Từ những ngày giãn cách đầu tiên ở Sài Gòn, trên mạng xã hội, trên báo chí chạy những cái tít “Sài Gòn bị thương”, “Sài Gòn ốm rồi”… Những cái tít làm tôi ngạc nhiên. Hà Nội năm ngoái cũng đã có một đợt giãn cách vài tuần, nhưng không hề có những lời cảm thán bi lụy như thế, nữa là đây, Sài Gòn vừa mới bắt đầu.
Sài Gòn tôi chưa từng gắn bó. Bỗng nhiên chỉ trong một mùa hè, khi tất cả những xót xa của Sài Gòn phơi bày, chợt thấy thương Sài Gòn đến lạ. Lo sợ nhìn những người nghèo, người nhập cư trong những khu nhà hẻm sâu tít. Cay đắng với những dòng người gồng gánh dắt nhau về quê hàng trăm hay cả nghìn cây số trên xe máy. Dường như, tất cả bức tranh “phía tối của Mặt Trăng” được bộc lộ khi Covid-19 ập đến. Ngay cả những người ở đó cũng phải ngỡ ngàng về một Sài Gòn khác.
Chưa bao giờ sự phân hóa giàu nghèo rõ nét như trong dịch (Ảnh: internet). |
Chưa bao giờ sự phân hóa giàu nghèo rõ nét như trong dịch, không phải là bằng sự tiêu dùng, bằng mức sống, mà là bằng nguy cơ phơi nhiễm với virus. Nhưng cũng chưa bao giờ sự phân hóa giàu nghèo lại vô nghĩa đến thế, khi y tế quá tải, người có tiền cũng không gọi được cấp cứu, không có chỗ trong bệnh viện, không có bình oxy.
Nhìn trên bản đồ lây nhiễm do các cơ quan nhà nước đưa ra lúc cao điểm dịch, thấy ngay những ổ dịch nặng nhất là những khu người nghèo, các con hẻm của nhà trọ cho dân nhập cư, dân lao động. Còn những người quen ở các khu đô thị hiện đại thì đều ổn.
Bạn tôi, một người Hà Nội chuyển vào Sài Gòn theo gia đình từ chục năm nay, thốt lên: Chưa bao giờ em thấy nhiều người vô gia cư đến thế. May mà có những nhóm thiện nguyện nấu cơm, tặng đồ ăn miễn phí cho người vô gia cư và người gặp khó khăn, nếu không thì chẳng nhà nước nào làm xuể.
Rất nhiều trên mạng là hình ảnh các nhóm thiện nguyện với những người mặc đồ bảo hộ kín mít, đi xe máy, xách theo túi cơm hộp. Họ vừa đi chậm lại chuẩn bị tấp vào lề đường là có những người nghèo chạy vội theo chờ được tặng cơm từ thiện. Mỗi phần cơm bao giờ cũng chu đáo có thêm chai nước, hộp sữa, đôi khi có cả chút tiền. Những người trong bộ dạng xộc xệch, nét vất vả hằn lên gương mặt chạy vội đuổi theo xe máy mong được phát cơm, xô cả vào nhau – ngày thường đâu có cảnh tượng này.
Một nghiên cứu năm 2018 cho biết, người nhập cư đến Sài Gòn đa số tìm được việc làm ngay, nhưng là làm công nhân hay lao động chân tay, bởi học vấn họ khá thấp, mà nhu cầu lao động giản đơn trong một Sài Gòn sôi động thì lại quá lớn. Ngoài ra còn cả triệu lao động thời vụ. Họ thu nhập dù chỉ đủ qua ngày, nhưng vẫn hơn ở quê không thể làm gì ngoài nông nghiệp, không nghề phụ, không đào tạo. Mỗi năm thành phố có thêm 200.000 dân đăng ký chính thức, tới 2/3 trong đó là người nhập cư. Quá tải từ trường học, bệnh viện tới những khu nhà cơi nới, ổ chuột.
Ảnh: internet. |
Một vị bác sĩ khá nổi tiếng ở Sài Gòn, từng lớn tiếng ủng hộ điều trị F0 ở tại nhà ngay từ đầu dịch, đến tháng 9, phải thốt lên trên FB, rằng ông không hình dung được dân Sài Gòn nghèo đến như vậy. Chỉ khi ông trực tiếp xắn tay vào điều trị F0, đi vào các khu nhà trọ, những con hẻm, mới thấy nhiều người ở Sài Gòn khổ thế nào. “Nói chung là khi mình len lỏi vô, thì mình thấy mức sống của con người nó quá thấp, nó tăm tối, nó bẩn chật, nó chung đụng. Và đó là những nơi bùng phát dịch bệnh”. Ông nói rằng nếu trước đó hiểu vậy thì ông đã đề nghị khác. “Để F0 điều trị tại nhà mà quên cân nhắc điều kiện cũng là yếu tố góp phần làm tăng tử vong, làm tăng lây nhiễm” – bác sĩ viết.
