Tôi đã được biết đến một vùng trời khác, một nơi chốn khác khi cư ngụ tại vùng chợ ông Tạ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi theo học Văn khoa, Sài Gòn và ở nhà cậu mợ. Kịp nhận ra mọi thứ, ở đấy, cứ như nằm sẵn đâu đó trong chính con người mình. Một đời sống đặc sệt chất Bắc mà tôi vừa được quay về và nhập chung trở lại. Hầu hết các món Bắc, tại đó, tôi đều đã được ăn ở nhà do bà nội với mẹ nấu nên không hề xa lạ. Nhưng phở? Bất ngờ và đầy bí ẩn, bởi, từ tấm bé cho đến tận tuổi mười tám tôi chưa hề được nếm qua thứ phở này.
Cậu tôi đưa đến một cái tiệm nhỏ xíu trên đường Thoại Ngọc Hầu. Tiệm không có tên và sát bên một quán bán bún thang, bún mọc. Cậu bảo ngày nào cũng ăn phở và chỉ ăn ở đây. Chẳng thế, mà không những ông bà chủ mà cả những người phục vụ, đều tỏ ra rất gần gụi thân thiết với cậu.
Chưa cần bước vào quán, chân chỉ đi sượt ngang đã nhận ra cái vị gây gây, rất đặc biệt của phở. Và cái mùi vị khó lẫn và khó quên đó chưa bao giờ tôi tìm thấy ở các quán phở ngoài này. Trong những tô phở mình đã được thưởng thức, trước đó. Thứ phở, mà tôi, tạm gọi là phở Trung. Vừa đặt mình vào chỗ ngồi, tôi đã thấy ái ngại vì thứ hương ấy như còn nắm níu, bám giữ rất chặt trong bàn ghế, cửa, tủ... và hết thảy đồ đạc.
Ảnh minh họa. |
Cái ngại nói trên như được tiếp sức thêm bằng cái ngán, khi tô phở được bưng ra và đặt trước mặt. Và cái hương gây gây đậm gắt ấy sộc thẳng và mãnh liệt vào ngay khứu giác mình. Không dám từ chối vì sợ cậu mắng, tôi gắng ăn trong trầy trật, đau khổ.
Rất khác với lần đầu ăn phở cùng ông anh tại Quy Nhơn, sau khi đi coi đá banh về, hồi tôi đang học cấp một. Ăn một mạch chỉ thấy ngon ngon là. Còn đây, ăn rất đứt quãng và chỉ thấy không ngon, không ngon là. Cái vị gây gây nằm ở miếng nạm miếng gầu còn đỡ, đằng này lại còn quánh đặc cả trong nước dùng, mới khó tiếp nhận làm sao! Thế nên húp một miếng nghe ra còn đường được, húp thêm thấy khó chịu, thêm nữa thấy chỏi gắt quá thể.
Ngồi đối diện và như hiểu ra mọi diễn biến trong tôi, cậu bảo: “Do con không quen. Ăn thêm rồi thèm rồi ghiền cho mà xem”. Và chắc để cho tôi mau ghiền nên ngay hôm sau, rồi hôm sau nữa, rồi tối đó, rồi mấy sáng liền kề cậu đều đưa tôi đi ăn phở. Với cậu, phở là thế với cách nấu phải thế, chứ không hề có một ý niệm phở Bắc hay phở Trung.
Đúng như cậu nghĩ, tôi ghiền phở vùng chợ ông Tạ lúc nào không hay. Và lạ, tôi chẳng đi ăn phở ở đó với ai ngoài cậu. Cũng có hôm, cái tiệm quen ấy đóng cửa hai cậu cháu phải sang một tiệm khác. Quán phở khác nhưng tô phở chẳng khác và không gian quán cũng y hệt. Thú vị lắm khi được thưởng thức phở trong thứ âm thanh Bắc, bủa vây lấy mình từ câu chào của ông bà chủ, lời hỏi han của người phục vụ, tiếng chuyện trò, giọng cười của các vị khách... Rồi là đẫm ngập hết cả con người mình trong cái hương vị gây gây nhiều quyến rũ của gầu, của nạm, của xương bò.
Được háo hức chờ đợi tô phở bưng ra cũng thích, nhưng sao có thể sánh bằng, khi gắp từng đũa bánh tươi mềm mại rồi là miếng thịt giòn thơm và thong thả nhai, nuốt. Cảm nhận rất rõ ngay nơi chân răng mình bao cảm giác cùng lúc bật thức. Rồi húp từng muỗng nước dùng và nghe từ đầu lưỡi của mình cái nóng ngậy tứa ra và phủ trùm hết cả vòm họng.
Vừa ăn vừa nhìn cậu tôi ngay phía đối diện mới thêm phần phấn khích chứ! Có ý nghĩ cậu tôi đang ăn phở trong cái sự thèm phở đến tận cùng. Trong cái sự không cưỡng nổi với cách phô diễn, nhai và húp, rất thô thiển của mình. Tô phở của cậu nhoáng cái đã hết sạch vì cậu múc tới muỗng nước cuối cùng. Nước dùng trong tô phở của cậu cạn dần, cạn dần trong khi mồ hôi lại dần từ, rịn ra và loang hết vùng trán, khuôn mặt.
Trước khi xỉa răng và tu từng ngụm trà đậm nóng, cậu hít hà. Một sự hít hà nhiều thỏa thuê và đầy tràn hấp lực. Nhìn mới con người sao và đáng yêu sao! Trong suốt năm học ở Sài Gòn tôi được ăn phở Bắc (tạm gọi thế) không ít lần ở các quán khác với những người không phải là cậu. Bạn học chẳng hạn, người yêu chẳng hạn nhưng cảm xúc về cái sự ăn phở không sao có thể vẹn nguyên và no đủ, như là ăn phở với cậu ngay vùng chợ ông Tạ.
Cảm xúc ấy thi thoảng vẫn dậy lên cùng bao thèm nhớ trong ngút ngui kỷ niệm, sau ngày cậu tôi ra đi.