Với hai chú linh vật “bé thanh long" màu hồng đứng nhảy múa, cộng với lời bài hát ám ảnh, MV quảng cáo mì thanh long đã trở thành thế lực viral khắp mạng xã hội những ngày vừa qua. Trước đó, ông Lê Quang Huy - chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Caty Food (đơn vị sở hữu thương hiệu mì thanh long) cũng bày tỏ ngỡ ngạc tới vỡ oà cảm xúc khi bỗng dưng sản phẩm được đón nhận.
Trước sự xâm chiếm khắp cõi mạng của mì thanh long Caty, nhiều người có kinh nghiệm làm Marketing lâu năm đã đưa ra chia sẻ thú vị về trường hợp này. Đó là:
- Anh Phùng Hải Long: Giám đốc Make Believe Agency, có hơn 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing.
- Anh Hạ Hồng Việt: Founder CTCP truyền thông và chiến lược Sellator, có hơn 10 năm làm Marketing Truyền thông Thương hiệu.
- Anh Phùng Thái Học: Founder group “Tâm sự con sen” nổi tiếng, CEO của một agency và có 12 năm kinh nghiệm Digital Marketing và Content Marketing
Từ trái qua phải: anh Phùng Hải Long, anh Hạ Hồng Việt, anh Phùng Thái Học |
Nhìn thấy gì từ sự thành công của câu hát “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm?”
Bài Ca Mì Thanh Long với câu hát viral “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm” đã bước đầu tạo nên ảnh hưởng tích cực cho hoạt động truyền thông và kinh doanh của Caty. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ sản phẩm chưa được biết đến rộng rãi, mì tôm thanh long của Caty trở thành cái tên quen thuộc với số đông người tiêu dùng.
Anh Hạ Hồng Việt (Founder CTCP truyền thông và chiến lược Sellator) bày tỏ nếu chỉ xét riêng khía cạnh truyền thông, thành công của mì tôm thanh long là điều mà “rất nhiều doanh nghiệp cũng chỉ thèm muốn được như vậy".
Anh chia sẻ: “Với một mức chi phí thấp, một bài hát đơn sơ, một vài clip trên kênh TikTok vậy mà đã tạo ảnh hưởng rộng khắp trên mạng xã hội và báo chí. Chưa xét đến khía cạnh doanh thu, thì về mặt truyền thông, để người ta biết đến mì thanh long, tôi đánh giá kết quả đạt được rất tốt”.
Đồng quan điểm, anh Phùng Hải Long (Giám đốc Make Believe Agency) nhận định: “Nhìn 1 cách tích cực thì mì tôm thanh long Caty đã gặt hái được những kết quả có lẽ ngoài sức tưởng tượng của doanh nghiệp khi thực hiện MV ca nhạc đó. Từ hiệu ứng viral thật sự bùng nổ, nhận diện thương hiệu mì Caty đã lan tỏa đến hàng triệu người dùng, và rất nhiều trong số đó đã bị tò mò và tìm mua thử sản phẩm. Bằng chứng là số lượng đơn hàng online trên các sàn đã tăng đột biến đến mức doanh nghiệp thông báo bị ‘quá tải’”.
Từ góc nhìn của anh Hải Long, trong ngắn hạn, việc có 1 viral clip, tạo hiệu ứng lan tỏa trên truyền thông l thành công lớn. Tuy nhiên nhìn xa hơn, mì tôm thanh long Caty vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tiếp nối đà thành công, duy trì sự tăng trưởng doanh thu bền vững.
Hiện nay, thị trường mì ăn liền Việt Nam vô cùng khốc liệt với nhiều đối thủ cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước. “Và trong cuộc chiến tồn tại trên thị trường, các thương hiệu không chỉ cần có truyền thông viral", anh Hải Long nhấn mạnh.
Anh Hải Long: "Trong cuộc chiến tồn tại trên thị trường, các thương hiệu không chỉ cần có truyền thông viral" |
Tiếp nối câu chuyện, anh Phùng Thái Học (Founder group “Tâm sự con sen) cũng cùng quan điểm thương hiệu Caty vừa đạt được một chiến thắng lớn trên mặt trận truyền thông. Tuy nhiên, anh cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá Caty đã thành công hay chưa về mặt Marketing hay làm Branding cho thương hiệu.
“Từ làm viral để xã hội biết tới thương hiệu đến việc gia tăng doanh số bán hàng hoặc tạo ra tình yêu với thương hiệu là một hành trình còn rất nhiều khó khăn. Viral chỉ là chiến thắng trên mặt trận truyền thông, không phải là cả cuộc chiến”, anh Thái Học nói thêm.
Cứ làm MV quảng cáo “vô tri" là nhanh chóng viral?