Cô ruột tôi, qua điện thoại, nói cô ổn. Nhưng trường mẫu giáo trước nhà con trai cô đã trở thành nơi điều trị F0, còi cấp cứu ủ suốt ngày. Quá nặng nề, cô trở về căn hộ chung cư sống một mình, cả hai tuần không xuống đất cho đến khi học sinh cũ của cô mang rau quả tiếp tế đến. Nghe thấy cả tiếng còi cấp cứu trong điện thoại.
Hàng nghìn các y bác sĩ đã vào Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19 (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Suốt cả mùa hè, tôi hình thành thói quen hàng ngày theo dõi số ca nhiễm mới mà Bộ Y tế công bố mỗi sớm chiều. Năm ngoái theo dõi mỗi Hà Nội. Năm nay theo dõi thêm Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai. Đã từng cực kỳ lo lắng, hoang mang, lại có lúc trở nên hình như chai sạn. Rồi hy vọng dần nhen lên khi con số tử vong cuối tháng 9 chỉ còn bằng gần 1/3 lúc cao điểm giữa tháng 8, khi tiếng còi cấp cứu không còn nghe thấy trong điện thoại mỗi lần nói chuyện với người thân trong Sài Gòn nữa. Số mạng người trả cho Covid-19 đã tới mười mấy ngàn – hầu như chỉ trong nửa cuối mùa hè. Cái giá để tôi hiểu thế nào là “Sài Gòn bị ốm”, ốm nặng, thật là quá đắt.
Mấy ngày cuối tháng 9, một vài bệnh viện dã chiến trong Sài Gòn bắt đầu trả lại đồ vật của người mất vì Covid-19 cho các gia đình. Một ông bố bế con nhỏ xíu đến nhận lại đồ của vợ. Một người đàn ông lớn tuổi nhòa nước mắt nhận đồ của con. Một người con được trao lại túi của mẹ. Đồ đạc chẳng có gì nhiều, ba lô hay bọc quần áo nho nhỏ gom vội khi vào viện, có khi chỉ mỗi cái điện thoại. Có những gói bọc vẫn còn nguyên tờ giấy nhờ các bác sĩ chuyển giùm đến người thân, mà người thân còn chưa kịp mở ra vì đã vào phòng hồi sức cấp cứu, rồi đi mãi không về. Họ đã không được gặp nhau khi bệnh nhân qua đời, mọi chuyện bệnh viện lo liệu hết. Covid khiến chuyến đi cuối cùng của con người mới cô độc làm sao. Giờ, nhìn người ta đến nhận lại những kỷ vật ít ỏi của thân nhân, chỉ thấy buồn vô hạn. Phải, gia đình tôi cũng đã có một người thân ra đi cô độc như thế.
Sài Gòn đang dần "hồi phục" (Ảnh: internet). |
Chia sẻ và biết ơn với các bác sĩ, nhân viên y tế chạy đua với thời gian cứu người, những lực lượng tuyến đầu căng mình chống dịch suốt ngày đêm. Cảm kích những nhóm tình nguyện hỗ trợ thức ăn, hỗ trợ oxy miễn phí cho bệnh nhân. Và đau đớn, khi một người thân trong gia đình chúng tôi trở bệnh mất đột ngột, mà chẳng ai có thể đưa tiễn anh, và chờ đến hai tuần bệnh viện mới thông báo đến nhận bình tro… Sài Gòn bỗng trở nên thương mến, gần gũi bao nhiêu.
Và cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn. Vaccine đã gấp gáp ưu tiên để Sài Gòn tiêm trước. Hàng nghìn bác sĩ, nhân viên y tế đã vào Nam chi viện. Dịch đã qua đỉnh. Đường phố được mở lại dần dần. Một thành phố từng có lúc kinh hoàng hơn bất kỳ bộ phim viễn tưởng nào - vắng lặng như tờ ngoài đường và đông đúc vội vã trong bệnh viện, đang hồi sinh, nhè nhẹ. Nỗi lo nghẹt thở lúc nào đã được nới ra. Để nhận ra hóa ra mình không vô tâm với Sài Gòn. Mình đang trở nên thương, rồi yêu thành phố ấy.