Trên cả dải đất hình chữ S Việt Nam, có lẽ chẳng có nói nào đằng đẵng chứng kiến một cuộc chiến 20 năm, chứng kiến sự hủy diệt, tàn phá, mất mát, thương đau, chứng kiến cả những chia cắt những phận người, chia cắt cả 1 dân tộc, một đất nước...
Nên vì thế, nơi "vĩ tuyến 17 ngày và đêm" ấy vẫn còn những câu chuyện để kể đến mai sau...
Phóng sự "Cuộc trường chinh qua những miền dân ca" là những câu chuyện cùng những hồi ức về những người con của Quảng Trị năm đó, những người đi qua cuộc chiến tranh. Họ là những đứa trẻ năm ấy đã từng đi bộ dưới mưa bom bão đạn, xa mảnh đất quê hương để sơ tán ra miền Bắc hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 2023 là năm đánh dấu tròn 50 năm ngày Quảng Trị được giải phóng, cũng là 50 năm "những đứa con K8" được trở về quê hương, được trở về trong vòng tay cha mẹ.
Chiến dịch K8 hay chiến dịch K.8, Kế hoạch 8 là một chiến dịch trong cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài từ tháng 8 năm 1966 đến cuối năm 1967. Đây là cuộc trường chinh sơ tán bằng đường bộ hơn 30.000 học sinh từ 5 đến 15 tuổi ở Quảng Bình. Quảng Trị (các vùng Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ) ra sinh sống và học tập ở các tỉnh phía Bắc là Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà, Thái Bình.
Chiến dịch này do Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương nhằm di chuyển những người không thể cầm súng ra khỏi vùng hủy diệt của chiến tranh. Chiến dịch chia thành hai đợt, đợt 1 vào giữa năm 1966 và đợt 2 vào tháng 7 năm 1967. Trong hành trình sơ tán, các em học sinh phải đi bộ hàng chục km, hoặc chen chúc trên phà, thuyền, và ô tô, vượt rừng vào ban đêm,hàng chục học sinh bị tử nạn vì trúng bom của quân đội Hoa Kỳ.
Những học sinh tham gia chiến dịch này được gọi là học sinh K8, học sinh đi K8, hay học sinh đi sơ tán K8. Khi đến nơi, mỗi gia đình miền Bắc sẽ đón một hoặc hai em học sinh về nhà, chăm sóc và cho các em ăn học như chính con cái trong gia đình mình. Các học sinh trở về quê hương vào năm 1973 khi Quảng Trị hoàn toàn giải phóng sau bảy năm sơ tán ở miền Bắc.
(Theo Wikipedia)