• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những nhỏ bé thương mến ngày xưa

Những thứ bất tiện ấy cứ tồn tại mãi trong cuộc sống, một thời quen thuộc đến mức...

Những ngày giáp Tết nhà nào cũng có cảm giác sao nhiều việc thế, nôn nao chưa xong việc này đã thấy việc khác trước mắt. Rồi thì bà thì mẹ “bỗng dưng” cứ à với ồ, sau những cái à ồ ấy thế nào bọn trẻ cũng có thêm vài việc vặt... phổ biến nhất là dọn dẹp quét tước nhà cửa, rồi giặt giũ chăn màn chiếu gối, rồi gọt thái củ quả làm mứt, làm dưa góp dưa món... Những việc vặt thôi nhưng để làm thì phải có những vật dụng quen thuộc, hàng ngày đã cần thì ngày Tết lại càng cần hơn.

Thời bao cấp trong các khu tập thể cao vài tầng gác, mỗi nhà thường có một cái “chổi lúa” quét nhà. Nhà ai dưới đất hay ngoài phố thì có thêm cái “chổi rễ” quét sân, dọn cống rãnh. Những cái chổi thường cái cán ngắn, nếu không tìm được đoạn tre buộc vào cho cán dài hơn thì phải khom mỏi lưng để quét. Tôi nhớ trong phim hay trên sân khấu kịch hay có cảnh “người mẹ (người bà) dừng tay quét, đưa tay ra sau đấm đấm lưng, mắt nhìn xa xăm như chờ người đi xa về ăn Tết”. Chỉ vài nhà có thêm cái chổi lông gà (thường để phủi bụi bàn ghế), đến Tết lại vất vả đi tìm cành tre dài nối vào quét mạng nhện. Chưa kịp làm mà cả xóm mượn vòng quanh thì đến khi nhà dùng chổi lông gà đã rụng rơi gần hết.

Thời ấy nhà ai cũng chật, ngoài cái giường đôi, cái tủ quần áo, còn lại tất tật tống vào gầm giường kê cao thêm bằng mấy hòn gạch. Nền nhà tráng xi măng hay may mắn có “gạch hoa” thì luôn được lau sạch sẽ, mùa đông mùa hè đều bỏ guốc dép ngoài cửa. Việc lau nhà thường dùng khăn mặt hay áo may ô cũ bằng vải dệt kim thấm hút nước tốt, ngồi xổm và kéo lê cái chậu cái xô vòng quanh để lau hai ba lượt. “Bò ra mà lau nhà” là bình thường.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Những ngày mưa dầm hay sau Tết giời nồm, quần áo giặt phơi không bao giờ khô, âm ẩm lành lạnh, vài ngày đã có mùi ẩm mốc. Khổ là giặt xong chỉ phơi ngang dọc trên đoạn dây phơi ngắn trong nhà hay ngoài hiên, nhà có trẻ con nhiều quần áo còn phơi chồng lên nhau, chị em phơi đồ lót phải phủ áo lên trên “cho kín đáo”... Gần Tết mà trời hửng nắng thì quanh bể nước nhộn nhịp người múc nước người giũ xả chăn màn người giặt chiếu, rồi phơi la liệt bất cứ chỗ nào có thể. Chiều tối có nhà để bếp than tổ ong trong nhà để hong tã lót em bé, nhà kín đáo hơn cắm bếp điện dù điện yếu đoạn dây “mai-so” chỉ hồng hồng một chút.

Mỗi khi làm bếp nhiều cô gái sợ phải gọt củ quả bằng dao con, vụng tay hay dao cùn thì gọt vỏ bí bầu mướp hay bị sứt sẹo trông hết cả ngon lành lại còn bị mẹ mắng. Thỉnh thoảng nhà ăn rau sống, nhìn mớ rau muống tự chẻ có thể biết con gái nhà này có khéo tay không. Có lúc người ta nghĩ ra việc gài cái kim băng ở đầu mũi dao để canh độ dày mỏng, gọt vỏ bầu bí mướp hay chẻ rau vừa nhanh vừa đẹp. Nhưng không phải ai cũng làm thế vì sợ bị chê là “vụng”, là “vẽ chuyện”.

Những thứ bất tiện ấy cứ tồn tại mãi trong cuộc sống, một thời quen thuộc đến mức “đương nhiên”, không ai thấy sự mất công là phiền phức, không thấy cần phải “cải tiến” hay thay đổi cho thuận tiện hơn - dù trong lao động sản xuất thì luôn có phong trào thi đua “cải tiến kỹ thuật” sao cho “nhanh nhiều tốt rẻ”. Hàng ngày làm công việc nội trợ, phụ nữ “đảm đang khéo léo” chăm chỉ cứ phải luôn tay luôn chân. Nếp cũ thế nào thì người sau làm vậy, “cần cù bù thông mình” được coi là một lời khen ngợi, động viên.

***

Bắt đầu từ “thị trường” hàng hóa phong phú đa dạng ở miền Nam, sau thời bao cấp hàng tiêu dùng sản xuất ngày càng nhiều, chất liệu, mẫu mã được cải tiến, thay đổi phù hợp và thuận tiện hơn cho người dùng. Đáp ứng nhu cầu thị trường làm cho cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn.

