Cho tới thời điểm hiện tại, kết quả kiểm tra xác định Vĩnh Phúc có một học sinh lớp 10 dương tính với nCoV. Đây là em gái của bệnh nhân N.T.D, đã xuất viện; hai giáo viên của Trường Tiểu học Gia Khánh B (Bình Xuyên) có chồng tiếp xúc trực tiếp với người dương tính nCoV; bốn học sinh của Trường Mầm non Minh Quang là cháu ruột đã tiếp xúc với người dương tính nCoV; một học sinh của Trường THCS Sơn Lôi tiếp xúc với người dương tính nCoV. Vĩnh Phúc đã ghi nhận 10 ca dương tính với Covid-19, trong đó ba ca đã được xuất viện.
Giáo viên Trường Mầm non Cao Minh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) vệ sinh, sơn sửa lại lớp học. |
Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 50 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly, giám sát; gần 250 trường hợp có liên quan, tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính với Covid-19. Trong đó có 38 học sinh tại vùng dịch Vĩnh Phúc ho, sốt và khó thở.
Tuy nhiên, vào lúc "dầu sôi lửa bỏng", dịch bệnh vẫn đang hoành hành theo chiều hướng không mấy khả quan thì vào ngày 10/2, Bộ Y tế đã có công văn trả lời Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc học sinh có nên nghỉ học phòng dịch corona. Theo Bộ Y tế: vùng không có dịch học sinh có thể đi học sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp.
Mặc dù Bộ Y Tế chỉ đưa ra khuyến nghị chứ không phải bắt buộc, và đã có hướng dẫn các địa phương, trường học về cách thức phòng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm do Covid-19, nhưng khi nghe thông tin này, hầu hết phụ huynh đều cảm thấy... khó hiểu và vô cùng lo lắng. Dù khi con trẻ ở nhà, họ hết sức khổ sở vì phải nhờ ông bà trông con, gửi con về quê, thậm chí cha mẹ phải thay phiên nhau xin nghỉ phép ở nhà, phó mặc con cho...điện thoại, ipad.
Vì sao phải gấp gáp cho trẻ trở lại trường như vậy? Học chậm 1 tuần, 1 tháng thậm chí vài tháng thì trẻ sẽ mất gì? Người lớn chúng ta đang mạo hiểm với sự an nguy của trẻ, của cộng đồng vì điều gì? Chúng tôi, những người làm cha - làm mẹ, thật sự không tài nào lý giải được!
Bộ y tế yêu cầu các trường học khử trùng "tất tần tật" : “Đối với các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho các cháu”. Nhưng xin thưa, có khử trùng cỡ nào cũng không thể an toàn. Bởi vi-rút Corona lây lan qua tiếp xúc và qua cả đồ vật cầm nắm như vòi nước, mặt bàn, tay nắm cửa… Trong khi đó, trẻ nhỏ chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh tốt, lại sinh hoạt tập thể, ăn ngủ cùng nhau với khoảng cách rất gần...lấy gì để đảm bảo an toàn đây? Hơn nữa, theo nghiên cứu mới công bố ngày 9/2 cho thấy, thời gian ủ bệnh của Covid-19 là 3 ngày và dài nhất là 24 ngày.
Chỉ cần một vài đứa trẻ từng vô tình tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì thú thật, không thể tưởng tượng được điều tệ hại gì sẽ xảy ra sau đó.
Tại sao lại nghĩ "lạc quan" rằng, những tỉnh chưa có dịch là an toàn? Trong khi hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã dời lịch học của học sinh, sinh viên để phòng ngừa việc lây lan dịch bệnh.
Các trường đón học sinh trở lại khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn và theo như nhận định của ngành y tế, thì không chỉ phòng, chống duy nhất dịch Covid-19, mà trong thời điểm này, cũng là mùa của các dịch bệnh thủy đậu, cúm, quai bị…
Không thể không lo!
Phun hóa chất khử trùng trước khi học sinh đến lớp học. |
Trường hợp ca nhiễm bệnh mới nhất tại Việt Nam làm một em bé mới 3 tháng tuổi. Ca bệnh cũng đánh dấu việc Covid-19 bắt đầu lây sang thế hệ F3. Tức là, bà ngoại của cháu bị lây nhiễm từ một bệnh nhân, sau đó cháu tiếp tục bị lây nhiễm từ bà ngoại. Tương tự, nếu một em học sinh nhiễm bệnh, về lây lan cho cả gia đình, hàng xóm... nguy cơ sức khỏe cộng đồng thật sự bị đe dọa.
Quá nhiều nguy hiểm tiềm tàng nên đa số phụ huynh đều mong muốn cho con ở nhà cho đến khi có những tin tức khả quan nhất về dịch bệnh. Họ bất chấp việc có nhiều khó khăn trong việc chăm sóc khi trẻ nghỉ học, nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con thi lại, thậm chí lưu ban.
Đành rằng, phụ huynh có quyền quyết định cho con đến trường hay không những ngày này, nhưng những người có trách nhiệm, sao lại đẩy họ vào tình huống khó khăn như thế? Xin hãy cho chúng tôi một lời giải thích thật thuyết phục.
"Học cả đời nhưng sống chết chỉ có một lần!", câu nói cửa miệng của rất nhiều người qua nay đâu phải không có lý!