• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những vị trà đời người

Đời lính trận viễn chinh cho tôi biết đổi tên “Chè” thuở thiếu thời sang ”Trà”,...

Những năm 196x tôi còn nhỏ, vẫn đang đi học. Sự chuyển đổi kinh tế của Hà Nội từ một thành phố buôn bán sang một công xưởng sản xuất đã hoàn thành. Dấu tích phồn hoa đô thị trong nhà bà tôi chỉ còn lại cái quạt trần Marelli có bóng đèn treo giữa, chiếc radio Marconi bóng điện tử, đôi chiếc bàn tròn gỗ trắc mặt cẩn đá và những vỏ hộp chè tàu bằng sắt tây sơn màu rực rỡ. Hộp trà Thiết Quan âm, trà Long tỉnh, trà Phú Thái… với các ông tiên râu bạc là những ấn tượng đậm nét tuổi thơ.

Bà ơi cho cháu một xu

Cháu mua bánh bù cháu gửi về Nam

Bố cháu đi làm chè tàu thuốc lá

Mẹ cháu ở nhà kim chỉ vá may.

Bà tôi đọc tôi nghe câu ca dao mới này, và tôi hiểu chè tàu thuốc lá nó như là cái tiêu chuẩn tất nhiên của một người lớn, là đàn ông trụ cột gia đình đang đi làm cần phải có. Trong hộp chè cả chục năm không đựng cánh chè nào nhưng mở ra vẫn thoáng hương chè thoảng, thì phải biết những loại chè tàu nó bền mùi, nó lưu hương đến cỡ nào. Nên nhớ là chè chứ không phải trà. Trà là từ trong Nam mới du nhập ra Hà Nội sau ngày thống nhất 1975, cũng như cây, chỉ với định lượng vàng, như xem ti vi thay cho xem vô tuyến…

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Tôi lớn lên trong xã hội bình quân tập thể. Mậu dịch quốc doanh chợ Đồng Xuân bán những gói chè bồm, gọi là chè “Ba hào”. Một cái vỏ giấy hình khối chữ nhật, in nhòe mấy cánh chè màu xanh, bên trong là những vụn lá già và cẳng chè không rõ là loại mấy, khi pha nước đỏ quạch và chát xít. Những năm đó, bà tôi vẫn không chịu uống loại chè này. Bà vẫn mua nụ vối khô, ủ trong chiếc ấm giỏ đan mây quang dầu, lót trong là lớp bông trần trong vải để giữ nhiệt.

Ngoài loại chè phổ thông rẻ tiền này, mậu dịch còn bán loại chè gói “Bốn hào rưỡi”, chất lượng khá hơn chè “Ba hào” một chút. Cùng giá với chè “Bốn hào rưỡi” là những phong chè dẹt như thể chiếc phong bì nhỏ in búp chè xanh tôm ba lá, đó là chè Đại Đồng. Trong phong bao chỉ đủ lượng một ấm chè, nhưng là loại chè búp móc câu Thái Nguyên nước xanh, thơm ngon hậu giọng. Có lẽ đây là loại chè xanh duy nhất thời đó mà nhà nước bán. Ngay đến chè Ba Đình, chè Hồng Đào, những loại chè đặc biệt trong túi hàng Tết tiêu chuẩn cũng chỉ là chè mạn, loại hồng trà chỉ có cán bộ phiếu C trở lên mới có thể mua trong những ngày bình thường. Gói chè Ba Đình ngoài vỏ đương nhiên in hình lễ đài Ba Đình màu vàng. Chè Hồng Đào đương nhiên in hình hoa đào màu hồng. Mọi thứ hình thức đều diễn đạt nhất quán với nội dung bên trong, tên gọi được minh họa sát với chủ đề. Dễ hiểu giản dị đến thế là cùng. Ngay cả thơ văn lẫn tranh vẽ của các văn nghệ sĩ cũng đều minh họa cho một thời hào hùng làm chủ tập thể, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, nói gì đến hình thức một gói trà.

Đời lính trận viễn chinh cho tôi biết đổi tên “Chè” thuở thiếu thời sang tên gọi mới là ”Trà”. Tôi biết thêm những loại “trà” khác, những miếng uống khác để sinh tồn chưa từng có trong đời. Khi chúng tôi hành quân. những nguồn nước chảy, lưu thông tự nhiên như sông suối là thứ trà “thanh thủy”an toàn nhất, chỉ cần đun sôi nước là có thể uống. Song có những đoạn suối tù ngâm lá mục lâu năm trong rừng, nước chuyển màu nâu, ven bờ không có vết chân thú tìm uống, trong nước không có nòng nọc hay các loài thủy sinh là nước độc, không được phép dùng.

Những chiếc tăng ni lông trải trên địa hình trũng cũng có thể gom đón những giọt nước từ một cơn mưa trái mùa. Những chiếc khăn mặt, khăn rằn vải bông trên vai người lính sẽ là những vật thấm nước tốt trên mặt ruộng, mặt đìa cạn với mức nước lấp xấp. Dùng các khăn đó trải nhẹ trên bề mặt ruộng thấm nước, vắt vào xoong nồi, vào bi đông, như thế nguồn nước tự nhiên sẽ không bị đục. Nếu nước bị vẩn bùn, vừa phải lọc, vừa dễ làm lộ dấu đơn vị hành quân với lính trinh sát địch đang đeo bám.