Chỉ chuyện cái chổi cái giẻ thôi, bây giờ biết bao loại chổi, giẻ lau nhà? Bên cạnh “chổi đót” phổ biến nhất còn có thêm chổi bằng sợi nilon giả đót, hình dáng màu sắc y hệt nhưng không bị rụng bông ra nhà, lại bền hơn. Chổi nào cũng có cán dài vừa tầm, có thêm cái hót rác và giỏ rác xinh xắn bằng nhựa đủ màu, trong nháy mắt nhà cửa sạch sẽ. Công sở có bộ chổi và ky hót rác gắn liền giúp chị lao công đỡ vất vả. Gần Tết thế nào cũng có mấy ông bán chổi rong, tiếng loa pin oang oang “chổi lông gà chổi quét nhà” cụt ngủn chứ không ngân nga “chổi các loại đâyyyyy”... như ngày xưa. Gác dọc chiếc xe máy hay xe đạp là những cây chổi muôn màu sắc đã có cán dài ngắn khác nhau, chổi lông gà quét mạng nhện dài nhất, từ xa đã thấy những túm lông rực rỡ báo hiệu sắp đến những ngày bận rộn dọn dẹp quét tước.

Siêu thị, ngoài chợ bán rất nhiều loại cây lau nhà đủ màu sắc và chất liệu, loại nào cũng có cán dài vừa tầm đứng, có thể nhẹ nhàng đẩy lau mọi ngóc ngách. Từ loại miếng giẻ sợi cố định ở đầu cây lau đến loại có thể thay được miếng giẻ mới... nay thì phổ biến là người dùng combo cây lau nhà có thể xoay tròn, thùng đựng nước lại biết vắt khô giẻ lau. Nếu mà có “Huân chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” thì tôi sẽ ủng hộ việc tặng thưởng cho phát minh ra combo này.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Khâu giặt giũ thì đã có máy giặt gia đình và cửa hàng giặt sấy có luôn ủi là gấp gọn nữa. Quần áo ngày một nhiều hơn nhưng đã có những chiếc móc áo tiện dụng, một lúc phơi được nhiều quần áo thẳng thớm, kín đáo và đẹp mắt. Xưa ít nhà có móc áo, bây giờ móc nhựa, móc nhôm hay inox, lớn nhỏ, dài ngắn. Tã lót em bé đã có dàn phơi tròn có nhiều cái kẹp, tha hồ kẹp tất, bao tay, khăn tã, quần áo... Lại còn “giàn phơi thông minh” lắp đặt sẵn linh hoạt kích thước, phơi chăn màn rất tiện. Từ nông thôn đến căn hộ ở thành phố, việc sử dụng móc áo đã tiết kiệm một cách có hiệu quả không gian phơi quần áo, làm cho trong nhà gọn gàng ngăn nắp và cảnh quan chung văn minh hơn.

Trong bếp bây giờ không thể thiếu con dao bào, thậm chí có nhiều kích cỡ khác nhau. Không còn phải mắm môi mắm lợi đưa con dao đi cho khéo mà vẫn bị đứt tay, giờ thì củ quả gọt xong láng mướt ngon lành. Lại có thêm dao cắt tỉa hoa lá... món xào, món nấu, hũ dưa chua trông vừa đẹp vừa ngon. Ngày giỗ ngày Tết “chấp hết” hàng rổ củ quả nhé, phụ nữ vẫn khoe tài khéo léo mà đỡ vất vả hơn nhiều.

Những vật dụng nhỏ bé này có mặt bên ta hàng ngày, ít người để ý cho đến khi thấy... thiếu, vì nó cần thiết cho công việc nội trợ nói chung và phụ nữ nói riêng. Tuy không phải là máy móc hiện đại hay đồ dùng đắt tiền, chức năng cũng đơn giản, nhưng nhờ luôn được cải tiến nên người dùng đỡ mất công sức và thuận tiện hơn, mang lại tâm lý thoải mái khi làm việc nhà. Cuộc sống tốt đẹp hơn có khi bắt đầu từ việc nhà cửa gọn gàng, bếp núc ngăn nắp, khi công việc nội trợ hàng ngày trở nên nhẹ nhàng và thoải mái.

“Bình đẳng giới” không chỉ là thay đổi quan niệm phong kiến về nữ giới, không phải là “giải phóng” họ khỏi cái bếp hay cây chổi, giẻ lau... Mà còn là và cần hơn là làm sao cho phụ nữ được thực hiện thiên chức “bếp núc” của mình một cách thoải mái, thuận tiện, dễ dàng, để họ có thể giữ gìn sức khỏe, niềm vui, mang lại hạnh phúc lâu dài cho gia đình. Thực hiện bình đẳng giới hay giải phóng phụ nữ không chỉ là khẩu hiệu hay văn bản pháp luật, mà nó bắt đầu từ sự quan tâm và thay đổi những việc nhỏ bé nhưng cụ thể và tinh tế như vậy.

Nguyễn Thị Hậu

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật