• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau nghịch cảnh, luôn có những cơ hội cho niềm vui phía trước…

Dịch bệnh tràn qua như một đám mây đen bao trùm tất cả, rất nhiều người con mang mãi vết...

Dịch bệnh tràn qua như một đám mây đen bao trùm tất cả, hàng triệu gia đình phải ly tán, hàng triệu người đã mãi mãi ra đi, và rất nhiều người con mang mãi vết thương trong mình... Nhưng nó không phải sự kết thúc.

“Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế…” cố nhạc sĩ Phú Quang đã nói vậy trong ca khúc “Điều giản dị” của mình. Cuộc đời hợp tan, đau thương rồi có huy hoàng, kết thúc rồi tái sinh, luôn có những cơ hội cho niềm vui phía trước.

Và có thể trong những thời khắc nghịch cảnh nhất, cũng là cơ hội để chúng ta tìm thấy những điều nhỏ bé nhưng kỳ diệu, mà thường ngày bị khuất lấp sau những bộn bề.

Chuyến đi xa đầu đời của một “cậu ấm phố cổ”

9h sáng ngày 27/9/2021, Nguyễn Khánh Hòa - điều dưỡng viên sinh năm 1997 - cùng các đồng nghiệp của mình có mặt tại sân bay Nội Bài để lên đường vào TP Hồ Chí Minh. Hòa là một trong 75 nhân viên y tế của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội tình nguyện đi tăng cường cho các bệnh viện dã chiến tại Sài Gòn khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát.

Đây là chuyến đi xa đầu đời của một “cậu ấm phố cổ” trước nay chỉ luôn sống trong vòng bảo bọc của cha mẹ - một “bước ngoặt” mang dấu ấn sâu đậm trong hành trang trưởng thành của Hòa. Nhớ lại khi mới vào nghề, lần đầu tiên “thấy cảnh máu me” Hòa thậm chí đã mất ngủ mấy đêm liền. Thế rồi 3 năm rèn luyện trong môi trường này đã khiến cậu trở nên kiên cường hơn, và bây giờ thì tràn đầy nhiệt huyết “muốn góp một phần công sức nhỏ bé giữa hàng ngàn nhân viên y tế để giúp đỡ miền Nam ruột thịt”.

Tranh minh họa: Lê Sa Long.
Tranh minh họa: Lê Sa Long.

Ghi danh đi tình nguyện theo cách “tiền trảm hậu tấu”, Hòa đã mất hai tuần để “làm công tác tư tưởng” với gia đình. Trước ngày lên đường, anh chỉ đăng trên trang cá nhân của mình hai tấm ảnh “chụp trộm” bố mẹ. Đó là những khoảnh khắc đời thường rất đỗi bình yên mà Hòa muốn lưu giữ để làm động lực đối diện với những khó khăn phía trước.

Vốn có tâm hồn nghệ sĩ, ngoài những vật dụng thiết yếu, trong hành trang lên đường của Hòa còn có cả một chiếc máy ảnh phim để ghi lại những phút giây đáng nhớ. Nhưng trên tất cả, những gì khắc sâu trong tâm trí anh lại chính là những xúc cảm đặc biệt đan xen giữa đau thương và hạnh phúc, giữa những lúc chán chường bất lực và niềm hy vọng kiên cường…

“Giống như một đợt “sang chấn tâm lý” khi phải đối diện với quá nhiều sự mất mát, mới buổi chiều còn ngồi bóp bóng động viên bệnh nhân tập thở, đến tối họ đã diễn biến nặng rồi không qua khỏi. Thế nhưng mỗi khi bước ra khỏi kíp trực, ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời cao xanh vời vợi, được tạm thời cởi bỏ khẩu trang để hít thở hương hoa dìu dịu trong gió sớm Sài Gòn, mình bỗng thấy như được tái sinh. Thấy cuộc đời vẫn còn nhiều thiết tha và hy vọng. Ngày mai, vẫn có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện…” – Nguyễn Khánh Hòa từng viết như thế trên trang cá nhân của mình.

Hơn 1 tháng sau khi trở về từ TP Hồ Chí Minh, anh dường như già đi cả chục tuổi. Chứng kiến quá nhiều những sự ra đi đột ngột, những cuộc sinh ly tử biệt nghẹn ngào, ở lứa tuổi đang hoang mang đi tìm bản ngã, chuyến đi này và những điều từng trải đã mãi mãi thay đổi cách nhìn nhận về cuộc đời của chàng trai trẻ. Gạt đi những toan tính vị kỉ để mở lòng yêu thương nhiều hơn khi còn có thể là những gì mà Covid-19 đã dạy cho Hòa.

Những bức thư qua khe cửa

7h sáng của ngày thứ ba trong đợt giãn cách xã hội thứ hai, ông Trần Đình Hoài (Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Có ai đó nhét vật gì qua khe cửa nhà ông, bóng người chần chừ một lúc, rồi đi mất. Ông Hoài không vội mở cửa, không phải chỉ bởi những khuyến cáo y tế, mà còn bởi ông vốn chẳng có người thân, chẳng biết ai có thể đến tìm ông vào đúng lúc người ta đang cố “tránh xa” nhau như thế này. 

Từ trước tới nay, cánh cửa nhà ông Hoài cũng chẳng mấy khi rộng mở. Người đàn ông 58 tuổi này sống đơn thân và ưa khép kín. Nên dù đã ở đây 4 năm, ngoài vài lần chạm mặt hàng xóm trong thang máy, ông Hoài và những người sống ngay kế bên hầu như chưa từng nói chuyện - dù chỉ xã giao với nhau - bao giờ.

Thế mà hôm nay, ông bất ngờ nhận thấy, dưới khe cửa có một tờ giấy nhỏ ghi vài nét chữ nắn nót: “Cháu chào ông, chúng cháu là con mẹ Lan – bố Việt ở phòng 515. Nếu ông có gì cần giúp hoặc cần mua hộ đồ dùng gì thì cứ gọi điện/nhắn tin hoặc viết giấy, chúng cháu sẽ làm! SĐT của cháu là: 0967.89x.xxx”.

Tranh minh họa: Lê Sa Long.
Tranh minh họa: Lê Sa Long.

Đã lâu lắm rồi, ông Hoài không còn nhận được một lá thư tay nào. Trong tình cảnh này, một mẩu giấy với mấy dòng chữ ngắn gọn lại khiến ông bỗng rưng rưng cảm động. Ông đọc đi đọc lại vài lần, rồi chiều hôm sau mới quyết định đặt bút “hồi âm”: “Cảm ơn gia đình cô Lan – chú Việt và các cháu. Tôi sống một mình nên ăn uống đơn giản, không có nhu cầu gì nhiều, đồ ăn và vật dụng sinh hoạt tích trữ đủ dùng cho 7 ngày nữa. Chúc gia đình bình an, mạnh khỏe”.

Đắn đo hồi lâu, cuối cùng ông cũng đặt tờ giấy qua khe cửa của phòng 515. Vừa đi được mấy bước, ông nghe phía sau cánh cửa ấy bỗng có tiếng reo vui trong trẻo. Trưa hôm sau, ông Hoài lại nhận được một bức thư khác: “Mẹ cháu kho cá và nấu nhiều cơm, biếu ông ăn thử. Hôm trước mẹ cháu bảo thấy ông đặt mua nhiều mì gói, ăn mì nhiều không tốt cho sức khỏe đâu ạ!”. Bên ngoài cánh cửa nhà ông là một hộp cơm nóng hổi được đặt ngay ngắn.

Sau đó, để cảm ơn gia đình người hàng xóm tốt bụng, ông Hoài cũng mang tới trước cửa phòng họ một khay trứng gà và mấy bịch sữa. Đó là quà cứu trợ nhưng ông không dùng tới, nhà họ có trẻ con, chắc sẽ cần.

Từ những khách sáo xã giao, ông Hoài và gia đình bên cạnh trở nên thân thiện hơn, họ cho/tặng/trao đổi với nhau những thứ nhỏ nhặt như một mớ rau, mấy cọng hành ngò, khay trứng hay vài món ăn ngon. Rồi dần dần, một thứ tình cảm ấm áp bắt đầu nhen lên phía sau những cánh cửa im lìm, đó là tình nhân ái và lòng tương trợ giữa người với người.

Cứ thế, tình cảm láng giềng được kết nối một cách hết sức tự nhiên, chân thành và không vụ lợi. Trong đại dịch, khi nhà nhà, người người đều phải đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy, họ cũng đồng thời tìm thấy những niềm vui, niềm an ủi giản dị mà sâu lắng khác. Điều đó đã trở thành động lực để cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.

Tấm ảnh bị gỡ

Là một phóng viên được phân công theo dõi mảng thông tin về Covid-19, việc đầu tiên trong ngày Trần Viết Lãm làm sau khi thức dậy là mở máy tính xem những con số thống kê về tình hình dịch bệnh. Khoảng 2 tuần nay, theo yêu cầu của cơ quan, anh và hầu hết đồng nghiệp của mình đã làm việc tại nhà.

Hằng ngày, nhìn những con số vô hồn cứ thi nhau tăng vọt, Lãm biết ngoài kia dịch bệnh chắc chắn đang đến hồi căng thẳng, nhưng trong căn nhà của anh và khu dân cư nơi anh ở, không khí vẫn rất bình yên và ấm cúng. Bởi vậy, dù thường xuyên tiếp xúc với những tin tức về đại dịch, cảm giác mình đang sống trong một “thời chiến” đầy cam go đối với Lãm vẫn còn thiếu một vài nét chân thực.

Mọi chuyện chỉ đột ngột thay đổi khi anh bất ngờ được tòa soạn cử tham gia chuyến công tác đặc biệt. Hôm đó, cùng với một vài phóng viên khác, Lãm được tới một bệnh viện dã chiến của thành phố để đưa tin. Bước chân vào những phòng bệnh chật kín người, được tận mắt nhìn thấy những cảnh tượng khốc liệt của dịch bệnh; nghe thấy những tiếng rên rỉ nặng nề; chứng kiến sự tuyệt vọng của các nhân viên y tế khi không cứu sống nổi người bệnh và những giây phút đau thương đến cùng cực khi thân nhân đến nhận lại di vật của người nhà mà không được gặp mặt lần cuối… Lãm đã rất chấn động.

Những hình ảnh nối tiếp nhau vẽ nên một bức tranh sống động và đầy đau thương, mất mát về sự tàn phá khắc nghiệt của đại dịch. Thức trắng suốt một đêm, Lãm đã hoàn thành một phóng sự ảnh. Nhưng tấm ảnh “đắt” nhất trong cả chuyến đi, đắn đo mãi, rồi cuối cùng anh cũng gỡ khỏi bài. Đó là hình ảnh một người cha gục khóc khi ôm bình tro cốt của con gái mình. Người đàn ông đó đã ngoài 60 tuổi, còn con gái ông mới vừa qua tuổi 18. Cô gái đã qua đời trong bệnh viện mà không có một người thân nào bên cạnh.

“Tấm ảnh có lẽ sẽ là một điểm nhấn trong cả phóng sự khiến độc giả xúc động mạnh. Nhưng có lẽ trong cuộc chiến dài hơi này, chúng ta đã có quá nhiều cảm xúc tiêu cực, quá nhiều thương vong đau đớn. Hơn nữa, đối với chúng ta, có thể đó chỉ là một hình ảnh đáng chú ý, nhưng với nhân vật trong tấm hình, đó lại là nỗi đau cực kì chân thật mà không một ai muốn trải qua”. Bởi vậy, anh Lãm muốn giữ lại nó cho riêng mình. Không chỉ là lời nhắc nhở về sự vô thường của số phận, tấm ảnh còn khiến Lãm nhận ra rằng anh đã may mắn ra sao khi vẫn có thể ở bên những người thân trong một mùa đoàn viên nữa.

Cuối cùng, khác với mục đích ban đầu, phóng sự ảnh của Lãm không nói về hiện thực tàn khốc của dịch bệnh, mà gieo vào lòng độc giả - những người đang từng ngày gồng mình chống chọi, khắc khoải đợi chờ  – một mầm xanh hy vọng, để tin rằng những tháng ngày đen tối rồi cũng sẽ qua đi và điều trân quý cuối cùng trong cuộc đời mỗi con người chính là tình thân, lòng nhân ái.

(Tất cả các câu chuyện, nhân vật, sự kiện đều là có thật, được phóng viên tạp chí Phụ nữ Mới ghi lại)

Trang Đào

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật