Xoay quanh vụ việc tài khoản L.A.P - một người làm trang điểm đã đăng đàn tố khách hàng của mình “khôn lỏi”, đến book makeup ăn tiệc nhưng lại về làm cô dâu, bên cạnh những tranh cãi không ngớt của netizen thì ở phía những người làm dịch vụ - truyền thông marketing cũng đã có những ý kiến chia sẻ.
Trong lập luận mà L.A.P đưa ra để "phốt" khách thì việc nói sai mục đích trang điểm là điều cấm kỵ trong nghề. Tuy nhiên những người ngoài nghề lại không chứng thực được đây có thực sự là cấm kỵ hay không?
Phần lớn dân tình đang đứng về quan điểm rằng cô dâu dù trao đổi sai thông tin nhưng khi công sức bỏ ra và số tiền nhận lại là tương đương, thì sau khi ra khỏi cửa tiệm thì khách hàng làm gì là quyền của họ! Khách hàng không có nghĩa vụ phải báo cáo mục đích sử dụng sau khi đã thuận mua vừa bán.
Ở góc nhìn của những người làm dịch vụ thì lại khác. Từ trải nghiệm cá nhân và kinh nghiệm làm nghề dịch vụ nói chung và Makeup Artist nói riêng, họ có những đánh giá rất "sát sườn" và quan điểm rõ ràng để giải đáp những khúc mắc này!
Bài đăng “phốt” khách khôn lỏi vì book trang điểm đi tiệc xong lại là cô dâu, không che mặt nhân vật chính gây xôn xao MXH |
Vì sao thợ makeup cảm thấy tổn thương và có việc làm vượt giới hạn?
Vấn đề được dân tình đặt ra, rằng liệu L.A.P có đang làm "quá" vấn đề lên không khi đây là 1 trao đổi khá công bằng: Người makeup bỏ từng đó thời gian và công sức để makeup tiệc, nhận về số tiền đúng với dịch vụ thoả thuận ban đầu. Còn khách hàng cũng trả đủ số tiền ứng với dịch vụ, sau đó hài lòng và không có ý kiến.
Thậm chí đứng ở góc độ làm Marketing, anh Phùng Thái Học (Founder group “Tâm sự con sen” nổi tiếng, CEO của một agency) còn đặt một dấu hỏi lớn về vụ việc: "Khách hàng có nghĩa vụ phải khai báo mục đích sử dụng với người bán? Chỉ khi nào khách thể hiện thái độ phàn nàn thì vấn đề mới phát sinh. Đó là kiểu tiền ít mà đòi được hoa thơm, ít ra lúc ấy phốt còn có cơ sở. Còn giờ khách hàng có ý kiến gì đâu, tại sao thợ make lại tổn thương nhỉ?".
Những câu hỏi thu hút người trong nghề vào cuộc |
Chính câu hỏi này thu hút những người làm dịch vụ vào cuộc.
L.T người có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực trang điểm, nói lên quan điểm ở khía cạnh một người cung cấp dịch vụ và nhận được rất nhiều phản hồi đồng tình từ netizen.
Cô cho rằng câu chuyện ồn nào này đến cả 2 phía: "Tiệc cần 40-50 phút để hoàn thiện, dâu 1 tiếng rưỡi - 2 tiếng và thể hiện quá trình khác nhau. Make dâu cần cầu kì, tỉ mẩn hơn rất để đảm bảo cô dâu được đẹp nhất trong ngày trọng đại.
Việc make tiệc nhưng làm cô dâu sẽ là bình thường nếu cô dâu và nhưng người xung quanh thấy đẹp. Còn nếu bị ai đó chê thì người make sẽ bị ảnh hưởng bởi rất có thể quan khách sẽ né tiệm makeup đó ra vì người ngoài ngành đâu có hiểu được vấn đề là: Đó chỉ là make tiệc.
Trong bài post phốt khách này bạn make đã sai bởi đưa mặt khách lên khi không được phép. Còn bạn khách hàng đáng nhẽ ra ngay từ đầu nên nói make tiệc để đãi tiệc tối ở nhà thì đã không bị tố là gian dối. Đại khái trong makeup thì kỵ tình huống này lắm, thợ nào cũng khó chịu thôi. Có điều thuận mua vừa bán, khách hàng không kêu ca tự dưng 'phốt' với lời lẽ nặng nề. Cộng với việc người ngoài ngành không hiểu nên việc bị dập lại là đương nhiên.
Cuối cùng nếu book make dâu xong về đi ngủ thì đó là việc của bạn, sao tôi phải giảm giá. Việc của tôi là làm cho bạn thật đẹp, sau đó bạn đi đâu làm gì là quyền của bạn. Giống như mua đồ xịn không dùng thì thôi thôi mà".
Từ quan điểm của Lệ Thư, việc L.A.P bức xúc là hiển nhiên nhưng cách làm đã vượt quá giới hạn của một người thợ trang điểm.
Làm nghề dịch vụ thì hoan hỷ, giải quyết trong êm đẹp là tốt nhất
Người làm trong ngành dịch vụ đôi khi như làm dâu trăm họ, phải rất khéo léo và tinh tế trong cách giải quyết vấn đề. Câu chuyện của L.A.P là một "case study" cho những ai đang và sẽ theo đuổi nghề phục vụ khách hàng.
Đinh Phát (TPHCM) - một Makeup Artist chuyên nghiệp từng đồng hành cùng Team M.U.A 2023 tại Miss Universe Vietnam cung cấp góc nhìn để L.A.P có thể vượt qua khủng hoảng lúc này: "Hướng xử lí của bạn makeup chưa được tinh tế khi đăng trực tiếp hình của khách hàng lên như vậy. Đấy cũng là bài học rút ra về việc thoả thuận của make up và khách hàng ngay lúc đầu.
Nhiều lúc dù chúng ta muốn hay không muốn thì những chuyện như vậy vẫn luôn xảy ra. Bạn không chịu nổi và muốn giải toả, đồng nghiệp sẽ rất đồng cảm và chia sẻ được với bạn. Nhưng nên nhớ đồng nghiệp lại không phải là khách hàng, không mang đến tiền tài cho bạn được.
Cái mình cần là hiểu khách hàng - nhưng khách hàng lại không có nhu cầu phải hiểu mình. Lúa chín cúi đầu, mình làm nghề dịch vụ thì mọi thứ cứ hoan hỷ, tìm hướng giải quyết trong êm đẹp là tốt nhất".
Đinh Phát (TPHCM) - một Makeup Artist chuyên nghiệp từng đồng hành cùng Team M.U.A 2023 tại Miss Universe Vietnam cho rằng, đã làm dịch vụ thì nên hoan hỷ. |
Theo đó, Đinh Phát cũng gửi lời với khách hàng, rằng nếu lỡ trong tiệc cưới mà lỡ gia đình hay dòng họ thắc mắc sao ai makeup cho mà kì vậy thì cũng tội cho bạn makeup. Vì makeup cho cô dâu đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chỉn chu hơn hẳn, cô dâu chọn makeup tiệc thì cũng không thể giải thích cho từng người đến hỏi. Vậy thì cũng sẽ mất uy tín cho chính người thợ trang điểm kia.
Giữa tâm điểm tranh cãi với hàng loạt ý kiến được đưa ra, chính chủ bài đăng L.A.P đã xoá bài đăng "phốt" khách hàng và khoá cả trang cá nhân. Trang của người thầy dạy makeup cho L.A.P cũng vô cớ bị tấn công. Vụ việc ầm ĩ lan xa khiến những người trong nghề cảm thấy khá buồn, cuộc sống cá nhân của những người liên quan cũng ảnh hưởng không nhỏ. Thế mới thấy nghề dịch vụ như "làm dâu trăm họ" và để được lòng trăm họ là chuyện không dễ dàng gì!