Vụ việc này một lần nữa, khiến người ta nhắc lại thủ đoạn tinh vi của những băng đảng buôn lậu người xuyên biên giới.
Thủ đoạn tinh vi của bọn buôn lậu người
Người dân từ tiểu vùng Sahara (châu Phi) vượt biên vào thành phố Mellila, Tây Ban Nha trái phép. |
“Ngành công nghiệp buôn lậu người trị giá hơn 7 tỷ USD mỗi năm và có thể cao hơn nhiều”, Ilias Chatzis, Trưởng bộ phận buôn lậu và buôn lậu người của Liên Hợp Quốc, cho biết. Harjap Bhangal, một luật sư về di trú, nói: “Tiền kiếm được từ buôn lậu người thậm chí còn nhiều hơn buôn ma túy, trong khi mức án cho tội danh buôn người rất nhẹ, thường bị bỏ qua”.
Cái chết của 39 người trong xe tải ở Anh chỉ là bề nổi. Nhiều vụ chết người thảm khốc tương tự từng xảy ra trên những chiếc xe như vậy khiến chúng gắn với biệt danh "quan tài thép". Vào năm 2000, 58 người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc được tìm thấy chết ngạt trong thùng một xe cà chua tại cảng Dover ở Kent, Anh.
Băng đảng buôn lậu người có hành vi tàn bạo như các băng đảng ma túy trên thế giới, chúng ngày càng tàn nhẫn, sẵn sàng hành hạ và giết bất kỳ ai trong đoàn làm chúng "khó chịu" hoặc làm chậm lộ trình của chúng.
Từ mánh khóe trên đường bộ
Năm 2000, 58 người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc được tìm thấy chết ngạt trong thùng một xe cà chua tại cảng Dover ở Kent, Anh. |
Đối với các tài xế xe tải đường dài, nguy cơ bị trà trộn người di cư luôn hiện hữu. Khi xe dừng nghỉ ban đêm, chúng sẽ tháo chốt bản lề trên xe moóc, đưa người di cư vào sau đó bắt vít lại để tài xế không biết. Hoặc họ sẽ khoan một lỗ xuyên qua nóc xe.
Các băng đảng nổ súng vào người di cư để ép họ lên các xe tải của Anh. Chúng sử dụng các tuyến đường mới đến Anh với an ninh lỏng lẻo. Chúng thích xe tải vì có thể kiểm soát và che giấu người bên trong. Di dân bị nhốt trong xe tối, không được gây tiếng động. Tất cả những gì họ biết là xe đang di chuyển, cho tới khi nó dừng lại.
"Trên hành trình di cư đầy nguy hiểm và chết chóc này, họ băng qua những cánh rừng, phải tá túc trong những căn lều gỗ. Điều kiện vệ sinh kém khiến nhiều người đổ bệnh. Rất nhiều người không biết họ đang đi đâu, số phận phụ thuộc vào những băng đảng buôn người. Hành trình thường bắt đầu bằng vay nợ. Nếu nạn nhân không trả nợ cho băng đảng buôn người, chúng sẽ bắt cóc và giữ gia đình họ làm con tin. Đây là tình cảnh chung của nhiều di dân Trung Quốc”, Luật sư về nhập cư Harjap Bhangal cho hay.
Đến những thủ đoạn trên đường biển
Một tay buôn lậu người ở Afghanistan đã khoe đưa khoảng 300 người di cư vượt qua eo biển Manche. Kẻ này đã lập đường dây trên tàu cao tốc đến Anh với chi phí 7.700 USD/người. Hắn nói với The Sun từ Calais, Pháp: “Nếu cảnh sát bắt được bạn, anh ta sẽ không trả lại tiền”.
Những chiếc thuyền ọp ẹp chở hàng nghìn người di cư bất hợp pháp lênh đênh trên biển. |
Trong nhiều trường hợp, kẻ chủ mưu an toàn trong bóng tối, cách xa nước Anh nên hầu như chưa từng bị bắt hầu tòa. Chúng nhận tiền mặt, sau đó chất người di cư lên những chiếc xe tải, đôi khi theo nhóm 40-50 người chật cứng trong những chiếc xe. Những người bị bắt phần lớn là tay chân cấp dưới như lái xe, lái thuyền...
