1. Bạn tôi nói, chưa bao giờ thèm được… kẹt xe như thế này. Có những ngày bạn đứng trong dòng người trôi về phía trước đang phải ngưng lại vì một hòn đá lăn nào đấy chưa được lấy ra khỏi dòng người, bạn thì thầm: “Giật mình tỉnh ra… ồ phố xa lạ!”.
Phố xa lạ trong khoảnh khắc ấy bây giờ đã tràn niềm yêu thương bất tận, khi mà con người sống cho nhau nhiều hơn. Cứu rỗi từng hơi thở của nhau bằng những bình Oxy vác đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tiếp thêm sức sống, mà cũng có khi không kịp phải xót xa thương nhỏ nước mắt thay cho người thân, kể như người đi có ai đó ở bên cạnh tiễn biệt, cũng còn hơn nhiều số phận khác nằm im lìm trong ngôi nhà cho đến khi hàng xóm và an ninh xuống phá cửa để đưa xác đi thiêu chung trong một cái container lạnh ngắt.
Phố xa lạ ấy giờ đây đã ấm nồng những bó rau xanh canh chờ để chia cho nhau. Những gói mì đỡ lòng kẻ tha hương không còn đường về, chịu thoi thóp đợi những ngày người ta còn nhớ tới để trước cửa nhà túi gạo, ít dầu mắm. Những đứa bé khát sữa lúc lắc núm vú da, mẹ nó cắn răng chắt nước gạo để cho con uống, kệ ngày mai còn nữa hay không. Nhưng rồi những bàn tay xa lạ đã đặt tới đây thêm lương thực và sữa, trả lại cho em nụ cười. Thêm cho cha mẹ êm chút niềm tin vào con người vẫn còn yêu thương, che chở cho nhau trong hoạn nạn.
Phố xa lạ của bạn, bây giờ chỉ còn một âm thanh duy nhất, làm nhói tim bất kỳ một ai nghe thấy và cất tiếng thay cho những trái tim tưởng lạnh lùng nhất nay đã động lòng trắc ẩn để chìa bàn tay cho đồng loại- tiếng xe cấp cứu sáng, trưa, chiều, tối đã trùm lên thành phố vốn ngày trước đây, suýt đánh nhau vì tiếng hát karaoke và còi xe inh ỏi. Nay người ta tìm nhau bằng những ánh sáng nhấp nháy trên màn hình- “Nó còn sống, nó vẫn còn vào Fb với Instagram”. Nhưng âm thanh của tiếng gõ lách cách, bọn trẻ gọi là âm… cờ âm… câm.
2. Sáng nay bạn ra ngõ để vung tay “dịch chân kinh” thì bỗng nghe mùi mì gói bay khắp nơi. Chợt nhớ những khu phong tỏa có khi cả tháng chỉ mì gói với cơm nguội chan vào nhau để sống sót. Bạn trở vào nhà và coi tin nhắn, vẫn là tiếng cầu cứu, nhưng còn hơn thế nữa, gần 2 tuần nay, là “Con bị F0, cả nhà con đã bị F0, xin thuốc và bình Oxy”. Bạn bần thần ngồi thở một hơi thật sâu. Chưa bao giờ bạn ý thức về hơi thở sâu đến vậy.
Bạn nhắn tin cho các ca F0, theo như lời các bác sĩ: Hãy tập thở ít nhất 2 lần 1 ngày. Và bất kỳ khi nào thấy tức ngực khó thở, hãy từ từ hít vô phình bụng to, thở ra từ từ xep hóp bụng lại, cứ như vậy cho đến khi giữ được hơi thở. Chỉ có hơi thở giữ lại sự sống cho F0 và ngược lại, có những F0 chỉ trong khoảnh khắc chuyển sang nặng vì không thở được và ở những bệnh viện có tên là dã chiến thu dung đang được dựng lên khắp nơi, tận dụng tất cả các trường học, cả công viên nữa, mỗi ngày biết bao người đã tắt thở trước khi còn có thể kiểm soát được hơi thở.
Bạn chia sẻ tất cả các số gọi Oxy nguy cấp, những trạm y tế lưu động, những tình nguyện viên với một lòng quả cảm kinh ngạc sẵn sàng nghe tiếng gọi bất kỳ ai để lao đến cứu người. Có lẽ, đã có điều kỳ diệu của thành phố này hôm nay trỗi dậy được chứng thực hơn lúc nào hết: không chỉ có các y bác sĩ cứu người, mà tất cả mọi người đều có thể cứu người, nếu con người đó sống bằng trái tim yêu thương và xả thân vì con người.
Điều lạ lùng là đối mặt với cái chết, không có ai nói về đạo lý cả, nó thật xa xỉ và chỉ là chiếc áo khoác cho những kẻ trá hình. Họ chỉ nói về một thứ: Cảm xúc chân thật- tôi phải cứu anh/chị/em/bé thơ. Vì tôi chỉ có một điều để làm khi đối mặt với thần chết đang bên cạnh bạn: Tôi giành lấy cho bạn sự sống, để bạn ở lại với tôi.
Có câu chuyện thật buồn cười từ một dịch giả kể lại rằng anh đi mua thuốc, người dân phòng canh chốt không cho anh đi nói rằng: “chống dịch như chống giặc. Ai ở đâu yên đó. Anh hãy quay về nhà ngay”. Anh nói: Nếu con virus nó ở trong người anh, ở trong người tôi, ở trong người những người thân của gia đình anh và tôi. Vậy anh nói ai là giặc? Ai là giặc hả?”
Sẽ không có kẻ thù nào nữa khi con người mỗi ngày phải giành giật với hơi thở sự sống từ những con virus vô hình. Không thể chế ngự nó thì sống chung với nó bằng mọi cách như các sinh vật thích nghi để tồn tại.
Một lần nữa thế giới con người lại bị thử thách bởi sự tiến hóa ngược chính vì sự hung hãng và lòng tham vô độ trước tự nhiên.
3. Từ bao lâu rồi con không được ăn bánh mì hả mẹ?
Cô con gái nhỏ hỏi. Mẹ cũng không biết nữa, có lẽ từ ngày mẹ không còn cắm đóa hoa hồng xinh xinh trên bàn con để sớm mai thức giấc, để sớm mai con và đóa hoa cùng bừng nở trong ánh sáng.
Nghe như ai đó đang viết tiểu thuyết? – Không đâu, đó là một thực tế rất buồn của ngôi nhà chúng tôi, như bao ngôi nhà khác ở quanh khu phố này, đã không còn tiếng rao bánh mì nóng giòn, không còn tiếng những bà nội trợ í ới với nhau buổi sáng đi chợ về, không còn tiếng trẻ con hát và cả tiếng đàn của người nghệ sĩ giờ đã hóa tro trong một nhà hỏa thiêu nào đó chưa ai nhận về.
- Khi nào con mới được ăn bánh mì hả mẹ?- Chắc có lẽ cũng sắp rồi con Khi nào con virus không còn chiếm lấy hơi thở chúng ta, thì con sẽ được ăn bánh mì và mẹ sẽ được cắm hoa hồng trở lại.
- Sao con virus vô hình lại có thể chiếm lấy được hơi thở của chúng ta hả mẹ?
Mình im lặng, bạn ơi. Mình không trả lời con trẻ được. Cho đến khi thành phố hồi sinh nhờ biết bao con người cùng đồng lòng, chung tay cứu sống nhau, có lẽ lúc đó mình mới dám trả lời con rằng: Bởi vì chúng ta đã lấy đi và kết liễu rất nhiều sự sống khác. Đã đến lúc phải tập sống hài hòa, tập yêu thương, tập trân trọng sự sống của muôn loài, thì may ra, chúng ta sẽ không còn lần nào phải trả giá đắt như vầy trong dịch bệnh.
Sài Gòn, 108 ngày giãn cách toàn thành phố, 2/9/2021