Là một trong số tình nguyện viên đầu tiên tại bệnh viện dã chiến số 12, Thủ Đức, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình thuộc đội trực chiến phòng cấp cứu. Công việc của sư cô là đo các chỉ số, chăm sóc bệnh nhân từ ăn tới uống, cho thở oxy, thay bỉm, thay quần áo, hỗ trợ người bệnh nặng đi vệ sinh, trấn an tâm lý cho những người bệnh nặng.
KHAO KHÁT RA TUYẾN ĐẦU
Tính ra sư cô đã ở bệnh viện dã chiến được bao nhiêu ngày rồi? Vì sao sư cô chưa “ra viện”?
Tôi đã ở đây được 3 tháng, từ ngày 22/7 tới nay (10/2021). Giờ đây Sài Gòn đã qua đỉnh dịch, lượt bệnh nhân đã giảm rõ, và nếu có, mọi người cũng đã có thể tự điều trị tại nhà, chỉ có ca bệnh nặng mới chuyển tới đây. Mọi người nói vẫn cần sự trợ giúp của sư cô cho vấn đề trấn an tinh thần cho các bệnh nhân bị hoang mang, lo sợ. Khi nào bệnh viện vãn bớt bệnh nhân, thành phố khống chế được dịch, tôi mới trở về chùa.
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (Ảnh: Nguyễn Á). |
Sư cô đã tạm biệt chùa để tới những điểm nóng Covid như thế nào? Ngày đầu tiên tới bệnh viện, sư cô có cảm giác gì?
Tôi bắt đầu viết cuốn sách “Một kiếp nhân sinh” khi đang đỉnh của đại dịch tại Bắc Giang. Khi đó thấy lực lượng y bác sĩ, tình nguyện viên rầm rộ lên đường chi viện cho Bắc Giang, tôi đã viết nhiều về họ. Cho tới khi nhận được thông tin của Giáo hội tuyển tình nguyện viên tuyến đầu, lúc đó đang ngồi gói bánh tét ở chùa Tâm Không ở Củ Chi, tôi mới rủ: “Hay là bây giờ cô trò đăng ký đi đi”. Bốn cô trò đăng ký, ba sư cô được đi đợt đầu. Tôi được phân tới bệnh viện dã chiến số 12, hai sư cô vào bệnh viện Ung bướu Thủ Đức.
Ảnh: Nguyễn Á. |
Biết tin mình được nhận, tôi rất mừng, nhưng cũng lo vì ở chùa còn một vài bé, nếu mình đi, các con ở nhà sẽ thế nào? Ba mẹ tôi khóc nhiều vì lo lắng khi biết tôi sẽ đi vào nơi tâm dịch. Lúc đó tôi chưa được tiêm vaccine, mãi tới ngày 20/7 tôi mới được tiêm, ngày 22 đã lên đường. Sự nóng lòng muốn đi khiến tôi cũng không nghĩ tới chuyện nguy hiểm.
Việc gói bánh đang dang dở, chùa tôi đã mua rất nhiều nếp, có khi lên tới cả tấn nếp, gói bánh một ngày nấu 3 nồi, một nồi tầm 150 đòn bánh tét, nấu triền miên trong một tháng như vậy. Chùa tôi phải gói bánh suốt đêm để hết số gạo nếp. Lúc đó tôi rất mệt vì vừa chích vaccine, nhưng không có thời gian để ngơi nghỉ, tất cả tập trung làm cho xong mọi việc để lên đường. Sự thiếu ngủ, mồ hôi, nước mắt… đổi lại lấy sự an toàn ấm no cho người dân, tôi vẫn thấy hạnh phúc vô cùng.
Ảnh: Nguyễn Á. |
Ngày đầu tới bệnh viện, tôi chánh niệm để học nhớ đường đi lối lại ở bệnh viện, tầng nào, lối nào được phép đi, nếu đi lạc phải đứng yên gọi điện thoại cho các y bác sĩ tới dắt ra, không được phép đi lung tung vì dễ va vào F0- lúc đó mọi sự rắc rối sẽ diễn ra. Tầng nào mặc đồ bảo hộ, tầng nào được mặc đồ thường, nơi nào mặc đồ, nơi nào cởi đồ. Mọi thứ có nguyên tắc chuẩn mực ai cũng phải tuân theo tuyệt đối.
Công việc chính của sư cô trong bệnh viện dã chiến là gì? Làm thế nào để giữ an toàn cho chính bản thân khi phải luôn trực tiếp tiếp xúc với các F0?
Mặc dù tôi đã được tập huấn online, nhưng thực tế rất khác. Tôi đã từng đi tiếp tế đồ ở các khu cách ly, phong tỏa, vào đây, tôi làm ở khu cấp cứu là nơi tiếp nhận đa số các bệnh nặng. Những F0 bước vào viện đều với hy vọng tới đây để được nối dài sự sống, tiếp tục cuộc đời, ai cũng nuôi hy vọng, ngày mai trời sẽ sáng, sau cơn mưa, mặt trời sẽ mọc. Có những nụ cười, ngày hôm nay cười, nhưng mai đã tắt vĩnh viễn. Nên ai có duyên gặp tôi, tôi đều đối xử hết lòng, dịu dàng hết sức có thể vì tôi biết cuộc gặp có thể là nhanh, chậm, rồi cũng chia tay nhau.
Ảnh: Nguyễn Á. |
TRẤN AN TÂM LÝ CHO CÁC F0
Khi gặp các ca F0 “có vấn đề”, cần sự trợ giúp của cô, cô làm gì?
Tôi luôn đối xử chân thành với họ bằng tình thương, tận dụng mọi khoảnh khắc thời gian, dịu dàng đến từng phút giây với bệnh nhân F0 ở phòng cấp cứu. Nếu bệnh nhân buông xuôi, mỏi mệt, tôi động viên, trấn an tinh thần cho họ hiểu họ không hề đơn độc. F0 rất khó ăn uống vì họ mệt và bị mất mùi, mất vị giác, nên tôi cố gắng động viên, xúc cho họ ăn.
Nhiều F0 quá căng thẳng nên không ngủ được, tôi hướng dẫn cho họ cách tập thở, theo bài “Mục đồng chăn trâu”. Nếu ý nghĩ lung tung, mình phải dùng sợi dây kéo nó về, giống như mình kéo tâm trở về. Có một ông bị căng thẳng, hai mắt dán chặt vào bình oxy. Ông sợ mình chợp mắt là oxy hết, ông sẽ chết. Tôi phải động viên cho ông nhắm mắt, nói với ông, “có cô ở đây trông kỹ cho rồi, bác hãy nhắm mắt lại, tập thở đều”. Vậy mà ông chịu nghe, và ngủ được một giấc ngon lành đầu tiên từ khi vào viện.
Ảnh: Nguyễn Á. |
Cũng có bệnh nhân khuyết thính, không nói, không nghe được, họ rất hoảng loạn nên thường chống lại, không hợp tác. Khi tôi đưa tay chạm lên vai, ra hiệu cho bà ấy đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh lại, có tôi ở đây rồi. Bà ấy thấy an toàn, không còn sợ nữa, mới chỉ lên đầu tỏ sự đau đầu, buồn nôn. Tôi day huyệt, mát-xa nhẹ cho bà, dỗ cho bà chịu uống thuốc. Nhiều bệnh nhân ói, nôn mửa, vùng vẫy không hợp tác, dễ ảnh hưởng tới kim của dây truyền thuốc, tóc tai bù xù, ho nhiều nên đôi khi họ tè luôn ra quần áo, ướt hết, tôi lại đi giúp họ thay đồ. Khi cảm nhận được tình thương yêu thật lòng, tự họ thay đổi thái độ, mềm hơn, bớt lo lắng, bớt hoảng loạn.
Trong đó, luôn có thức ăn chay cho sư cô hay sư cô phải tự chủ động chuẩn bị?
Ở trong này, tôi ăn chay. Có những giai đoạn tâm dịch, lương thực nói chung khan hiếm, đồ ăn chay rất thanh đạm. Có những nhân viên y tế muốn xin đổi khẩu vị, tôi mang thức ăn chay cho ăn, ăn xong, họ nhắn: “Con ngưỡng mộ cô quá, cô ăn thế này mà đủ sức khỏe à!”.
Sư cô hoặc những người xung quanh có bị stress, áp lực?
Nguyên nhóm tình nguyện viên Phật giáo vô đây chưa ai bị nhiễm cho dù hàng ngày xuống gặp F0, làm việc trong môi trường có nồng độ virus cao. Có những lúc tôi nghĩ mình mười mươi sẽ bị lây bởi công việc của tôi là chăm ăn, cạo râu, lau mình mẩy, cho uống thuốc, dỗ dành, thăm hỏi, tư vấn, dọn rác... Bởi tôi bị cận lại phải đeo một lớp kính bảo hộ nên khi gặp mồ hôi, nóng bức, tấm kính đó luôn như có một lớp sương mờ phủ lên khiến tôi lúc nào cũng phải ghé sát mặt bệnh nhân để hỏi, để nhìn. Thi thoảng họ bị ho, bị nôn khi tôi đang đút cháo, nguyên một cơn mưa ho, cơn mưa cháo vào phía mặt tôi. Vậy mà tới giờ này, thật may, tôi vẫn chưa thành F0 mà chính tôi cũng không hiểu vì sao.
Ảnh: Nguyễn Á. |
Nhân viên bị nhiễm F0 họ cũng buồn thi thoảng cũng hay tâm sự hoặc đọc sách, đọc Facebook của tôi. Tôi không bị u uất về tâm lý, nhưng thực sự những sự ám ảnh là có. Nhất là những ca tử vong, làm chúng tôi rất buồn và tâm tư xao động.
Trong cuốn sách, sư cô viết nổi bật lên đó chính là sống có trách nhiệm, sống tử tế trong mùa đại dịch, phải chăng đây là điều cần cho cuộc sống tốt đẹp hơn?
Sự tử tế không nằm ở trên cao. Sự tử tế nằm ngay trong trái tim ấm nồng của bạn. Trong tang thương, bi kịch, chúng ta chợt nhận thấy con người ngày càng nhích gần nhau, đoàn kết, cố gắng làm mọi thứ để đẩy lùi dịch bệnh.
Cuốn sách "Một kiếp nhân sinh". |
Đôi khi chỉ cần ánh mắt, nụ cười, giọng nói, cử chỉ, tất cả mọi thứ từ vi tế. Tôi luôn cảm ơn những người đã nhận sự giúp đỡ của tôi, họ đã cho tôi được thể hiện tình thương yêu của mình. Hạt giống gieo trên đất, tưới bằng sự tử tế lương thiện, đó là hạt giống của tình yêu thương.
Xin chân thành cảm ơn sư cô.
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (Tu viện Tịnh Không, Củ Chi), là một trong số tình nguyện viên tôn giáo đầu tiên tại bệnh viện dã chiến 12, Thủ Đức, bệnh viện có trên 3000 giường. Sư cô tâm niệm sẽ ở lại cho tới khi nào thành phố khống chế được hết dịch.
Đi tu từ 5 tuổi, sư cô không ngừng tu tập, sư cô đã tốt nghiệp chuyên ngành Triết học PG, hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học.
Sư cô là tác giả các cuốn sách: Giữa đôi dòng, Mở lối yêu thương, Gieo mầm hạnh phúc, Bước qua thăng trầm, Vẳng tiếng hồng chung, Nếu biết ngày mai rời quán trọ, Muôn kiếp nhân sinh (2021).