"Cô dâu sinh sống ở xã Mường Phăng, chúng tôi sẽ vào nhà người này để nói chuyện và làm việc, còn chú rể sống ở xã Thanh Nưa, chúng tôi không liên lạc được", đại diện nhà hàng nói.
Cơ quan công an đã tìm được người liên quan đến vụ "bom" 150 mâm cỗ. |
Cùng ngày, thượng tá Vũ Xuân Dương, Trưởng Công an TP. Điện Biên Phủ cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn trình báo của chủ nhà hàng, theo Đời sống & Bạn đọc.
"Hiện chúng tôi đang vào cuộc xác minh. Bước đầu đã xác định được những người liên quan đến vụ việc này, khi nào có thông tin cụ thể chúng tôi sẽ thông báo sau", thượng tá Vũ Xuân Dương nói.
Trước đó, chiều 30/9, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về một nhà hàng ở TP. Điện Biên Phủ bị bom 150 mâm cỗ cưới gây xôn xao.
Theo chia sẻ, nhà hàng đã hỗ trợ dựng rạp ngoài đường, chuẩn bị mâm cỗ theo đúng kế hoạch. Đến khoảng 11h30 trưa cùng ngày, cô dâu, chú rể và quan khách 2 bên không xuất hiện. Chủ nhà hàng nhận được thông báo phía khách hàng rằng sẽ dời cỗ cưới xuống 14h chiều. Nhưng đến thời điểm này, vẫn không thấy một ai.
Bất lực, phía nhà hàng đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, kêu gọi người dân giải cứu 150 mâm cỗ, giảm giá từ 1.500.000 xuống còn 500.000 đồng.
Vụ việc xuất hiện trên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao. |
Đại diện nhà hàng cho biết, do gia đình cô dâu, chú rể là khách hàng quen, nên không bắt đặt cọc trước. Tổng số tiền 150 mâm cỗ trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng.
Lãnh đạo UBND phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết, hiện chủ nhà hàng đang làm việc với bên công an phường.
"Nhận được tin báo của người dân, chúng tôi đã có mặt giúp đỡ. Hiện, công an phường vẫn đang giải quyết vụ việc", ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch phường Mường Thanh nói.
Luật sư Phạm Tuấn Anh, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh nhận định việc đặt cỗ cưới với nhà hàng được coi là một giao dịch hợp đồng . Tuy trong trường hợp này, hai bên không thành lập văn bản, giao dịch đã xảy ra và phát sinh quyền, nghĩa vụ các bên, theo Đời sống & Pháp Luật.
Nếu khách hàng và nhà hàng thừa nhận có giao dịch thì đều phải chịu trách nhiệm khi có lỗi gây thiệt hại, dù có giấy đặt cọc hay không.
Luật sư Phạm Tuấn Anh nhận định, vụ việc này cũng có thể do chủ nhà hàng cả nể, tin người quen mà không lập hợp đồng dịch vụ. Do đó, bây giờ có tranh chấp mà phía khách hàng không thừa nhận các nội dung liên quan thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về phía nhà hàng.
(Tổng hợp)