• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam có phải bắt nguồn từ Trung Quốc?

Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự...

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã: Tết diệt sâu bọ . Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hoá phong phú. Không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hà Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Từ đó cho thấy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ đủ đầy và đẹp mắt của chị Tô Hưng Giang. Ảnh: FB Tô Hưng Giang
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ đủ đầy và đẹp mắt của chị Tô Hưng Giang. Ảnh: FB Tô Hưng Giang

Ở Việt Nam, ngày Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, khi kết thúc vụ lúa Chiêm, bước vào đầu vụ mùa. Đây là giai đoạn bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ.

Trong ca dao Việt Nam có câu: “Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là Tết Đoan ngọ của người Việt có liên quan gì đến Tết Đoan ngọ của người Trung Quốc và gắn với truyền thuyết Khuất Nguyên như lâu nay từng quan niệm?

Tết Đoan ngọ còn được người Việt gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa Năm” (cũng có nơi là gọi là Giữa Năm). Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác. Vậy tại sao lại gọi là Tết Nửa năm, trong khi theo tính toán như lịch âm hiện nay thì “nửa năm” ở đây phải rơi vào tháng 6 âm lịch?

Về tên gọi Tết Nửa năm, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan ngọ ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.

Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương.

Cơm rượu nếp là món ăn đặc trưng có thể
Cơm rượu nếp  là món ăn đặc trưng có thể "tiêu diệt" được sâu bọ và phổ biến ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam ở nước ta. Ảnh minh họa

Tác giả luận giải: Từ ngàn xưa đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gầy dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 2004).

Trong cuốn “Lễ tết Trung Hoa” của W. Eberhard (Chinese Festivals, N.Y. 1952) viết: “Đoan ngọ là tết của phương Nam, tết cầu may, tết của sự sống” (Double fifth is a Southern festival, lucky festival or festival of the living).

Tác giả Nghê Nông Thủy, thuộc Hội Dân tộc học Trung Quốc cũng thừa nhận: “Tết Đoan ngọ là cống hiến to lớn của người Bách Việt đối với văn hóa Trung Hoa” (Hội Dân tộc học Trung Quốc, 2011).

Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt. Về sau, cùng với việc xâm lấn và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam sông Dương Tử, Tết Đoan Ngọ được người Hán tiếp nhận và hưởng ứng. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau với các nhân vật như Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm…

Bánh tro có nhiều tên gọi khác nhau như bánh gio, bánh âm, bánh ú... với nhiều biến thể và hình dáng khác nhau, là món ăn không thể thiếu của người miền Nam và Nam Trung Bộ trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh minh họa
Bánh tro có nhiều tên gọi khác nhau như bánh gio, bánh âm, bánh ú... với nhiều biến thể và hình dáng khác nhau, là món ăn không thể thiếu của người miền Nam và Nam Trung Bộ trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh minh họa

“So với người Trung Quốc, người Việt Nam thiên hẳn về lối sống dân gian, tư duy tổng hợp - trừu tượng và truyền thống văn hóa truyền miệng đã giúp gìn giữ phong tục ngày tết này mà không cần thiết gắn liền với các nhân vật lịch sử. Ngược lại, Trung Quốc dân số đông, dân tộc đa dạng, việc chính thức hóa một phong tục dân gian bằng thao tác gắn chúng với các nhân vật lịch sử có chức năng tích cực, nhất là trong chức năng đại đoàn kết dân tộc” (trích An Nam phong tục sách, Mai Viên Đoàn Triển, NXB Hà Nội, 2008).

Nhìn lại lịch sử, Việt Nam đã tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là dòng “văn hóa quan phương” gắn liền với hệ tư tưởng Nho gia và hệ thống chữ Hán. Do chính quyền đô hộ thực hiện chính sách “đồng hóa”, một số phong tục, tập quán của người Việt bị bắt phải bỏ hoặc thay đổi cho phù hợp với văn hóa Hán. Điều này đã được chính sử sách Trung Hoa chép lại (xem thêm “Ngô chí”).

Sự giao thoa và du nhập tự nhiên cùng với chính sách “cưỡng bức văn hóa” của chính quyền đô hộ phương Bắc đã tạo nên một hệ quả tất yếu đó là hình thành diện mạo văn hóa có phần “mới” của Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử sau đó. Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ. Nó được gắn vào khung lý luận chính thống cùng các ý nghĩa, chức năng mang tính quan phương khác như “tưởng nhớ Khuất Nguyên”, “tưởng nhớ Ngũ Tử Tư”, “tưởng nhớ Trần Luận và Nguyễn Thiệu” và kéo dài trong suốt nhiều năm.

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay.

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật