Những thanh niên nhiều vùng quê lớn lên, luẩn quẩn bí bách, ai rủ đi đâu cũng đi, bởi còn biết làm gì hơn. Tôi tin cô gái ở Hà Tĩnh không lười, chàng trai ở Nậm Đăm không lười. Chẳng phải họ đã chọn một con đường vất vả và khó khăn hơn để đi sao. Có điều họ chẳng biết làm gì khác.

Chúng ta cũng có thể bảo đấy là cuộc đời họ, họ chọn một giấc mơ sang giàu quá khả năng. Nhưng đã từng ai phân tích cho họ thế nào là "quá khả năng"?

Khi không phải 1 người, 2 người hay 39 người mà là một làng, 1 huyện, hay thậm chí đến cả tỉnh ra đi, thì đấy là vấn đề của những chính sách định hướng tầm cao hơn.

Rõ ràng, vẫn có một phần thế hệ trẻ đang không thể định hướng cuộc đời mình.

MN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật