Trước ngày thành lập thị xã Sơn La (1962), thị trấn Thuận Châu là thủ phủ của cả khu Tự trị Thái Mèo. Đất đai xã Chiềng Ly ôm trùm thị trấn Thuận Châu. Bản Cụ, bản Cang là 2 trong 18 bản của xã Chiềng Ly. Chiềng Ly theo nghĩa tiếng Thái là “mường Tốt - mường Đẹp”, là trung tâm của cả một vùng.
Tiếng là vậy nhưng bản Cụ, bản Cang lại nằm ở phía bên kia của dãy Khau Tú. Dãy Khau Tú lừng lững bên trời, là biểu tượng để người đi xa nhớ về đất Thuận. Từ thị trấn Thuận Châu muốn vào Cụ Cang (hai bản cạnh nhau nên thường gọi ghép) phải xuống tận cầu Trắng mượn đường qua Nà Lĩnh, hoặc men theo triền tây bắc của dãy Khau Tú mà sang. Đường đi gập ghềnh dốc dựng. Vậy nên, ngay ở thị trấn Thuận Châu này, nghĩa là ở cùng một xã, cũng có rất nhiều người cả đời chưa một lần đặt chân đến đất Cụ Cang.
Cụ Cang khuất nẻo, người ở Sơn La có thể không biết đến những bản còn lại của xã Chiềng Ly nhưng nhắc đến Cụ Cang thì ai cũng biết. Hỏi, vì sao lại vậy. Đáp, là vì Cụ Cang là quê hương của một sản vật nức tiếng gần xa. Đó là khoai sọ. Khoai sọ… Cụ Cang! “Khoai sọ - lọ gạo!”, người xưa nói vậy và người nay bảo còn hơn thế nữa. Bằng chứng là, một cân gạo ngoài chợ Thuận Châu chưa bao giờ lên đến 30.000đ. Còn một cân khoai sọ Cụ Cang, có lúc đã lên đến 45.000- 50.000đ.
Bản Cụ Cang khuất nẻo nhưng hỏi ai cũng biết vì Cụ Cang là quê hương của một sản vật nức tiếng gần xa. |
Vào tiết thu muộn, khi mà rừng núi cao nguyên Sơn La chuyển màu xám lạnh, lá ban đang xào xạc rụng, đi trên đường số Sáu, đoạn từ Sơn La lên Tuần Giáo, lữ hành sẽ thấy rất nhiều hàng quán bán thứ đặc sản đồng rừng, đó là khoai sọ. Khoai sọ đựng trong bao tải, khoai sọ đổ thành đống, khoai sọ trong sọt đan đựng lợn đựng gà, khoai sọ lên xe xuống ngựa… Nếu được hỏi thì người bán hàng nào cũng bảo đó là khoai sọ Thuận Châu. Khách sành ăn hỏi mua khoai sọ Cụ Cang thì được trả lời: Rằng… thì là… nó đấy chứ còn đâu nữa!
Biết làm sao được, khi mà khoai sọ Cụ Cang đã thành thương hiệu, nhưng khoai sọ Cụ Cang đâu có đủ cho lòng yêu của tất cả mọi người. Thì cũng đành vậy thôi, vì bánh đa Kế chả được bán ở rất nhiều vùng, rượu Bàu Đá chả được bày bán đến vài chục cây số trên đường số một và gà tươi Mạnh Hoạch chả có mặt ở khắp chợ cùng quê đó thôi.
Và, tết Độc lập này, khách du có đến chợ tình Châu Mộc, xin đừng nghĩ rằng, tất cả những thiếu nữ mang sắc phục dân tộc Mông đều là người Mông nha. Chả có ai bắt lỗi nhau khi mặc …đẹp! Còn với khoai sọ Cụ Cang thì đành phải làm khách hàng “thông thái” vậy thôi. Nhưng khách hàng lại có thể yên tâm, dù không chính hiệu, nhưng so với khoai sọ Cụ Cang, thì khoai sọ bày bán ở vùng này cũng một mười một bảy.
Vậy nên có ai bảo rằng, khoai sọ Cụ Cang cũng chỉ thế… thế thôi, thì thu này, xin hãy làm cuộc viễn du, cùng nhau vượt 400 cây số, từ Hà Nội lên đất Thuận Châu, lại cùng nhau trèo qua Khau Tú để về tận Cụ Cang mà… nếm thử. Để rồi sẽ thấy, công sức mà mình bỏ ra để qua ba chục quãng rừng cũng là không uổng.
Khoai sọ Cụ Cang củ hình bánh xe, mỗi củ nặng khoảng 500 – 600g. Thường thì mỗi gốc chỉ có một củ, dăm ba nhánh nhỏ bằng trứng chim cút bám theo để làm giống má. Nhưng mà, nếu khoai sọ Cụ Cang lạc quê, nghĩa là, đem giống khoai sọ Cụ Cang đi trồng nơi đất lạ, dẫu chỉ ra khỏi địa giới Cụ Cang thì, “cái duyên” của củ khoai sọ Cụ Cang, cũng đã vì thế mà kém đi nhiều lắm.
Hằng năm, đợi những cơn mưa cuối mùa qua đi, đất đai dần khô nẻ, bẹ lá lụi tàn, chỉ còn mấy dọc lõi leo heo trong gió mùa lộng thổi. Đó là lúc khoai sọ Cụ Cang vào kỳ ngon nhất vụ. Khoai sọ dỡ lên chỉ để được chừng một tuần, muốn để lâu hơn hãy gọt vỏ xắt miếng đựng trong túi nhựa cho vào ngăn đá tủ lạnh. Bằng cách này, có thể để khoai sọ đến vài ba tháng.
Khoai sọ dỡ lên chỉ để được chừng một tuần, muốn để lâu hơn hãy gọt vỏ xắt miếng đựng trong túi nhựa cho vào ngăn đá tủ lạnh. |
Khoai sọ đồ với nếp là món ngon dễ gặp. Khoai sọ xắt miếng chiên như khoai tây chiên, khoai sọ làm bánh, làm kem đã thấy trong các siêu thị. Nồi canh khoai sọ Cụ Cang ngon và gây nhớ nhất hạng là nồi canh khoai sọ nấu theo cách để đãi thực khách ở nhà chúa đất Bạc Cầm Quý, ông “Vua” xứ Thái từ đầu thế kỷ trước được nấu như vầy: Chọn sườn lợn thật ngon, để nhiều nạc. Chọn rau cải mèo thật tươi rửa sạch. Có hành, thì là, mắm muối đủ dùng. Chọn khoai sọ Cụ Cang đúng vụ. Sườn lợn được hầm từ trước. Khoai sọ Cụ Cang rất chóng nhừ vì vậy không hầm khoai sọ quá lâu. Hành và thì là cho cùng khoai sọ. Rau cải Mèo không được dùng dao thái mà phải vặn từng nắm vừa cữ tay cho vào nồi hầm.
Cái “thần” của nồi canh khoai sọ Cụ Cang đúng cách là có được bát canh không quá đặc lại không quá loãng, rau và khoai không được quá lửa. Bát canh khoai sọ Cụ Cang thơm qua gian bếp, thơm vượt khoảng sân, thơm lên tận bàn đèn thuốc phiện nhà chúa đất. Rau cải mèo đủ mềm nhưng màu sắc nguyên xanh. Sức nóng làm miếng khoai mất cạnh nhưng lại có thể tự tan ra trong miệng thực khách. Kiến thức này người viết được cụ nhân sỹ quê tận Việt Bắc lên làm quan ở Sơn La từ thời Pháp thuộc nói lại cho nghe nhân một cữ trà dư, trong tiết thu tàn của một năm cách đây đã đủ lâu để có thể quên đi những điều không đáng nhớ.
Cách thị trấn Thuận Châu chừng 20Km, Ninh Thuận là HTX khai hoang của người nông dân quê gốc huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình được đưa lên đây định cư từ gần 60 năm về trước. Người ra đi đem theo những câu ca ru trẻ, đem theo cả giống má đồng bằng. Dây khoai lang đất nặng phù sa Thái Tân, Thái Học, Thái Thuần… bắt vào đất đai mới vỡ cho những củ khoai lang ngon bở đến nghẹn giọng. Củ khoai lang Ninh Thuận từng làm ấm lòng người xa quê một thời gian khó. “Khoai sọ Cụ Cang, khoai lang Ninh Thuận”, câu nói cửa miệng ngày nào còn nhắc nhau nhớ về nơi đã sống.
Mùa thu này nếu có dịp về lại Thuận Châu, là sẽ lại được về với khoai sọ Cụ Cang, khoai lang Ninh Thuận. Nghĩa là, sẽ lại có dịp được ăn bát canh khoai sọ Cụ Cang nấu theo cách giành cho chúa đất. Nào người bạn tâm giao, lá ban đường ven hồ đã rải, hãy cùng nhau lên đường.