Dù ly hôn vì bất kỳ lý do nào đi nữa, đây vẫn là một sự kiện tạo ra nhiều khó khăn, tổn thương cho những người trong cuộc trong vòng 1-3 năm sau đó. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Ủy ban Gia đình Quốc gia (Anh) vào năm 2009 cho biết: Trong vòng 1 năm đầu sau ly hôn, chất lượng sống của đàn ông giảm 42%; với phụ nữ, con số đó là 73%.
Các nhà tâm lý học cho rằng 1-3 năm sau ly hôn được coi là khoảng thời gian trung bình mà một người cần để vượt qua những sang chấn hậu ly hôn. Nỗi đau của một cuộc hôn nhân tan vỡ sẽ dần nguôi ngoai theo thời gian và không phải ai cũng bị dằn vặt cả đời sau sự kiện này.
Để hạn chế tình trạng ly hôn cũng như làm giảm mức độ tác động tiêu cực của sự kiện này lên cuộc sống, các nhà tâm lý học đã chỉ ra 5 điều mà các cặp vợ chồng/các cặp đôi cần nghiêm túc tự hỏi bản thân trước khi thực sự ký vào đơn ly dị hoặc chia tay.
Tranh minh họa |
Câu hỏi số 1: "Mối quan hệ này có giúp tôi trở thành một phiên bản tốt hơn hay không?"
Một mối quan hệ tình cảm nói chung được coi là "lành mạnh" khi mỗi người đều hỗ trợ và ủng hộ đối phương trở thành một phiên bản tốt hơn so với chính họ trong quá khứ. Một vài ví dụ mà các nhà tâm lý học đã đưa ra để bạn dễ hình dung hơn về sự hỗ trợ, ủng hộ này: Anh ấy/cô ấy không phàn nàn hoặc trách móc khi bạn dành thời gian để học các kỹ năng phục vụ cho việc phát triển sự nghiệp; hoặc anh ấy/cô ấy không chỉ trích, nhiếc móc bạn vì những sai lầm của bạn trong quá khứ, thay vào đó họ sẽ dùng ngôn từ nhẹ nhàng để động viên bạn sửa sai.
Ở chiều ngược lại, một mối quan hệ được coi là "độc hại" nếu đối phương tạo ra cho bạn những nỗi đau về tinh thần/thể xác hoặc "kéo bạn xuống" bằng cách ngăn cản bạn phát triển theo mong muốn hoặc lộ trình bạn đã đặt ra.
Các nhà tâm lý học khẳng định câu hỏi đầu tiên này là vô cùng quan trọng và chỉ có chính bạn mới có thể tự nhìn nhận, suy ngẫm để đưa ra câu trả lời chính xác hoặc ít sai số nhất.
Tranh minh họa |
Câu hỏi số 2: "Mục tiêu và kế hoạch cho tương lai của chúng ta liệu có điểm giao nhau hay không?"
Đây hoàn toàn không phải là câu hỏi chỉ dành cho những cặp đôi đang hẹn hò hoặc sắp về chung một nhà. Ngay cả những cặp vợ chồng đã kết hôn, chung sống với nhau đủ lâu cũng cần thường xuyên nghĩ về câu hỏi này bởi cách mỗi người cảm nhận và đặt ra mục tiêu cho cuộc sống sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, không quan trọng là họ đã kết hôn hay chưa.
Một ví dụ rất đơn giản: Sau khi sinh con, chồng muốn bạn nghỉ làm để toàn tâm chăm sóc con trong 1 năm đầu đời, liệu bạn có đồng ý?
Một ví dụ khác: Cuộc sống lý tưởng trong hình dung của bạn là 2 người chung sống với nhau, cùng nhau làm việc và du lịch khắp nơi trên thế giới để tận hưởng cuộc sống thay vì "ngập mặt trong bỉm sữa", nhưng chồng hoặc vợ bạn lại luôn đau đáu về thiên chức làm cha, làm mẹ, thì sao?
Các nhà tâm lý học khẳng định mục tiêu về sự nghiệp và mục tiêu về gia đình chính là hai yếu tố dễ làm người ta xa cách nhất nếu cả hai không tìm được tiếng nói chung.
Câu hỏi số 3: "Phần lớn thời gian trong mối quan hệ này, cảm giác hạnh phúc hay cảm giác buồn đau thất vọng chiếm ưu thế hơn?"
Ngay cả khi đáp án bạn tìm được cho câu hỏi số 1 và câu hỏi số 2 là những điều tích cực, cũng chưa chắc bạn đã cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn là buồn đau, thất vọng trong mối quan hệ tình cảm của chính bạn.
Các nhà tâm lý học lý giải sự mâu thuẫn này bằng hội chứng "nghiện nỗi đau" hoặc "nghiện cảm giác đau đớn": Người yêu/người bạn đời không ủng hộ bạn phát triển bản thân và bạn coi đó là động lực cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn cho anh ta/cô ta nể phục, hoặc bạn chấp nhận gạt đi mọi mục tiêu/kế hoạch của mình trong tương lai để thuận theo mong muốn của đối phương,...
Đây đều là biểu hiện của những người mắc hội chứng "nghiện nỗi đau" hoặc "nghiện cảm giác đau đớn".
Đành rằng, đôi khi áp lực khiến chúng ta có thêm động lực phát triển, cải thiện bản thân nhưng đây không nên là điều xảy ra trong một mối quan hệ tình cảm. Phải nhớ: Bạn không cần bị đả kích, không cần bị tổn thương và cũng không cần quên mất mình chỉ để duy trì một mối quan hệ.
Câu hỏi số 4: "Tại sao mình lại muốn chấm dứt mối quan hệ với người này?"
Trong những lúc cãi vã hoặc xảy ra bất đồng, bạn có thể tìm được cả ngàn đáp án cho câu hỏi này. Nhưng các nhà tâm lý học khuyên rằng bạn nên suy nghĩ về câu hỏi này khi bản thân đang bình tĩnh, không bị cơn giận làm lu mờ lý trí.
Tranh minh họa |
Vậy làm sao để biết mình có đang bình tĩnh hay không? Câu trả lời rất đơn giản: Bạn không phủ nhận những ưu điểm của đối phương ngay cả khi hai bạn đang cãi nhau hoặc "chiến tranh lạnh". Nếu bạn vẫn còn cảm thấy "anh ấy/cô ấy chẳng có điểm gì tốt đẹp" nghĩa là bạn vẫn đang chưa bình tĩnh. Con người không có ai là hoàn hảo nhưng cũng không có ai là xấu xa, tồi tệ toàn phần.
Câu hỏi số 5: "Sau khi chấm dứt mối quan hệ này, cuộc sống của mình liệu sẽ ra sao?"
Nói cách khác, bạn có tự tin mình có thể duy trì một cuộc sống ổn định sau khi kết thúc mối quan hệ hay không? Hãy nghĩ về những hóa đơn điện nước, về nơi bạn sẽ ở, về cách xử lý khi bạn ốm đau mà chỉ có một mình, hoặc khi con bạn ốm mà không có ai bên cạnh hỗ trợ bạn,...
Hãy mường tượng một cách chi tiết, cụ thể nhất có thể về cuộc sống của chính mình sau khi chấm dứt mối quan hệ là lời khuyên của các nhà tâm lý học. Việc này sẽ giúp bạn đỡ hụt hẫng và "tăng tốc" trong việc thích nghi với cuộc sống mới sau khi đường ai nấy đi.