Thời ông bà cụ kị tôi còn sống, cứ đến những ngày này, khi thấy bà nội tôi đong gạo nếp, mua men rượu, rửa thúng, chặt lá chuối, lá sen chuẩn bị làm rượu nếp là cả lũ hân hoan reo mừng chờ đợi ngày giết sâu bọ sắp đến.
Sáng sớm hôm ấy, gà gáy sáng, mắt nhắm mắt mở vừa lồm ngồm bò ra khỏi giường, xỏ chân vào đôi guốc mộc là bà nội đã giục cả lũ mau mau ra súc miệng rồi còn kịp giết sâu bọ. Bà bảo: “Sâu bọ phải giết vào buổi sáng thì mới công hiệu”. Mấy chị em tôi hí hửng vội vã múc gáo nước súc miệng qua loa rồi vào nhận phần. Bà chia cho mỗi đứa một bát rượu nếp thơm lừng vừa ngọt dịu lại có vị cay của rượu. Dùng đôi đũa tăm nhỏ xíu cẩn thận gắp cơm rượu bỏ mồm nhai từng hạt mọng nước men mà thấy ngất ngây. Một cảm giác say say lạ lùng không thể nào diễn tả được. Bà chia cho mỗi đứa mấy quả mận chua. Bọn tôi chấm muối nhai rồm rộp chảy nước dãi.
Bà bảo: “Các cháu ăn như thế thì sâu bọ sẽ chết hết. Trong người ai cũng có con sâu con bọ. Ngày hôm nay là mồng năm, ngày đầu hè nên không giết thì sâu bọ nó sinh sôi nảy nở”…Bà dạy thế thì biết thế chứ tôi cũng chẳng hiểu sâu bọ trong bụng người nó ra làm sao. Thấy bà cho ăn rượu nếp, ăn mận chua là khoái rồi. Lũ trẻ chúng tôi chỉ sợ lỡ ra nuốt phải cái hột mận thì khốn. Người ta dọa: Nếu nuốt phải hột mận thì sẽ bị mọc cây trên đầu. Nghe mà hãi.
Bố tôi là người Tây học, ông chẳng tin gì chuyện giết sâu giết bọ kiểu ấy. Ông cũng chẳng tin gì những tục khảo cây hái thuốc vớ va vớ vẩn nhưng tôn trọng bà nội tôi, ông cũng ăn rượu nếp cùng cả nhà. Bà đi hái thuốc treo lên gác bếp ông cũng không phản đối. Mẹ tôi theo lệ làm mâm cỗ tết mồng năm với thịt ngỗng và mâm cỗ có cả dưa hấu nữa.
Nghe mẹ tôi kể thời xưa ngày tết Đoan ngọ có nhà còn làm “bùa tui bùa túi” cho trẻ con đeo cổ để trừ bệnh. Bà kể người ta lấy các dải vải màu tết lại thành cái “bùa tui bùa túi”. Bên trong cục vải ấy người ta bỏ vào ít tro đốt từ những con đỉa bắt ngoài ruộng. Có người đồn: Nhúm tro ấy đeo một thời gian lại sinh ra lũ đỉa con bò lổm ngổm chui ra khỏi túi. Tôi nghe hãi quá chẳng hiểu thực hư ra sao.
Lũ trẻ chúng tôi khoái nhất là được dịp ăn rượu nếp, quả xanh thỏa thích và chạy nhảy khắp nơi, nghịch đủ trò. Tôi chờ lúc làm thịt ngỗng chọn cho được những chiếc lông cánh to nhất, cắt lấy khúc cuống lông to để làm cái súng phốc mà đạn là những khúc vỏ dưa hấu được cái ống lông ngỗng xuyên thủng. Ấn cái que vào ống lông ngỗng, miếng vỏ dưa nằm trong ống bị khí ép mạnh đẩy đạn ra khỏi nòng bắn ra ngoài với tiếng nổ nhẹ “phốc!”. Bọn con trai thi nhau chế tạo súng bắn nhau cho vui mà chẳng nguy hiểm gì nên chẳng bị ai cấm đoán.
