Có những đứa trẻ thời thập kỷ 80 của thế kỷ trước không xa lạ với việc cách ly. Chúng nó là con của những gia đình công chức nhà nước, bố mẹ phải đi làm, và vào mùa hè thì chẳng biết gửi con đi đâu nên đành khóa cửa nhốt trong nhà. Cơm cho vào phích giữ nhiệt Liên Xô, chẳng hiểu vì gạo kém hay vì kín hơi quá, mà khi mở ra ăn thì hạt cơm bở bùng bục và nồng mùi gioăng cao su. Đĩa rau muống xào dối với nước mắm vì không đủ mỡ. Quả trứng tráng, hoặc mấy miếng thịt rang mặn. Thế thôi, và trẻ con ở trong nhà từ sáng tới chiều, khi bố mẹ về mới mở cửa.
Những ngày tháng ấy, tôi thường ngồi ôm chấn song cửa sổ, nhìn xuống đường. Ở phố, không phải tất cả trẻ con đều bị nhốt. Con nhà buôn bán vẫn được ra đường chơi thả phanh. Nhìn bọn bạn tụ tập đá bóng, ném lon, bắn bi dưới chân mình, thèm thuồng không lời nào tả xiết. Có lần thằng Tùng nhìn lên thấy tôi, vẫy tay, tôi bảo nó ném cho mấy quả bàng chín. Nó mắm môi mắm lợi ném, 5 quả thì hết 4 không trúng, hoặc đập vào tường hoặc va vào cánh cửa sổ, chỉ một quả vèo qua rơi bộp vào sàn gỗ. Tôi nhặt lên, cắn ngập răng, nghe vị ngọt và chát của quả bàng trâu tứa ra cùng nước dãi, suốt cuộc đời không thể nào quên.
Ảnh minh họa: internet. |
Có nhiều đứa trẻ như tôi trong con phố nhỏ, khắp các con phố nhỏ, khắp các khu tập thể ở Hà Nội. Chúng tôi đã trải qua những mùa hè cách ly cô độc trong những căn buồng nóng hầm hập vì thường xuyên mất điện, trong tiếng ve râm ran như gọi mời, như trêu ngươi. Tất nhiên đó là tình thế mang tính thời cuộc, nhưng nói gì thì nói, tôi nghĩ thẳm sâu trong tâm khảm những đứa trẻ ngồi bên cửa sổ thời ấy luôn có một đoạn kết nối rời rạc, với cha mẹ, với thế giới bên ngoài.
Cho đến tận bây giờ mỗi khi dạo phố, tôi vẫn thường bất giác ngước lên tầng hai, xuyên qua một khung cửa sổ, xem có đôi chân nào vắt vẻo nơi chấn song, cặp mắt nào khao khát một ánh nhìn.
Không ai ngờ rằng, hơn 30 năm sau rồi cảnh ấy lặp lại, mà theo cái cách tuyệt đối hơn, dai dẳng hơn nhiều. Tính đến giờ này, tổng thời gian bọn trẻ trên khắp Việt Nam phải nghỉ học và bị nhốt chặt ở nhà đã quá một niên học chính thức. Cũng là giãn cách, người lớn đôi khi còn có thể ra đường đi chợ, đến cơ quan... chứ trẻ con thì ở nhà, chỉ ở trong nhà.
- Ổn không con? - tôi hỏi thằng bé, thỉnh thoảng, mỗi khi thấy nó có biểu hiện khác lạ.
Khác lạ, như là đột nhiên cứ nhảy choi choi trên đệm, rất lâu, nhảy chồm chồm như đứa trẻ lên ba, dù nó đã sang tuổi 12. Khác lạ, như là đột nhiên nó vươn vai và thở dài, buồn bã như thể chính tôi, hay bà nội nó.
Một cô bạn tôi kể, buổi chiều thứ “n” trong những chiều giãn cách, đang ngồi chống cằm nhìn vô định qua khoảng không ngoài cửa sổ, thì bé con 5 tuổi của cô nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh và thủ thỉ: Mẹ cho con buồn với.
- Con hơi chán, bố ạ.
Mặc dù có smart-phone, có ipad, có laptop, có TV với Youtube và Netflix, thì con tôi vẫn chán. Cũng phải thôi, nó thuộc về một thế hệ gần như chỉ có bạn bè ở trường. Trong những chung cư cao cấp, người ta thường chỉ kết nối với nhau thông qua Ban quản lý tòa nhà.
Một đứa trẻ mà chán, nó sẽ thế nào? Để biết, chúng ta sẽ phải lắng nghe, không chỉ bằng tai. Đó là sự kết nối thầm lặng mà nhiều phụ huynh đã buông lơi trong những ngày tháng mà chúng ta gọi là bình thường cũ. Sự bình thường phi kết nối, với chính những đứa trẻ trong nhà mình.
Con của bạn tôi, cũng xem là người bạn vong niên của nhau, tâm sự.
- Dạo này cháu hay bị nói là cãi.
- Cụ thể như nào cơ?
- Ví dụ hôm nay cháu vừa bật Youtube cho em xem trên laptop, em xem chán thì cháu chuyển sang đăng nhập để học. Đúng lúc đấy mẹ cháu vào, bảo cháu giả vờ học, vì vừa thấy cháu tắt Youtube. Cháu giải thích thì mẹ bảo cháu cãi.
Tôi an ủi anh bạn nhỏ, và chợt nhận ra rằng mình vừa được mở ra cánh cửa bước vào tâm trí của một con người, vừa được kết nối với một con người, theo cách tin cậy và sẻ chia. Cũng như người lớn, như bất kỳ ai trên đời, trẻ con cần được kết nối, tôn trọng và thấu hiểu.
Lại có hàng vạn trẻ em được gửi về quê từ trước giãn cách, hàng ngày chỉ duy trì kết nối với bố mẹ vài phút qua điện thoại. Ai biết chúng giờ ra sao? Điều gì diễn ra ở đầu kia của sợi dây kết nối mỏng manh ấy?
Một năm học mới đã đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi các trường tổ chức chương trình học online (dù cho đến giờ này vẫn chẳng có một ứng dụng chính thức nào để áp dụng đồng bộ). Các địa phương khẩn nài sự hỗ trợ để trang bị máy tính hoặc thiết bị kết nối cho học sinh, nhất là học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi trong diện vẫn áp dụng chỉ thị giãn cách. Ầm ầm ào ào, như thể giải quyết xong các vấn đề đó là xong việc kết nối, là trả lại cho trẻ em một cuộc sống bình thường.
Không đơn giản thế. Kể cả rồi đây chúng ta có “bình thường mới”, bọn trẻ được cắp sách đến trường trở lại, cũng chưa chắc chúng đã tái lập được sợi dây kết nối. Khi mà ngay cả khi có nhiều ngày tháng sát cạnh bên con mình, nhiều bậc phụ huynh vẫn cầm sợi dây ấy và giật từ phía trên, như cách điều khiển những con rối.