Trên nền nhạc Bài Ca Mì Thanh Long, hai chú linh vật “bé thanh long” màu hồng đứng nhảy múa, cộng với lời bài hát “gây ám ảnh" nhưng cũng đủ khiến MV quảng cáo mì tôm thanh long Caty nhanh chóng trở nên viral khắp mạng xã hội.
Trái với sự xuất hiện của nhiều clip đầu tư bài bản, hiệu ứng được sử dụng trong Bài Ca Mì Thanh Long khá đơn giản, thậm chí bị nhiều người đánh giá là “vô tri", haymột MV quảng cáo chỉ được làm với ngân sách “200 ngàn đồng”.
Thực chất, MV quảng cáo viral này là một ứng dụng điển hình của Lo-fi Marketing (một chiến lược Marketing tập trung vào việc tạo ra các hình ảnh, video hoặc văn bản có chất lượng không hoàn hảo, hay thậm chí là chất lượng thấp). Đây là cách làm Marketing nổi bật, được nhiều thương hiệu đặc biệt ưa chuộng trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ sau Covid-19.
Cũng vì thế, nhiều người Marketing từng thắc mắc: Tại sao việc sản xuất các nội dung truyền thông tưởng như được sản xuất thiếu chỉn chu, trong điều kiện ít kinh phí lại có thể dễ dàng tạo nên viral hơn nội dung truyền thông được đầu tư bài bản, làm hình ảnh rõ nét?
MV quảng cáo Bài Ca Mì Thanh Long bị đánh giá là hiệu ứng đơn giản, ca từ "vô tri" |
Trả lời câu hỏi này, anh Thái Học cho rằng yếu tố “khác biệt", đi ngược lại với số đông chính là cái cách để Lo-fi Marketing, cũng như MV quảng cáo của mì tôm Caty tạo được hiệu ứng lan tỏa nhanh chóng trên truyền thông.
“Trong một xã hội mà tất cả mọi người đều đi bằng chân thì người đi bằng tay sẽ được chú ý. Đó là cách mà dư luận xã hội vận hành.
Để có một ấn phẩm viral, chúng ta phải chú trọng vào chữ ‘cực’. Cực đẹp, cực xấu, cực hay, cực dở, cực phèn,... Miễn là gắn được với chữ ‘cực’, thì cực tệ cũng là một cách để một ấn phẩm trở nên nổi bật giữa 1 rừng các ấn phẩm truyền thông na ná nhau về chất lượng. Và ở đây, rõ ràng Caty đã chiến thắng vì họ làm ra được một ấn phẩm cực kỳ vô tri.
Tuy nhiên, các chiến thắng như mì Caty vẫn chỉ là số ít. Có hàng trăm hàng nghìn các hoạt động Lo-fi Marketing kiểu như vậy diễn ra hàng ngày nhưng không được chú ý đến. Có lẽ các hoạt động đó chưa đủ ‘cực’. Và chúng ta cũng không nên lấy đây làm một tiêu chuẩn cho các hoạt động truyền thông trong tương lai. Vì ngoài các yếu tố chuyên môn về viral, nhãn hiệu cần rất nhiều may mắn mới có thể đạt được kết quả như case lần này’.
Lo-fi Marketing đang được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng bởi mang lại cảm xúc chân thực, gần gũi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Lo-fi Marketing cũng giúp nhãn hàng tiết kiệm chi phí, đặc biệt cần thiết giữa bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của anh Hồng Việt, chúng ta không nên nhầm lẫn rằng doanh nghiệp cứ làm marketing chi phí thấp là sẽ thành công. Anh giải thích: “Bởi vì có rất nhiều video chỉ vài trăm, vài nghìn view sẽ không lên trang xu hướng của ai cả, và không được ai biết đến. Còn khi nó vô tình thành trend, thì lại được sự hậu thuẫn rất nhiều của các nền tảng cũng như đến từ việc bắt trend của các creator khác.
Đôi khi, ‘hiệu ứng hào quang’ có thể làm chúng ta nhìn vào vài chiến dịch kinh phí nhỏ, hiệu quả lớn mà cho rằng đó là chân lý. Làm kinh phí nhỏ hay to cũng đều có rủi ro thất bại, quan trọng là phải phù hợp và khai thác đúng nguồn lực của doanh nghiệp.”
Nguồn: @tonyaiart |
Mang tính hài hước, tạo cảm giác chưa hoàn hảo vào trong MV quảng cáo chính là một ứng dụng điển hình của Lo-fi Marketing. Đây cũng là yếu tố khiến viral clip của mì tôm Caty khiến người xem không thể ngừng bấm nút replay.
Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp nào cũng nên mang tính chất này vào ấn phẩm truyền thông của mình hay không, đặc biệt là các thương hiệu xa xỉ - một cuộc chơi mà đòi hỏi sự chỉn chu trong tất cả khâu truyền thông.
