Bếp than tổ ong hiện diện từ trong nhà ra ngoài ngõ, trên hầu khắp các tuyến phố của Hà Nội. Chỉ thị mới đây có lẽ sẽ khó được chấp nhận ngay vì bếp tổ ong đã quá quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, từ bỏ một thói quen gây hiểm họa khôn lường lên sức khỏe và môi trường là việc đáng phải làm.
Bếp tổ ong, hình ảnh quen thuộc của Hà Nội. |
Bếp tổ ong, một phần cuộc sống người dân Hà Nội
Dạo quanh những tuyến phố chính hay những ngõ nhỏ không thể đếm xuể có bao nhiêu lò than đỏ lửa được để trần trụi hoặc quây sơ sài bằng những tấm bìa trên khắp các vỉa hè, dưới gốc cây, chân cột điện, thậm chí ngay dưới lòng đường.
Nguy hiểm hơn khi các bếp than này lại được đặt gần nguồn điện, động cơ chứa xăng và các vật liệu dễ cháy. Nhiều hộ gia đình để bếp than đang cháy ngay cạnh những chiếc xe máy cũ, đã han gỉ và rò rỉ xăng hay vô số bếp than đặt ngay lối ra vào của các khu tập thể cũ - nơi có rất đông người qua lại.
Đáng nói là, ở các khu vực tập trung đông dân cư như bệnh viện, trường học, sự xuất hiện của các bếp than vỉa hè có mật độ dày đặc hơn. Vào giờ tan tầm, tại những tuyến phố kinh doanh hàng ăn uống, hầu như cửa hàng nào cũng sử dụng một, hai bếp than chùm (3 viên trong một bếp) để nấu nướng. Không những thế, để đảm bảo hàng được nóng sốt, một số người bán hàng rong còn gánh theo cả những bếp than tổ ong bên trên có chảo mỡ hoặc nồi nước đang sôi sùng sục.
Cả bếp và than đều độc
Cả bếp và than đều độc. |
Hiện nay, hầu hết người dân sử dụng bếp than tổ ong đều dùng bếp bông (làm bằng bông chịu nhiệt) vì nhiều ưu điểm: nhiệt ích cao trên 55%, siêu nhẹ, siêu tốc, nhiệt độ cháy cao, có thể đạt tới 1.300oC. Nhìn bề ngoài, loại bếp bông được quảng cáo là “siêu nhẹ, siêu bền” cũng giống như các loại bếp than tổ ong khác. Nhưng lớp giữa của thân bếp được chèn bằng bông (bông thủy tinh ceramic, hay bông amiăng), lớp trong cùng là vữa thông thường. Nhà sản xuất bếp than sử dụng bông với mục đích để giữ nhiệt nhưng vấn đề lại ở chỗ, họ chỉ trát qua một lớp vữa xi măng cứng mỏng (để định hình ban đầu).
Khi đun, lớp vữa trát sẽ nhanh chóng bong ra, để lộ rõ bông thủy tinh và dễ bị than cọ xát làm gãy vụn, nhiệt độ cao bào mòn gây rỗng dần ruột lò với tốc độ khá nhanh. Lúc đó, các hạt bụi hình que cắm sâu vào niêm mạc cơ quan hô hấp gây nên một loạt bệnh về hô hấp, tiêu hóa như: viêm phế quản mạn tính, làm hạn chế không khí do hẹp đường thở, xơ hóa ống tiểu phế quản, ung thư đường hô hấp, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa...”.
“Sát thủ vô hình” lên sức khỏe và môi trường
Than tổ ong là hiểm họa tiềm ẩn gây ra nhiều tác hại lên sức khỏe và môi trường. |
Than tổ ong cũng là than đá nhưng chủ yếu là dạng than cấp thấp, người ta mang về trộn với bùn và chất khác tạo ra than tổ ong để đốt, khi đốt, than cháy sinh ra nhiệt lượng, đồng thời phát thải một số hợp chất độc hại ra môi trường.
Khi đốt than tổ ong cũng tạo ra những hợp chất hữu cơ độc hại khác, có khả năng gây tử vong như metan, benzen và các hợp chất hữu cơ nhân thơm rất độc hại và có khả năng gây ung thư, gây ảnh hưởng nhiều đến cơ quan hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, thậm chí nặng hơn có thể gây ra bệnh phổi tắc nghẽn, phù nề, ung thư thanh quản.
Ảnh hưởng của than tổ ong đến sức khỏe con người:
+ Gây ngộ độc khí than tổ ong (do trong than có khí độc SO2, NO2, CO...)
+ Tác nhân gây viêm phổi, viêm phế quản, ung thư phổi...
+ Đốt than tổ ong trong phòng kín có thể gây ngạt dẫn đến chết người.
+ Phụ nữ mang thai nếu thường xuyên sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than sẽ có nguy cơ bị sẩy thai, thai bị biến dạng rất cao.
+ Bông giữ nhiệt (sử dụng làm bếp) cũng có thể gây ung thư đường hô hấp cho người sử dụng hoặc vô tình hít phải.
+ Gây cháy nổ và những tai nạn đáng tiếc cho trẻ nhỏ.
+ Gây ô nhiễm môi trường…
Nhiều vụ cháy xuất phát từ việc sử dụng bếp than tổ ong thiếu thận trọng. |
Kết quả thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, nhiều vụ cháy đều xuất phát từ việc sử dụng bếp than tổ ong thiếu thận trọng, trong đó mỗi năm có khoảng 10 vụ cháy xe máy do đặt cạnh bếp than.
Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào cũng có hàng chục trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí than phải điều trị, không ít trường hợp tử vong. Từng xảy ra ca ngộ độc khí than quá nặng do thời gian thiếu không khí và hít phải khí CO lâu quá dẫn tới mất phản xạ ở vỏ não, phải sống đời sống thực vật.
Trong bối cảnh Hà Nội vừa trải qua những đợt ô nhiễm nặng nề về không khí, nước, hỏa hoạn... chỉ thị "xóa sổ" than tổ ong của UBND thành phố Hà Nội sẽ góp phần đem lại môi trường trong lành hơn cho người dân Thủ đô.