Tranh minh họa tục khảo cây ngày tết Đoan ngọ (Ảnh: internet). |
Đến giữa trưa, cả lũ kéo nhau đi xem khảo cây. Cây bưởi bên nhà hàng xóm năm ngoái ra quả lép, quả chua nên bị tra khảo. Người ta bảo phải tra khảo nó thì nó mới ra quả tốt. Một anh chàng trèo lên trên cành đóng giả làm cây. Ông cụ đứng dưới gốc lăm lăm trong tay con dao rựa chém vào thân cây hạch tội: “Tại sao mày không ra quả? Tại sao lại ra quả lép…! Không ra quả ngon quả ngọt thì tao chém chết…!
Người trên cây giả chịu trận và nhận tội xin tha tội. Xin mùa tới sẽ ra trĩu trịt quả ngon quả ngọt...
Tôi thấy lạ quá. Cái cây chứ có phải là người đâu mà lại hạch nó như thế? Tôi cũng chẳng biết rồi cây có ra được quả ngon hay không. Ai đời lại hạch cây, xử cây như xử quân ăn cắp ăn cướp như thế?
Chúng tôi khôn lớn dần, anh chị em tôi người ra chiến trường, người vào đại học, kẻ đi xa… Chúng tôi không bao giờ quên những kỷ niệm xưa. Sau này tôi theo đuổi ngành Sinh khảo cổ học. Khảo lại những chuyện xưa mới vỡ ra được nhiều ý nghĩa của cái tục giết sâu bọ của ông cha ta.
Xưa kia, dân ta chẳng mấy khi dùng thuốc giun, rất ít người sổ giun bằng thuốc Tây. Ăn uống lại tùy tiện, rau cỏ mang trứng giun khá nhiều. Bởi vậy, phải tìm cách loại bớt những giun sán trong cơ thể. Ăn rượu, quả chua vào buổi sáng là một trong những cách để tống khứ lũ giun ăn bám trong bụng ra ngoài. Cách này vừa đơn giản lại vừa hay vì không làm ảnh hưởng đến những vi sinh vật trong ruột giúp ta tiêu hóa thức ăn hàng ngày.
Tẩy giun bằng thuốc Tây cực mạnh tuy giết được nhiều giun nhưng lại giết luôn cả những vi sinh vật có lợi trong ruột mình làm cho tiêu hóa rối loạn, chưa chắc đã phải là hay. Dùng cái anh thuốc Tây có phải lúc nào cũng tốt đâu. Dân Nam dùng thuốc Nam là câu cửa miệng của các cụ thuở trước.
Cây cối đôi khi cũng bị bệnh hoặc có những lệch lạc trong phát triển. Chém vào thân cây, dùng gậy gộc đánh vào thân cây gây nên kích thích có thể làm cho cây có những phản ứng thay đổi mà cho ra hoa trái tốt hơn.
Nghĩ bụng, các cụ xưa thật dân chủ. Ứng xử với cây cũng như ứng xử với người thật công bằng. Tao đầu tư cho cây mà cây không cho năng suất thì tao xét xử, tao phạt. Cây mà vẫn không chịu sửa, không cho hoa thơm quả ngọt thì “trảm”. Âu cũng là bài răn dạy con người của các cụ. Xử công bằng với cây cũng là cách xử với người vậy. Đến cây mà đầu tư không ra năng suất cũng trảm chứ đừng nói gì đến người. Chuyện tưởng như đùa nhưng đầy ý nghĩa và cũng rất thực tế.
Sau này, tôi mới biết thêm tết Đoan ngọ đối với người Việt mình cũng còn là “tết giỗ mẹ” (Quốc mẫu Âu Cơ).
“Tháng Năm ngày tết Đoan dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.
Vậy là cứ đến ngày giỗ Mẹ Việt dân ta lại cùng nhau giết sạch các loài sâu bọ để cho con cháu, nước nhà được luôn luôn sạch sẽ, khỏe mạnh.
Ngày toàn dân “giết sâu bọ” và khảo cây. Bà con chớ nên quên.
Có con sâu nào thì diệt cho hết.
Cây nào mà khảo mãi cũng không ra hoa thơm trái ngọt để chỉ tốn đất, làm chỗ cho sâu bọ trú ngụ, chặt quách đi cho rồi.