Một trường hợp đặc biệt, vào tháng 3 năm 1979, tiểu đoàn chúng tôi đã được dùng món “Trảm ngưu trà”. Đã hai ngày hành quân đuổi địch mà không có nước, nhiều anh em đã lả đi vì khát. Đại đội 3 do anh Trịnh Đình Liêu làm đại đội trưởng chợt phát hiện ra một con trâu rừng lớn. Trâu là loài ăn cỏ guốc chẵn, thường sống ở nơi gần nguồn nước dồi dào. Chúng tôi phải bắn con trâu, xả thịt ra những miếng bằng bao diêm, ném vào nồi quân dụng đun cho ra nước thịt để cấp cứu tạm thời cho những người yếu nhất, trước khi theo dấu chân nó tìm đến một cái đìa nước rộng. Ngoài nước thịt trâu, nước tiểu của chính bản thân mình cũng là một loại “Khai khẳn trà” tự nhiên bất đắc dĩ phải dùng, nếu muốn tồn tại qua những trường hợp khát khô khốc liệt, một mất một còn.

Trà uống ở căn cứ thì đơn giản ngon lành, với nhiều cách chế biến. Đầu tiên quen nhất phải là nước gạo rang. Chắc như bắp, đơn vị nào cũng như đơn vị nào. Xuống hậu cần xin lẻ gạo, bỏ vào chiếc xoong nhôm móp trung đội, rang nhỏ lửa cho hạt gạo tím sậm vỏ ngoài, có thể quậy nhanh tay đũa, để thêm cho thấy vài sợi khói nhẹ bốc lên thơm cháy, sau đó đổ vào nồi nước đun sôi. Để cho ngấm rót ra. Trong lòng chiếc bát sắt quân dụng, một thứ “Mễ trà” lính rừng không tên màu vàng trong, càng để lâu càng sậm, có vị thơm bùi dễ uống.

Thứ nhì kể đến “Hà thủ ô trà”. Loại nước này mất công hơn. Dây hà thủ ô rất sẵn ở bìa rừng khộp, trên các ụ mối quanh cứ. Một loài dây leo thân nâu tím, xoắn bện vào với nhau nếu không bám được vào chỗ nào để vươn lên đón nắng. Lá hà thủ ô mọc đối, hai mặt mịn một lớp lông tơ bàng bạc. Chiếc lá bứt ra khỏi thân dây, một đốm sữa trắng đục mọng dần, dinh dính bám tay người hái. Cẩn thận kỹ tính hơn, có anh còn vác xẻng đi đào củ hà thủ ô từ sáng sớm.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Dây, củ hà thủ ô mới hái về chớ nên đun nước uống ngay, trừ khi cấp tốc. Củ hà thủ ô đen đủi nhưng khi thái ra màu trắng bột, có vị đắng. Muốn ngon, muốn thơm đây phải phơi héo nửa nắng, củ phải rang nhẹ cho khô sém cạnh pha nước mới đạt. Nước hà thủ ô vàng xanh, không đắng như các báo cáo dược tính mà lại có vị mát ngọt. Vùng rừng quanh phum Bal Tà hiên chúng tôi còn hái được cả những bụi dây kim tiền thảo, dây chạc chìu. Hai loài dây leo này khá giống nhau, thái ra phơi khô, làm trà pha nước uống cũng rất ngon mà lại lợi tiểu. Những ngày mưa không đi đâu xa được, ra hái mấy cái lá sim, lá mua bánh tẻ quanh nhà cũng có nồi nước chan chát vị trà, đỡ tanh mùi mưa núi.   

Ra ở lẫn trong dân, không có hà thủ ô rừng nấu nước, thì có lá xoài, lá trâm. Lá xoài lá trâm tươi bánh tẻ vài chiếc thả trong xoong nước đun cũng có nhang nhác vị chát ngọt của lá vối. Cầu kỳ hơn nữa thì ra trảng đào rễ cây cỏ tranh, cắt khúc sao vàng đun nước. Rễ tranh sao vàng là thứ trà cao cấp, có vị mát ngọt rất thú vị. Tôi còn thấy anh em bỏ cả nắm lá tre tươi rửa sạch vào nồi nấu nước, cũng rất mát lành và rất dễ uống.

Những khi có xe tiếp phẩm từ nước nhà sang, với bịch trà B’lao Lâm Đồng, đùm thuốc rê Tây Ninh… Và đặc biệt nhất là khi có ai đi phép trở về đơn vị, có mang theo ấm trà Bắc Thái Nguyên, gói thuốc Sông Cầu thì đó sẽ là một ngày đặc biệt, một đêm mất ngủ. Những người lính xa nhà, nhấm nháp từng miếng nước, từng hơi khói quê hương, thao thức nhớ về Tổ quốc của mình.

Chao ôi đời ta trăm loại vị trà cay đắng. Chẳng loại trà nào ngon lành mát rượi như miếng nước trong ta uống nơi giếng mát quê nhà.

Trung Sỹ

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật