Sắp đến Tết Nguyên Đán 2021, tại các nhà vườn đã bắt đầu “tung” ra hàng loạt những chậu hoa, cây cảnh độc đáo, lạ mắt
Tại vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội), chậu quất cảnh ghép gỗ lũa của anh Lê Xuân Lĩnh được nhiều người chú ý. Theo anh Lĩnh, năm nào nhà anh cũng cho ra mắt dòng bonsai với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau cho khách chọn. Mới đây, nhà anh còn cho ra mắt 4 cây quất ghép gỗ lũa cực phẩm. Đây là hàng “hot” tại vườn nhà anh, có giá lên đến 45-50 triệu đồng/chậu.
Quất cảnh gỗ lũa tại nhà vườn Tứ Liên. |
Cây hội tự sự mềm mại tươi xanh và sự cứng cỏi mộc mạc tạo nên thế hài hòa, đẹp mắt với ý nghĩa mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Anh Lĩnh chia sẻ việc quan trọng nhất trong quá trình tạo ra cây là chọn được hình gỗ và dáng cây phù hợp với nhau.
Gỗ lũa là phần lõi ở gốc của các cây cổ thụ khô sau khi bị chết, rất cứng và không bao giờ bị mối mọt xâm hại, thường được dùng để ghép với một số loại hoa, cây cảnh khác nhằm tăng tính nghệ thuật. Những gốc gỗ lũa kiểu dáng càng cầu kỳ, thế càng đẹp thì giá càng đắt đỏ.
Cây quất được chọn gần 3 năm tuổi, dáng đẹp, to khỏe, cành xum xuê... Sau khi trồng bên ngoài khoảng 1 năm, anh Lĩnh bắt đầu trồng trong chậu, uốn theo đường gỗ và dáng chậu cho phù hợp.
“Chậu quất ghép gỗ lũa này nặng đến 4 tạ, cao khoảng 3,5 mét, có giá 50 triệu đồng. Từ tháng 10 âm lịch, khách đã về tận nơi để lựa chọn cây ưng ý rồi gửi nhà vườn chăm sóc, đến giáp Tết Nguyên đán họ mới về chuyển đi”, anh nói.
Quất cảnh gỗ lũa. |
Khi chăm sóc phải khá cẩn thận và tỉ mỉ bởi mỗi cây có chế độ tươi nước, bón phân, cắt tỉa riêng... Vì giá thành đắt đỏ và kén khách nên anh Lĩnh chỉ sản xuất vài cây. Đa phần các cây này thường được đại gia sành chơi mua để trang trí khuôn viên biệt thự hoặc sảnh cơ quan, doanh nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng...
Ngoài ra, anh Lĩnh còn có khoảng 1.000 cây phong phú về kiểu dáng, kích thước, màu sắc, đặc biệt là chậu hình con trâu cõng cây quất sai trĩu quả đang trở thành xu hướng chơi Tết Tân Sửu bởi sự độc đáo, mới lạ.