Vụ việc một cô gái khẳng định mình bị tát khi mặc cả mua hàng tại một ki-ốt thuộc chợ Nhà Xanh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Từ vụ việc trên, nhiều người đã chia sẻ những kỉ niệm không mấy vui vẻ khi đi mua sắm ở một số khu chợ lớn của Hà Nội.
Những pha "quay xe" đột ngột của người bán
Chị Phạm Thu Hằng (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể rằng, bản thân chỉ mua đồ một lần duy nhất ở chợ Nhà Xanh và không lần nào dám quay trở lại.
Ngày mới lên Hà Nội thuê trọ học đại học, chị Hằng được bạn bè giới thiệu chợ Nhà Xanh là "thiên đường mua sắm" của sinh viên nên đã rủ một người bạn cùng đi chợ. Khi vào một quầy hàng hỏi chiếc áo sơ mi trắng, chị nghe người bán nói giá 250.000 đồng. Thấy giá tiền khá cao nhưng chất áo không đẹp, chị Hằng liền cùng bạn cảm ơn rồi rời đi.
Tuy nhiên, chị bị chủ hàng kéo lại bắt trả giá bằng được và bắt mua với lý do "người này chưa mở hàng". Cùng lúc, vài người bán hàng xung quanh cũng hùa vào dùng những từ ngữ rất nặng nề tạo sức ép. Cuối cùng, chị đành phải mua chiếc áo với giá 200 nghìn đồng dù bản thân không cảm thấy ưng ý.
Sau này kể lại với bạn bè, chị Hằng vẫn gọi đó là "trải nghiệm ác mộng" những ngày vừa đặt chân tới Thủ đô.
Học tập tại một ngôi trường gần chợ Nhà Xanh, Lê Huỳnh Đức cũng từng đến chợ tìm mua quần áo, giầy dép tại đây.
"Có lần tôi cùng bạn gái đi chợ và hỏi giá một bộ đồ. Tôi xem kỹ, mới hỏi và sờ thử chất. Thấy giá quá "chát" so với chất liệu, tôi liền rời đi. Đi được vài bước đã nghe thấy chị chủ hàng văng tục, lôi cả họ nhà tôi ra chửi.
Tuy nhiên, khi đi đến một hàng khác, tôi thấy người bán hàng tư vấn rất nhiệt tình, nói luôn giá để tôi cân nhắc. Có hàng còn nói cho đổi trả, chỉ cần giữ nguyên tem mác", Đức cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chợ Nhà Xanh thường được nhiều người gọi là "chợ sinh viên" vì hàng hóa bày bán chủ yếu là quần áo, túi xách, giầy dép, linh kiện điện thoại… với kiểu dáng, phong cách trẻ trung phù hợp với giới trẻ. Giá bán khá rẻ. Hàng hóa chủ yếu được nhập từ Trung Quốc hoặc hàng gia công…
Tại khu chợ này, một số ít quầy hàng in sẵn giá các sản phẩm có giá trị thấp như áo giữ nhiệt, quần tất, tất chân... Một số chủ hàng cũng in tấm biển "không mặc cả", đa phần còn lại các mặt hàng được bán qua mặc cả giữa người bán và người mua.
Hàng hóa tại đây giá khá rẻ, lượng khách dồi dào nhưng khu chợ này thường bị nhiều người phản ứng là hay hét giá, người bán thiếu tôn trọng khách hàng, bán hàng theo kiểu bắt ép khách mua bằng nhiều chiêu trò.
Ít năm trước, từng có vụ một sinh viên viết bài cảnh báo rằng mình bị tiểu thương trẻ ở chợ này hành hung khi hỏi mua giầy.
Còn chị Trần Thị Tố Linh (25 tuổi) thì kể lại rằng, một lần chị hỏi mua chiếc áo khoác gió ở khu chợ này. Sau khi thỏa thuận giá cả và lựa chọn màu sắc, chị mới thử áo. Vì thử thấy áo size M bị rộng nên chị yêu cầu người bán đổi size S.
Người bán nói rằng, áo size S để trong kho gần đó, nếu chắc chắn mua thì họ mới đi lấy. Vì đã ưng giá tiền và màu sắc nên chị Linh nói mình chắc chắn sẽ mua.
"Tôi đợi một lúc thì thấy người bán quay lại với một chiếc áo tương tự trên tay. Tôi thử thì thấy áo vẫn rộng như vậy. Tôi đoán rằng, họ đã lấy chiếc mác size S gắn vào chiếc áo size M. Sau một hồi đôi co, tôi quyết định không mua nữa dù chị ta liên tục chửi mắng "Làm mất thời gian của… mày…". Tôi nghĩ, nếu mình không "rắn" thì cũng đã bị chủ hàng chèn ép rồi".
Cách chợ Nhà Xanh không xa là khu chợ Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Nơi đây tập hợp nhiều hàng ăn ngon - bổ - rẻ và rất nhiều hàng quần áo, giầy dép thời trang.
Bên cạnh những tiểu thương niềm nở, vui tính thì cũng có một số người bán hàng thường tỏ rõ thái độ không vừa ý nếu khách xem hàng nhưng lại không muốn mua.
"Tôi từng bị một cô bán hàng quần áo "đốt vía" ngay giữa buổi chiều sau khi mặc cả rồi không mua hàng", chị Lê Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại.
Nhiều người khi được hỏi đều khẳng định, họ thường xuyên bị lườm nguýt hoặc chứng kiến thái độ "quay xe" đột ngột của chủ các hàng quán khi đi mua sắm tại nhiều khu chợ ở Hà Nội.
Chị Nguyễn Thu Trang (An Khánh, Hoài Đức) kể: "Có lần tôi đi chợ Hà Đông mua quần áo. Khu chợ này vừa bán buôn, vừa bán lẻ, nếu khéo mua thì sẽ lựa được nhiều đồ đẹp, giá cả phải chăng.
Hôm ấy, khi vào một cửa hàng hỏi mua áo cho mẹ tôi, người chủ tiếp đón rất niềm nở, giới thiệu nhiều mẫu. Tuy nhiên, khi thấy họ nói giá 500.000 đồng/chiếc áo ngắn tay, tôi thấy đắt nên không trả giá. Tôi lịch sự cảm ơn rồi rời đi. Người chủ liền lườm nguýt rồi nói với giọng vô cùng khó chịu rằng: "Không mua mà hỏi lắm thế".
Theo chị Trang, hàng hóa tại nhiều khu chợ ở Hà Nội rất đa dạng, phong phú, nhiều thứ không thể tìm mua được ở trong các siêu thị. Hơn nữa, đi chợ mua sắm với chị đôi khi như một chuyến đi chơi vì vừa có thể mua sắm đồ, vừa được ăn các món ăn vặt truyền thống.
Tuy nhiên, chị thường rất ngại trả giá hoặc cảm thấy mất hứng khi không may gặp phải những tiểu thương có máu "côn đồ", hành xử thiếu văn minh. "Có những món hàng giá chỉ bằng 50-60% so với giá nói thách ban đầu. Chính vì vậy, nhiều khi mua xong nhưng tôi vẫn thấp thỏm, không biết mình có bị hớ không", chị Trang nói.
Quyền nói thách và quyền mặc cả là như nhau
Việc nói thách - trả giá vốn là một thói quen trong hoạt động mua bán, kinh doanh tại các khu chợ truyền thống. Chủ các hàng quán cũng có nhiều tích cách khác nhau. Nhiều người nhẹ nhàng, niềm nở, vui vẻ, nhưng cũng không ít người mang đậm phong cách "chợ búa" bán hàng như "ngồi trên thiên hạ".
Nhiều người cho rằng, đây là thói quen cần loại bỏ bởi thói quen này là tiền đề cho nhiều hành vi xấu xí như chặt chém, bắt chẹt, thậm chí dẫn tới các vụ xô xát, cãi vã, đánh nhau...
Liên quan đến ý kiến này, trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học cho hay, nói thách - mặc cả là chuyện bình thường trong giao tiếp thương mại, chợ búa. Không chỉ riêng Việt Nam mà có rất nhiều nước cũng có thói quen này. Chẳng hạn như ở vùng Trung Á, người bán thậm chí có thể nói thách cao tới cả trăm lần.
Khi mua bán, hai bên sẽ có sự trao đổi để đi đến thỏa thuận về giá cả. Nếu cả hai bằng lòng thì hoạt động mua bán hàng hóa sẽ diễn ra. Quyền nói thách và quyền mặc cả là như nhau.
Người bán có quyền đưa ra một mức giá để người mua tiếp cận được mức giá đó. Người mua thì có quyền xem xét món hàng mình cần mua, tự chọn một mức giá để thương lượng.
Theo PGS Phạm Văn Tình, nếu việc nói thách - mặc cả dẫn tới xô xát, cãi vã thì là do văn hóa ứng xử của mỗi người. Nếu chỉ đơn thuần là mặc cả thì sẽ không ai phải "đụng chân đụng tay" với nhau.
Tuy nhiên, có thể trong qua trình giao tiếp qua lại, đôi bên có những lời lẽ, hành động gây bức xúc cho nhau. Người mua có thể có hành vi, thái độ khiến người bán không vừa lòng.
Hoặc người bán vì văn hóa kém, hiểu biết kém, nhiều khi có những lời nói thô tục, miệt thị… người mua. Đôi khi họ tạo sức ép, tìm đủ mọi chiêu để cho người mua buộc phải bỏ tiền mua món hàng. Nếu người mua vội vã, không nắm được thông tin được thì sẽ bị hớ. Đó là những điều rất đáng tiếc.
Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng cần có sự quản lý, kiểm tra thường xuyên của ban quản lý chợ hay các cơ quan chức năng để việc mua bán diễn ra văn minh, không dẫn tới những vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng tới hình ảnh, văn hóa Thủ đô.