Con trai tôi năm nay 10 tuổi, vừa học xong lớp 4, đang học một trường công lập. Còn nhớ suốt năm học lớp hai của con trai tôi, cứ đến 5 giờ chiều là tôi lại cảm thấy bồn chồn lo lắng trong lòng. Đó là giờ tan học của tụi nhỏ, bọn trẻ về nhà và bắt đầu gặp bố mẹ. Đó cũng là lúc group Zalo của lớp bắt đầu xôn xao lên với những ý kiến, những trao đổi của phụ huynh về tình hình học tập trong ngày. Và cũng là lúc tôi thấy mình được nhắc tên liên tục cùng với những tội lỗi của thằng bé.
“Bạn C hôm nay dùng thước dẻo đánh bạn”.
“Bạn C ném cát vào mắt bạn”.
“Bạn C đấm bạn làm gãy một cái răng”.
“C vẽ vào áo bạn” v.v..
Cứ như thế, ngày nào tôi cũng ở trong vai một vị phụ huynh đầy tội lỗi, liên tục xem con mình mắc lỗi với ai, cơ sự xảy ra như thế nào, hậu quả ra sao và giải quyết kiểu gì. Còn cô giáo chủ nhiệm, vẫn nhắn tin cho tôi để nhắc nhở con về những thói quen xấu và sự nghịch ngợm của con.
Thú thực chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình lại là phụ huynh của một học sinh cá biệt. Ở nhà thằng bé luôn ngoan và lễ phép, tất cả các gia đình xung quanh đều yêu mến nó vì sự lanh lợi, gần gũi, tự tin và sáng tạo của nó. Hầu như nó luôn là trùm trò của đám trẻ con, nghĩ ra đủ thứ trò chơi và dẫn dắt cả đám. Thực sự không phải quá đề cao con nhưng câu “cháu nó ở nhà ngoan lắm” rất đúng với trường hợp của tôi.
Mỗi ngày đi học về, tôi thường hỏi con hôm nay có gì vui không, và thằng bé mặt sáng bừng lên kể lại bao nhiêu chuyện vui vẻ ở lớp. Bọn con có một ngày tuyệt vời! Bọn con chia phe đánh trận với lớp bên! Lớp con toàn thắng! Hôm nay lớp khác sang trêu các bạn gái, con dẫn đầu phe con trai ra bảo vệ các bạn mẹ ạ! Hôm nay con vừa tìm được 5 con ốc sên ở vườn, con và bạn P đã làm một cái nhà cho nó, con rất háo hức chờ đến ngày mai để xem nó đang sống thế nào trong cái nhà ấy!
Rồi khi hỏi đến những tội lỗi mà nó gây ra, nó cũng hào hứng kể lại bằng cái giọng vô cùng vô tư như thế.
“Bạn ấy bảo con là cậu vẽ vào áo tớ đi tớ thích thế, nên con vẽ theo ý bạn”.
“Vậy sao con ném cát vào mặt bạn?” - “Lúc đó con đang nghịch cát ở vườn trường và bạn ấy đi qua, con lỡ ném trúng vào bạn, bạn ấy khóc và con đã xin lỗi rồi”.
“Thế sao con lại đấm bạn gãy cả răng?” - “Đâu, răng bạn ấy lung lay mãi mà chẳng chịu rụng, lúc trưa bọn con đùa vật nhau rồi đấm nhau mấy cái, thế nào mà bạn ấy rụng luôn cái răng ra, còn thích quá cứ bảo tớ mong mãi, giờ cũng rụng rồi… “
Cứ thế, cứ thế, những câu chuyện được kể qua mắt thằng bé toàn là những sự vụ thú vị và đầy sự vui vẻ của tụi nhóc.
Tôi không bênh vực những trò đùa thái quá, vô tâm làm ảnh hưởng tới người khác của con. Tuy nhiên, khi bất đắc dĩ đứng ở trong vai một phụ huynh cá biệt, và lại hiểu khá rõ tâm tính con mình, tôi vẫn muốn đưa ra một lời bào chữa cho những đứa trẻ cá biệt - theo quy chuẩn thông thường ấy. Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ - ở buổi ban đầu, đều xuất phát từ một lý do trong sáng của mình trong mọi hành động chúng làm. Và dù kết quả là tốt hay xấu, cách để hiểu và kết luận vấn đề, phải là dành thời gian để hỏi thật kỹ, thật tường tận từng chi tiết trong câu chuyện, để biết rằng chúng nhìn nhận sự việc như thế nào. Sẽ có những thứ đúng và sai cần uốn nắn, nhưng có những thứ chỉ là sự thiếu kinh nghiệm, non nớt vô tư, chỉ cần bao dung hướng dẫn, những đứa trẻ sẽ hiểu và biết sửa mình. Không được thấu hiểu, sẻ chia, có một góc nhìn khoan dung từ sớm, chúng ta vô tình dần đẩy những đứa trẻ rời xa khỏi thế giới chung mà chúng đáng lẽ luôn thuộc về.
Và thế là, tôi luôn phải vào vai một mẹ gà xù lông. Cứ 5 giờ chiều, group Zalo lớp như một phiên tòa công khai, mà “bị cáo” (là tôi) và “bị hại” (các phụ huynh có con bị bắt nạt) nỗ lực tung các bằng chứng để chứng minh hay giảm thiểu thiệt hại cho “phe” mình. Khi bất đắc dĩ trở thành “bị cáo”, đứng ra bảo vệ con mình trong phiên tòa Zalo, tôi đành tự trang bị thêm kỹ năng bào chữa. Trước từng sự vụ, lỗi lầm con gây ra, tôi đều phải hỏi thật kỹ tình huống, hành động của từng bạn tham gia vào câu chuyện, và nhất quyết phải thể hiện quan điểm rõ ràng. Với những tình huống con sai hoàn toàn, tôi chân thành xin lỗi phụ huynh, cùng con giải quyết hậu quả, xin lỗi và “đền đáp” bạn. Với những tình huống con sai, nhưng xuất phát từ cái sai trước của bạn, tôi phải chia sẻ đủ thông tin và thể hiện quan điểm rõ ràng để bố mẹ bạn hiểu rõ, và sẽ không nhún nhường xin lỗi cho xong. Với những tình huống là sự đùa vui hoàn toàn của cả hai phía, tôi muốn bố mẹ bạn phải có sự chia sẻ và bao dung với trẻ con.
Có lẽ, tôi cũng trở thành một “phụ huynh cá biệt” trong mắt không ít người, nhưng để con được lớn lên với sự công bằng hơn, tôi vẫn cần bảo vệ con mình. Tất nhiên, tôi và cháu cũng không ít lần kỷ luật đầy nước mắt. Thậm chí còn tôi từng mếu máo: “Con thích học ở trường hơn, vì học ở trường mẹ chỉ mắng con một ngày (là vào ngày họp phụ huynh), còn học online ngày nào mẹ cũng mắng con”.
Sau tất cả, thực tế là con tôi có mối quan hệ rất tốt với các bạn cùng lớp, chúng thân thiện vui vẻ, các bạn cũng tỏ ra yêu quý cháu chứ không phải sợ hãi một cậu “đầu gấu”. Chẳng hạn có một lần, cháu kể với tôi: “Giờ ra chơi hôm nay bọn con phát hiện ra có 1 con chim nằm ở trong sân trường. Nó cố bay lên nhưng không bay được, chân nó bị quặp vào. Bọn con đã làm cho nó một cái tổ ở trên cây và đặt nó vào đó, một lúc thì trông nó có vẻ khoẻ lại. Bọn con rất là vui, bạn LA còn định hết giờ học nếu nó vẫn ở đó thì sẽ mang về nhà chăm sóc.
Đến chiều bọn con ra tổ thì không thấy nó, tức là nó đã khoẻ và bay đi rồi mẹ ạ. Bọn con vui lắm. Nhưng mà lúc tan học con đi bộ về thì con thấy nó nằm ở ngoài đường. Thì ra nó đã cố bay nhưng không được và nó chết mất rồi. Thế là bọn con đem nó đi chôn. Bạn LA bế nó lên. Các bạn trai thì đào một cái hố, còn các bạn gái thì nhẹ nhàng đặt con chim vào, rồi bọn con lấp đất lại. Bọn con buồn lắm. Nhất là bạn LA, bạn ấy buồn lắm mẹ à”
Câu chuyện kể liền 1 mạch của con khiến trái tim tôi thật ấm áp. Tuổi thơ thật đáng nhớ. Thật may mắn vì cuối cùng cháu đã có những kỷ niệm như thế. Con tôi trong lễ tổng kết cuối năm vừa rồi, đã nói với tôi: “Đi học thật tuyệt vời mẹ ạ! Con tiếc cho mẹ lắm vì mẹ là người lớn nên không được đi học như con”.
Năm học vừa rồi, cô giáo chủ nhiệm mới của con là một cô giáo khá tâm lý. Khi tiếp nhận lứa học sinh và nắm được những thông tin nền về từng đứa trẻ, cô để cho chúng tự thể hiện mình khá tự do và khuyến khích từng đứa trẻ. Bằng một kỳ tích nào đó, cậu bé học sinh cá biệt của tôi, bỗng nhiên trở thành một trong những học sinh nổi bật nhất lớp. Con chủ động xây dựng bài thuyết trình rất tốt, lên kế hoạch bài bản cho một dự án nghiên cứu của môn lịch sử và địa lý, tự thực hiện những sản phẩm thiết kế độc đáo cho lớp, xông xáo, năng nổ và tập trung trong mọi buổi học. Vẫn có những trò nghịch ngợm, nhưng tôi nhìn thấy rõ sự thay đổi của con mình. Sự tự tin của con khi được ghi nhận “mình là một học sinh tốt” đã khiến con bớt đi những trò nghịch ngợm vô ý, ưu tiên dành thời gian để thể hiện bản thân trên khía cạnh tốt đẹp hơn.
“Cá không thể leo cây, khỉ không thể bơi giỏi”, đó là điều mà cô giáo lớp 3 của cháu đã chia sẻ với phụ huynh trong buổi họp cuối năm.