Nói chuyện đàn bà với bếp, có khi phải dùng một chữ TÔI rõ to, TÔI viết hoa. Không đâu quan trọng bằng cái bếp với người đàn bà, không đâu chứa nhiều nỗi niềm của người đàn bà bằng cái bếp. BẾP CỦA TÔI, nơi ấy tôi tự do và bị trói buộc, nơi ấy tôi làm chủ và làm lao công. Hơn tất cả mọi nơi chốn khác ở trên đời, nơi ấy tôi là đàn bà, đàn bà trong gia đình. BẾP CỦA TÔI cũng là thế giới của tôi. Cuộc tranh đấu vì các loại gia vị, vì các loại cối xay hay lò nướng nhiều khi nóng bỏng và gay cấn tương đương những cuộc chiến tranh liên quan đến tín ngưỡng.
Tất nhiên, có những người đàn bà hoàn toàn không bếp núc. Nhưng đã là đàn bà, ít nhiều gì cũng phải có căn bếp. Lửa từ bếp, nói gì thì nói, vẫn là thứ lửa cần thiết nhất để làm ấm áp và nuôi dưỡng cuộc sống. “Tự do hay là... bếp!”, điều đó có một ý nghĩa riêng, bởi nếu không xác lập sự tự do của mình trong xó xỉnh bé nhỏ, bị chi phối bởi đủ mọi loại chai lọ, mùi vị, bởi lỉnh kỉnh dao thìa đĩa bát và rổ rá, thì sẽ chẳng có được tự do ở bất cứ đâu.
Ở bếp, ngục tù hay thiên đường, là chính bởi mình!
Cuộc tranh đấu vì các loại gia vị, các loại cối xay hay lò nướng nhiều khi nóng bỏng và gay cấn tương đương những cuộc chiến tranh liên quan đến tín ngưỡng. |
Hôm qua, tôi đã đưa thử lên facebook của mình một status, đại khái rằng một người đàn bà nếu say mê post ảnh các món ăn mình nấu vào ngày cuối tuần lên facebook của họ, thì ngoài cái chuyện tự thể hiện mình là người phụ nữ đảm đang chăm chỉ, khéo léo, sành ăn ra (phải có một sự tự tin lắm lắm mới kể say sưa về các món ăn mình nấu).
Có một thông điệp khá rõ ràng từ các bức ảnh ấy, rằng người phụ nữ khoe món ăn đồng thời cũng là một người đoan chính, tức là không có người tình, ít ra vào thời điểm ấy. Bởi không lẽ lại có thể dã man đến mức đem những món ngon ăn trong nhà mình ngày nghỉ ra để một ai đó, trong xó tối âm thầm nào đó, đau lòng nghĩ rằng họ không được hưởng, họ phải đứng rất xa hạnh phúc gia đình của người đàn bà họ yêu. Họ “không có cửa” để bước vào một căn bếp với những món nướng thơm lừng hoặc một chảo rán nem đang thơm phức vàng rộm...
Nói chung, khi một người đàn bà yêu căn bếp của mình, yêu những món ăn mình nấu, thì có thể họ không cần đến việc đi tìm một niềm vui đâu đó ngoài gia đình. Cánh cửa nhà bếp nhiều khi chính là cánh cửa trái tim, đã khép, thì có nghĩa là... đã khép!
Vui nhất là khi cái status này đưa ra, những comment của chị em trên facebook của tôi thật sôi nổi, một số chạnh lòng, một số đồng ý, một số bông đùa và một số chỉ like rất lặng lẽ. Cái phép thử nho nhỏ ấy cho thấy việc đàn bà quan tâm đến bếp, dù ở thời đại nào, vẫn cứ là một trăm phần trăm. Và như vậy tôi có thể yên tâm mở đầu một chuyên mục có tên như thế “Tự do hay là bếp”, để bàn với chị em về sự tự do của chúng ta, trong bếp.
Bất kể cái bếp của chúng ta rộng hẹp thế nào, chúng ta đun bằng gas, từ, điện, than hay rơm củi..., bất kể chúng ta có những bộ nồi cao cấp tráng gốm, dao gốm chuôi bằng vàng hay là bộ nồi nhôm đen kịt và mấy con dao cùn, bất kể chúng ta dùng máy xay hiệu Cuisinart hay giã cối đá, tự do trong bếp với chúng ta là như nhau. Miễn là chúng ta yêu căn bếp của mình. Mà yêu, đã là tự do hay bước đầu của tự do rồi.
Thế đấy, tôi có một căn bếp. Như mọi phụ nữ khác. Ai cũng có thể kể về căn bếp của mình, của mẹ mình, của bà mình...Mỗi cái bát sứt cũng có một kỷ niệm, mỗi vết đứt tay cũng là một phần ký ức. Tôi, hay phụ nữ nào cũng thế, sẵn sàng kể về chiếc bát sứt hay một vết đứt tay, có thể đi lại trong căn bếp của mình, để nhớ đã từng khóc chỗ này hay có một giấc mơ chỗ kia, đã từng có lần hoảng loạn đến mức đổ cả nửa bình muối vào một nồi canh, mà đời không bớt nhạt...
Tôi, ngay cả khi vào bếp lúc không muốn, vẫn nghĩ nơi ấy, bếp của tôi, là nơi tôi tự do nhất trên đời.