Richard Burnett, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải Đường bộ có trụ sở tại Anh, cho biết các băng đảng đang né tránh các cảng lớn như Calais để tìm tới những tuyến đường mới có an ninh "lỏng lẻo" hơn.
Bên cạnh đó, một số được cho là hối lộ các nhân viên hải quan. “Không có điều gì thể hiện Lực lượng Biên phòng Anh tham gia vào việc này, nhưng các băng đảng buôn người có quyền lực quá mạnh, đến mức chúng có thể mua chuộc an ninh ở các cảng châu Âu”, ông Richard nói.
Một thủ đoạn độc ác khác, là đã ném hàng trăm người di cư xuống biển Yemen khi phát hiện thuyền của nhà chức trách đang tới gần. Sự việc bị phát hiện vào tháng 8/2019.
Những chiếc thuyền ọp ẹp chở hàng trăm, hàng nghìn người di cư bất hợp pháp lênh đênh trên các vùng biển, từ châu Âu, Trung Đông, châu Phi tới Caribe và Đông - Nam Á nhiều tháng ròng. Trên tàu, thức ăn và nước uống cạn kiệt. Hàng nghìn người chết oan uổng vì tranh giành thức ăn, nước uống, rồi bị ốm đau, bệnh tật.
Thoát cửa tử, người nhập cư sống bằng việc phi pháp như mại dâm, trồng cần sa
Đến Anh, bị buộc phải trồng cần sa
Cảnh sát phát hiện trang trại cần sa khổng lồ trong hầm chứa hạt nhân cũ ở Wiltshire, Anh, hồi tháng 2/2017. |
Nếu sống sót sau hành trình nguy hiểm này, không có gì bảo đảm di dân sẽ có cuộc sống bình yên ở miền đất hứa. Họ mắc nợ hàng nghìn USD cho chi phí đến đó, và có thể bị bán vào nhà thổ, ép lao động khổ sai trong các nhà hàng, tiệm nail, tiệm massage, thậm chí là trồng cần sa. Dù di dân là trẻ em cũng không ngoại lệ.
Một người đàn ông tên Cuong Nguyen (quê Hải Phòng) đã đến Anh và bị buộc phải trồng cần sa để trả nợ. Cuong cho biết anh phải sống chui lủi vài năm để bán ma túy và đào tạo lao động mới trồng cần sa, tự mình làm việc, không được rời khỏi nơi ở và phụ thuộc vào thực phẩm được phát hàng tuần. "Tôi dậy sớm, ăn cơm và chuẩn bị chăm sóc cần sa... Tôi đặt những cây cần sa dưới ánh đèn trong hai giờ đồng hồ và tưới nước cho chúng", Cuong hồi tưởng lại.
Công việc trồng cần sa của Cuong do các băng đảng xã hội đen đứng sau. Theo các nhà nghiên cứu, ngành công nghiệp trái phép này tại Anh mang lại 3,2 tỷ USD mỗi năm.
Tại Anh, rất nhiều ngôi nhà ở vùng ngoại ô được thuê hoặc mua lại để trở thành nơi sản xuất ma túy. Cảnh sát đã tìm thấy cần sa được trồng trong cũi chó, quán rượu, bệnh viện bỏ hoang và thậm chí là hầm ngầm hạt nhân không còn được sử dụng.
Qua Thái hành nghề mại dâm để mưu sinh
Quán bar Can Do Bar, một cơ sở hợp pháp do các cô gái bán dâm hợp tác và điều hành ở quận Muang của Chiang Mai, nơi có các cô gái nhập cư hành nghề. |
Thái Lan là một trung tâm thu hút lao động nhập cư từ khắp nơi đổ về. Ngành công nghiệp tình dục cũng không ngoại lệ. Nhiều phụ nữ đến từ các quốc gia xung quanh, cụ thể là Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam đổ về Thái Lan để hành nghề. Công việc ở đây được coi là đầy thu hút, họ có thể kiếm được con số gấp 2 cho đến 10 lần so với mức lương tối thiểu hàng ngày, 325 bath Thái (tương đương gần 11 USD/ngày).
Các cô gái nhập cư hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục có mức thu nhập hấp dẫn hơn, nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro gấp đôi khi phải làm một công việc bị xã hội kỳ thị, tại một môi trường hoàn toàn xa lạ. Thậm chí một số nơi, quán karaoke và go-go bar khác còn không tuyển dụng các cô gái nhập cư.