Với anh Hải Long, không chỉ các thương hiệu bình dân mới phù hợp áp dụng chiến lược Lo-fi Maketing. Nhiều thương hiệu lớn cũng đã mang yếu tố hài hước, chưa hoàn hảo vào các chiến dịch truyền thông, nhờ đó đạt được thành công vang dội.
Trong khi đó, anh Hồng Việt bày tỏ nhận định: “Thương hiệu xa xỉ cần cân nhắc cẩn thận. Nhiều người biết đến thì cũng có nghĩa là sẽ có dư luận trái chiều. Trong khi brand cao cấp để chuyển đổi được ra tiền thì cần nhiều yếu tố hơn là người ta biết đến.
Việc xuất hiện ở đâu, xuất hiện với ai và vào lúc nào cũng rất quan trọng. Không phải tự nhiên Louis Vuitton chi tiền đậm chỉ để xuất hiện như 1 chiếc vali trong đó có chiếc cúp bóng đá danh giá nhất thế giới - World Cup. Họ chỉ cần xuất hiện trong khoảnh khắc được cả thế giới tập trung theo dõi. Bởi lẽ trong thế giới thời trang xa xỉ, càng ít càng tốt.”
Nguồn: @tonyaiart |
Làm thế nào để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng “chết yểu” sau khi có viral clip?
Một chiến dịch quảng bá thành công không thể thiếu đi tính viral. Thế nhưng mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp không phải là sản xuất ra các content triệu view mà cần phải bán được hàng và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Thực tế tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp là chủ nhân của những dự án truyền thông, marketing tạo hiệu ứng lan tỏa lớn. Song họ vẫn phải ngậm ngùi rời khỏi thị trường vì không chiến thắng được các đối thủ cạnh tranh.
Nhìn từ trường hợp thành công về mặt truyền thông hiện tại của mì Caty, cả anh Hải Long và anh Hồng Việt đều cho rằng thương hiệu này cần làm nhiều thứ hơn trong tương lai, bên cạnh việc sáng tạo các viral clip.
Anh Hồng Việt tiếp tục chia sẻ: “Về việc tận dụng sự chú ý của công chúng, thì thương hiệu phải có những chiến dịch tiếp theo để tiếp tục ‘chuyển đổi’ họ.
Thay vì chỉ biết đến, thì giờ khách hàng có thể phát sinh nhu cầu, tìm hiểu, cân nhắc, ra quyết định và tiếp tục ủng hộ sản phẩm, cũng như thương hiệu sau đó. Ví dụ, Caty có thể làm bao bì Tết và đẩy chiến dịch ‘Mì Thank Long - Cảm ơn và chào đón năm Rồng 2024’ sắp tới. Hoặc cũng có thể có những chiến dịch đánh vào công năng sản phẩm, hoặc đẩy sản phẩm gắn liền với yếu tố văn hóa bản địa như kêu gọi người Việt ủng hộ nông sản Việt….
Đồng thời, việc xuất hiện ở nhiều kênh bán trước khâu truyền thông cho sản phẩm cũng rất quan trọng. Bởi để người ta biết đến thương hiệu rất nhiều mà trong khi ra quầy tạp hóa hay siêu thị cũng rất khó để tìm mua sản phẩm thì mình đã làm vuột mất nhiều cơ hội.
Tôi thấy nhiều bình luận trên cộng đồng là chỉ đặt được trên thương mại điện tử, ra siêu thị không có. Nếu mì thanh long mà được phủ sóng ở nhiều kênh phân phối hơn thì kết quả doanh thu còn tốt hơn nữa. Đương nhiên, cũng phải nhìn lại đây là một pha thành công có phần may mắn và không được lên kế hoạch từ trước”.
Thương hiệu mì thanh long còn phải làm nhiều thứ hơn, bên cạnh việc sản xuất các viral clip |
Anh Hải Long cũng chia sẻ quan điểm mang tính xây dựng: “Người dùng hiện tại rất thông minh và thực tế, họ sẽ lựa chọn các sản phẩm thật sự mang lại giá trị và tối ưu lợi ích của họ. Nhất là với các sản phẩm dịch vụ thiết yếu như mì ăn liền thì cái nào rẻ hơn, tốt hơn, tiện hơn thì họ sẽ chọn thôi, chứ họ không chọn vì nó quảng cáo hay.
Theo tôi, với mì Caty, họ cần tìm giải pháp cho kênh phân phối và tối ưu giá thành sản phẩm. Hiện tại người dùng rất khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm, chỉ có thể mua online với phí ship khá cao và thời gian chờ đợi lâu. Cộng với giá thành sản phẩm cũng là một rào cản với số đông người dùng”.