Gần 20 năm trở lại đây, những dự án về giới chỉ tập trung chủ yếu vào phụ nữ, và nam giới không phải là đối tượng chính. Tuy nhiên, cần thấy rằng phân biệt đối xử trên cơ sở giới và những khoảng cách giữa hai giới còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, không phải chỉ đàn bà mới khổ.
Nam tính và nam giới là một cách tiếp cận mới hướng tới cả phụ nữ và nam giới (chứ không chỉ hướng tới phụ nữ). Từ năm 2018 – 2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội ISDS đã triển khai dự án nghiên cứu này, nhằm có được sự hiểu biết tốt hơn về nam giới, nam tính và những chuẩn mực giới mà đã và đang hạn chế quyền năng của phụ nữ và nam giới và cản trở các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.
Ảnh: internet. |
Với tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Chương trình Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women – IW) - một sáng kiến của Chính phủ Úc, nghiên cứu đã được thực hiện với tổng số 2567 nam giới trong độ tuổi 18 -24 sống tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Hòa Bình.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng những chuẩn mực truyền thống về nam tính và giới đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều nam giới Việt Nam. Những chuẩn mực này đã làm sai lệch nhận thức của nam giới, hạn chế quyền năng của phụ nữ và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.
Về sự nghiệp, người đàn ông đích thực phải nỗ lực để trở thành Đảng viên, ưu tiên cho công việc, trở thành người lãnh đạo và cố gắng phấn đấu để có vị trí cao trong hệ thống nhà nước.
Về năng lực và tính cách, người đàn ông đích thực phải mạnh mẽ, chấp nhận mạo hiểm, và có quan hệ xã hội rộng rãi.
Về sinh lực, người đàn ông đích thực phải có khả năng tình dục cao và có nhiều kinh nghiệm tình ái, biết uống rượu bia và sẵn sàng sử dụng sức mạnh/bạo lực khi cần thiết để bảo vệ danh dự của mình.
Cuối cùng, về bổn phận đối với gia đình, người đàn ông Việt Nam đích thực phải là trụ cột của gia đình, lấy vợ, sinh con, nuôi sống gia đình và thờ cúng tổ tiên.
Ảnh: internet. |
Nghiên cứu cũng chỉ ra, các tiêu chí về người đàn ông đích thực được đề ra quá cao (là trụ cột gia đình, kiếm đủ tiền nuôi vợ con, có vị trí trong cơ quan nhà nước, khả năng tình dục cao…) tác động tiêu cực đến nam giới, buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng: “Tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần một phần tư nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính, và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp”.
Điều đáng lo ngại, những áp lực này có thể gây tác động bất lợi lên sức khoẻ tâm thần của nam giới, đặc biệt là nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị.
“Đáng chú ý là có gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử, tỷ lệ này tăng tới 5,4% (tỷ lệ cao nhất) trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18-29… Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam, tỷ lệ tự tử ở nam giới đã gia tăng trong những năm gần đây và cao hơn gấp 3 lần tỷ lệ này ở phụ nữ.” – nghiên cứu chỉ rõ.
Để đối phó với những áp lực và tình trạng căng thẳng, nhiều nam giới Việt đã tìm đến những thực hành có hại, trong đó hút thuốc lá, uống rượu bia là hai hành vi phổ biến nhất. Cứ 10 nam giới thì có 7 người hút thuốc lá và có 6 người đã từng uống tới say xỉn ít nhất một lần trong đời.
Nam giới còn giữ nhiều chuẩn mực mang định kiến giới, cản trở quyền năng của phụ nữ và biện minh cho sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới là phát hiện thứ 3 nghiên cứu chỉ ra.
Một tỷ lệ đáng chú ý là hơn 92% số nam giới đồng ý với quan niệm cho rằng “thiên chức của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp”. Tương ứng, có hơn 82% nam giới cho rằng “phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp”, “phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình” và hơn 84% nam giới đồng ý với ý kiến cho rằng phụ nữ nên làm những công việc nhẹ nhàng và đơn giản. Những phát hiện này cho thấy nam giới tin rằng phụ nữ có năng lực làm việc kém hơn đàn ông và phụ nữ nên hy sinh sự nghiệp của mình để chăm lo gia đình và hỗ trợ cho sự thành công của người chồng.
Ảnh: internet. |
Phân tích hồi quy cho thấy có những dấu hiệu thay đổi tích cực trong nhóm nam thanh niên thuộc thế hệ thiên niên kỷ ở đô thị là phát hiện vô cùng quan trọng. Sự tiến bộ kinh tế và xã hội cùng với cơ hội tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau trong quá trình toàn cầu hóa đã có tác động tích cực đến nhận thức của nam giới trẻ tại Việt Nam.
Bảo (Hà Nội), 23 tuổi, đang là sinh viên du học ở nước ngoài về Việt Nam nghỉ hè chia sẻ:
Suy nghĩ về nam giới và nam tính
Người đàn ông đích thực là người sống đơn giản, giản dị trong cách ăn uống, sinh hoạt, cách nghĩ. Họ là những người đàn ông có tiền, biết đầu tư, nhưng không phung phí, biết tiết kiệm. Ngoài ra, người đàn ông đích thực cũng phải biết quan tâm, chia sẻ với vợ con, biết chăm lo gia đình. Dù có kiếm được nhiều tiền thì cũng phải về ăn cơm với vợ.
Suy nghĩ về hôn nhân và gia đình
Với Bảo, gia đình là quan trọng nhất. Người đàn ông có sức khỏe tốt hơn phụ nữ, nên phải tự giác làm những việc lớn để phụ nữ làm những công việc nhẹ hơn. Tuy nhiên, nếu không kiếm được nhiều tiền bằng vợ thì Bảo sẵn sàng ở nhà nấu cơm. Bảo tin rằng một người đàn ông đích thực cần đối xử với vợ một cách bình đẳng.
Bảo cho biết, ngày xưa thì đàn ông đến tuổi là phải lấy vợ, phải đẻ con, phải lo sao cả nhà có cơm ăn. Bây giờ thì cuộc sống dễ chịu hơn và con người có nhiều tự do hơn. Bảo nghĩ việc có con không quá quan trọng.
Báo cáo khuyến nghị rằng các can thiệp cho nam giới trước hết có thể bắt đầu từ những nhóm nam giới này, đặc biệt là nam giới trẻ ở đô thị có trình độ học vấn cao, vì điều đó có thể mang lại những thay đổi tích cực và sau đó sẽ lan tỏa đến các nhóm xã hội khác.
Nhờ những thay đổi xã hội tiến bộ và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong hơn nửa thế kỷ qua, sự chuyển dịch hướng tới mối quan hệ bình đẳng hơn giữa nam giới và phụ nữ đã trở nên rõ ràng hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu này, nam giới vẫn kiểm soát các nguồn lực, quyền lực trong nhiều gia đình và ngại chia sẻ gánh nặng việc nhà và gánh nặng chăm sóc với phụ nữ. Ba lĩnh vực này cần trở thành mục tiêu chính của các chính sách và chương trình hướng đến bình đẳng giới.