• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thời đại của những vẻ đẹp make up?

Quan niệm phải “phủ” lên khuôn mặt một lớp make up trở thành nếp trong suy nghĩ và lâu dần,...

Nhưng có lẽ, quan niệm về việc phải “phủ” lên khuôn mặt một lớp make up đã trở thành nếp trong suy nghĩ, khiến không ai nghĩ về cái “mộc mạc” trong những cuộc thi ấy nữa. Và lâu dần, vẻ đẹp của “make up”, của “filter” đã trở thành biểu tượng của cái đẹp từ lúc nào không hay.

Chuyện thi hoa hậu, thi nhan sắc của nước ta giờ đây tưởng như là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, cảm tưởng xưa như trái đất rồi. Thế nhưng cứ mỗi lần có cuộc thi nào lên sóng, lỡ ngó vào màn hình tivi, là lại thấy tràn ngập các vấn đề. Và người viết bài là tôi cứ tự hỏi, những điều ấy bao giờ mới thực sự thay đổi?

Có một câu hỏi có lẽ rất nhiều người từng thắc mắc, trong số đó phần lớn là… cánh đàn ông. Đó là: Sao mặt các cô hoa hậu kia nhiều son phấn thế? Không biết mặt thật của cô ấy như thế nào nhỉ? Vì điều này liên quan đến tâm lý của đàn ông chúng tôi, chúng tôi, quả thực hơi dị ứng với những gì không thuộc về sự thật. Lớp trang điểm chẳng hạn. Với phụ nữ, chúng là một phần của nhan sắc, sức hút và khó có gì đủ khả năng chia tách phụ nữ khỏi lớp trang điểm được. Ngược lại, đàn ông lại rất rõ ràng trong việc coi lớp trang điểm cũng giống như app chụp hình vậy, chúng đều không phải thật!

Ảnh minh họa: sưu tầm.
Ảnh minh họa: sưu tầm.

Tôi đồ rằng phần lớn đàn ông, và đến ngày nay cũng không ít phụ nữ có quan niệm rằng: Sắc đẹp phải là đường nét thật, làn da thật, gương mặt thật không son phấn, không trang điểm vẫn quyến rũ, như thế mới gọi là đẹp chứ! Vài ý kiến phản bác bảo rằng: Có chứ, ai đi thi hoa hậu chẳng phải trải qua kỳ kiểm tra nhân trắc học, chả mặt mộc thì là gì? Nhưng quan trọng là được mấy người chiêm ngưỡng dung nhan cha sinh mẹ đẻ đó của nàng?

Đó cũng là nguyên nhân khiến câu hỏi: Tại sao trong các cuộc thi nhan sắc, chưa bao giờ khán giả được chiêm ngưỡng khuôn mặt mộc của một người đẹp. Mà ngược lại, luôn phải nhìn ngắm và bình luận nhan sắc của một con người thông qua hàng lớp lớp kem nền, phấn phủ, má hồng, eyeliner… ôi nhắc đến đã hoa cả mắt.

Để rồi liên tục sau phần trình diễn lại có hàng loạt các cuộc tranh cãi, là thí sinh bị “dìm” bởi chuyên viên trang điểm, hay lớp make up khiến thí sinh nọ, thí sinh kia già đi, xấu đi. Ồ, nhưng như vậy là thi hoa hậu hay thi chuyên viên trang điểm???

Vì vậy, có người đã mạnh dạn đặt câu hỏi rằng: Chúng ta - những khán giả, đang bình xét, trầm trồ và chọn lựa hoa hậu dựa vào điều gì? Tay nghề của chuyên viên trang điểm hay nhan sắc thật của nàng hoa hậu? Ai cũng biết với sự phát triển của lĩnh vực trang điểm, có thể nâng tầm nhan sắc một người lên tới 200% là điều rất bình thường. Chẳng thế mà sau các cuộc thi nhan sắc, tranh cãi về nhan sắc thật, mặt mộc của các nàng hậu luôn chưa bao giờ hết ồn ào.

Nhưng có lẽ, điều này đòi hỏi quá nhiều sự… dũng cảm của cả thí sinh lẫn người xem, lẫn cả Ban giám khảo, nên chưa bao giờ được áp dụng trong các cuộc thi nhan sắc. Nói thế nhưng không hẳn là “mặt mộc” của thí sinh nào cũng kém lộng lẫy hơn khuôn mặt được make up kỹ lưỡng. Mà thực tế, nhiều thí sinh có khuôn mặt tự nhiên rất đẹp, rất sáng và trẻ trung. Nhưng có lẽ, quan niệm về việc phải “phủ” lên khuôn mặt một lớp make up đã trở thành nếp trong suy nghĩ, khiến không ai nghĩ về cái “mộc mạc” trong những cuộc thi ấy nữa. Và lâu dần, vẻ đẹp của “make up”, của “filter” đã trở thành biểu tượng của cái đẹp từ lúc nào không hay.

Tiếc thay, rất nhiều thí sinh người đẹp, hoa hậu vẫn sẽ rất đẹp khi bỏ lớp trang điểm. Nhiều cô gái còn có thể trả lời xuất sắc mọi câu hỏi không nằm trong kịch bản hay “bộ đề thi hoa hậu”. Nhưng vấn đề nằm ở tư duy và tiêu chuẩn của những người đứng đầu cuộc thi, khi mà tính chân thật ít được đề cao thì những điều “gần gần như sự thực” sẽ được tôn vinh.

Tư duy ấy còn ngấm dần vào tất cả các mặt khác của cuộc thi. Từ ứng xử, trang phục, khuôn miệng cười, ánh mắt, sắc thái… tất cả phải được luyện tập thật thành thục, đến mức thật công thức, thật… sáo rỗng thì mới là đạt chuẩn. Hay đến thậm chí câu hỏi của Ban giám khảo cũng trở thành bộ câu hỏi mà ai cũng đoán ra, kiểu như: Sau cuộc thi em sẽ làm gì? Tiền thưởng cho chiến thắng này em sẽ làm gì? Em quan niệm như thế nào về cái đẹp… tất cả đều gần như được thí sinh và cả khán giả thuộc lòng như sách giáo khoa.

Cho nên mỗi khi xem một cuộc thi hoa hậu, khi nghe những cô gái mới chỉ 18, 20 đã có thể đưa ra những nhận định sắc sảo, những màn hùng biện mang đầy cao cả về tương lai, về biến đổi khí hậu, về trách nhiệm của một người nổi tiếng… ai cũng thấy vừa quen vừa lạ. Hình như đã nghe ở đâu đó rồi? À, mà lục lại cái cuộc thi nhiều năm trước, có khi sẽ gặp lại y nguyên những màn hùng biện đó, may ra có thay đổi đôi chút.

Thực tế, việc lựa chọn và đưa ra các tiêu chuẩn về vẻ đẹp ít tính chân thật này kéo dài từ năm này sang năm khác đang khiến mọi thứ ngày càng trở nên ít tính chân thật hơn. Nhiều người thở dài mà rằng: thời đại này nó thế! Ừ, và rồi mỗi ngày những lớp “mặt nạ” và filter ấy khiến chúng ta dễ thỏa hiệp hơn với những tô vẽ giả tạo, những cảm xúc và trí tuệ chỉ mang tính trình diễn.

Những sự chân thật sẽ luôn chạm đến trái tim, nhưng dường như không phải ai cũng hiểu ra điều đó.

Nguyễn Lâm

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật