• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rạng sáng 2/11, siêu bão Goni vào Biển Đông, các tỉnh miền Trung sẵn sàng ứng phó

Theo dự báo, rạng sáng mai (2/11), siêu bão Goni sẽ vào Biển Đông với sức gió cấp 12-13, giật...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, hồi 1h ngày 1/11, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông, cách miền trung Philippines khoảng 70km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

Đường đi của bão Goni.
Đường đi của bão Goni.

Dự báo đến 1h ngày 2/11, siêu bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu. Đến 1 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Từ 1h ngày 2/11 đến 1h ngày 3/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và đi vào Biển Đông. Đến 1 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Từ 1h ngày 3/11 đến 1h ngày 4/11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 1h ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Từ 1h ngày 4/11 đến 1h ngày 5/11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km. 

Bão Goni với sức gió mạnh, ảnh hưởng lớn đến các tàu thuyền hoạt động trên biển.

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân, thuyền viên thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, thì tùy thuộc vào vị trí của tàu thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, các tàu thuyền phải kịp thời đi vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão.

Cần điều khiển tàu thuyền tránh xa vùng bão có khả năng đi tới. Nếu tàu thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão đang di chuyển tới thì cho tàu thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam. Cần chú ý rằng, khi điều khiển tàu thuyền tránh bão, trên biển phải luôn luôn cách tâm bão một khoảng tối thiểu từ 350 - 400 km - tức là khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, mà lọt vào vùng gió bão, thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, ngày và đêm 1/11, nhiều khu vực trong cả nước có mưa, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa và dông, đề phòng  khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh.

Hiện đang vào mùa mưa dông ở Việt Nam vì vậy hiện tượng sét đánh thường xuyên xảy ra rất dễ gây nguy hiểm cho người và vật nuôi. Người dân cần hạn chế đi ra ngoài trong cơn dông và tránh xa những khu vực dễ bị sét đánh, thường xuyên có sét.

Các nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàm lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, nước ta nằm ở tâm dông châu Á - một trong 3 tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh.

Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình là 100 ngày/năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Khu vực như xã Cổ Dũng (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), Đồng bằng sông Cửu Long... là những nơi được coi là tâm sét.

Thời tiết các khu vực ngày và đêm 1/11: Phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng, gió nhẹ, sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, có nơi dưới 19 độ C, cao nhất 25-28 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi trên 28 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ  có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều giảm mây hửng nắng, gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C, vùng núi có nơi dưới 20 độ C, cao nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.

Thủ đô Hà Nội có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3, đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất  21-23 độ C, cao nhất 25-28 độ C.

Các tỉnh từ  Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế phía Bắc có mưa vài nơi, phía Nam có mưa, mưa rào rải rác, gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C, cao nhất phía Bắc 24-26 độ C, phía Nam có nơi trên 26-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận phía Bắc có mưa, mưa rào rải rác, phía Nam có mưa rào và dông vài nơi, gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, cao nhất  28-31 độ C, phía Nam có nơi trên 31 độ C.

Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác, gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.

Khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác, gió Đông nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất  30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung sẵn sàng ứng phó với siêu bão Goni

Chiều 31/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh tiếp tục thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống người dân, kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn công trình xung yếu.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

 

(Tổng hợp)

MINH UYÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật