Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, nhân ngày Quốc tế về Nam giới 19/11, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Ban điều hành Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet) đã tổ chức Lễ ra mắt Diễn đàn, dưới sự tài trợ và hỗ trợ chuyên môn của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Rosa Luxemburg Stiftung, Care International tại Việt Nam, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới (GBVNet) và Vinaseco.
Sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm của các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan, ban ngành, các đơn vị báo chí, truyền thông, các nhà nghiên và các cá nhân quan tâm đến về hoạt động về giới và bình đẳng giới…
VNMenNet là một không gian mở, một tổ chức tự nguyện, và phi lợi kết nối các cá nhân và tổ chức nhuận cùng chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ngoài ra, VNMenNet cũng hướng tới việc kết nối các nam giới để chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề chung đang ảnh hưởng tới nam giới và cùng nhau hành động trong các hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.
Ban điều hành Diễn đàn là những nam giới tiêu biểu đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như: PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS); ông Lương Thế Huy - Viện trưởng Viện iSEE; nhà báo Trương Anh Ngọc …
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu khai mạc và chia sẻ về 5 mục tiêu của Diễn đàn VNMenNet. Ảnh: Hoàng Toàn |
Tại sự kiện, đại diện Ban điều hành Diễn đàn đã chia sẻ 5 mục tiêu lớn:
Mục tiêu thứ nhất là thúc đẩy các mẫu hình nam tích cực;
Mục tiêu thứ hai: Tôn vinh những đóng góp tích cực của nam giới trong xã hội, cộng đồng, gia đình, cá nhân và môi trường;
Mục tiêu thứ ba: Tập trung thảo luận về các vấn đề sức khỏe tinh thần, thể chất của nam giới;
Mục tiêu thứ tư: Làm sáng tỏ các hành vi phân biệt đối xử với nam giới;
Mục tiêu thứ năm: Tăng cường các mối quan hệ giới và thúc đẩy bình đẳng giới nói chung.
Chia sẻ tại sự kiện, các chuyên gia đều cho rằng những cách tiếp cận cũ, những định kiến về giới và bình đẳng giới cần được thay đổi.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Chủ tịch lâm thời Diễn đàn VNMenNet chia sẻ:“Trong cách tiếp cận trước đó về bình đẳng giới thì nam giới luôn luôn bị coi là tác nhân gây mất bình bình đẳng giữa nam và nữ. Bởi vậy những chính sách đều được xây dựng để làm sao nâng cao vị thế của người phụ nữ, lên án, trừng phạt hành vi bạo lực của nam giới. Cách tiếp cận này hiện nay, theo tôi là cần phải được thảo luận thêm.”
“Bất bình đẳng giới trước hết gắn liền với những chuẩn mực xưa cũ, với quan niệm giữa nam - nữ trong xã hội, về định nghĩa nam tính, nữ tính trong xã hội. Mẫu người đàn ông thành đạt, thành công trong xã hội thường được hình dung là một người đẹp trai, tài năng, giàu có, có địa vị trong xã hội. Trong gia đình người chồng thì phải luôn luôn mạnh mẽ, là trụ cột, là người bảo vệ, lãnh đạo gia đình. Người vợ phải hoàn thiện nữ công gia chánh, là hậu phương vững chắc để người chồng yên tâm thăng tiến. Những quan niệm đó vẫn hiển hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tạo ra niềm tin cho giới trẻ đó là mẫu hình cần phấn đấu, cần đạt được. Thực tế, với xu hướng phát triển mẫu hình truyền thống đó, xã hội vẫn đầy rẫy những bất công diễn ra hàng ngày” , PGS.TS Nguyễn Lân phát biểu.
TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS) cũng chia sẻ: “là một người nghiên cứu giới và hoạt động về bình đẳng giới hơn 30 năm qua, tôi phải thú nhận rằng tôi đã từng nghĩ làm bình đẳng giới thì chỉ cần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ là đủ, tại vì phụ nữ luôn thiệt thòi, chúng ta cứ làm việc với phụ nữ để cho phụ nữ trở nên tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, giỏi giang hơn thì lúc đó phụ nữ sẽ sánh vai cùng với nam giới. Nhưng càng làm việc thì tôi lại thấy không phải như vậy.”
“Nghiên cứu về giới, về phụ nữ, về bình quyền nam giới chúng tôi nhận thấy nam giới ngày càng đối mặt với rất nhiều áp lực từ chính những truyền thống hàng nghìn năm về “nam tôn nữ ti”, từ những khái niệm về phái mạnh, đặt trên vai mỗi người đàn ông những gánh nặng mà họ nghĩ rằng họ không thể rũ bỏ. Điều đó làm cho họ đau khổ, làm cho họ căng thẳng làm cho họ thất vọng, làm cho họ cảm thấy cô đơn, thậm chí là có người cảm thấy tuyệt vọng. Đối mặt với những thay đổi nhanh chóng trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, rất nhiều người đàn ông cảm thấy cô đơn, hoang mang”.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Toàn |
Để đạt được mục tiêu bình đẳng, phát triển toàn diện và hạnh phúc cho tất cả các giới, TS. Khuất Thu Hồng cho biết: “Chúng ta phải đối diện với lịch sử nhiều nghìn năm, với truyền thống “nam tôn nữ ti”, “chồng chúa vợ tôi”. Tôi không tin rằng nam giới thích những tình trạng như vậy. Chẳng qua là họ quá quen với việc đấy. Họ chưa có cơ hội để được hưởng những hạnh phúc mà sự bình đẳng có thể mang lại.
Tôi không tin là đàn ông thích bạo hành với phụ nữ, mà là họ chưa biết làm cách nào để kiểm soát cơn nóng giận của mình. Tôi tin rằng mỗi người đàn ông, sau những hành vi như vậy, họ rất hối hận, đau khổ, nhưng họ không được học cách làm sao có thể hóa giải cơn giận dữ của mình. Họ không được dạy làm sao để có thể bình tĩnh hơn, làm sao để có thể thể hiện đúng cảm xúc thực sự của mình, thể hiện tình yêu thương của mình với vợ con và với những người xung quanh...
Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm cho cả nam giới và phụ nữ hiểu rằng bình đẳng giới là việc của tất cả chúng ta. Bình đẳng giới mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, cho phụ nữ, cho nam giới và cho tất cả các giới khác. Và để có hạnh phúc thì chúng ta phải cùng chung tay với nhau.
Phụ nữ và nam giới cũng như tất cả các giới khác cùng phải đồng hành với nhau trên chặng đường đi đến bình đẳng giới, đi đến sự phát triển toàn diện, tiến tới một xã hội nơi tất cả mọi người đều được sống hạnh phúc, nơi mọi người đều có thể phát huy năng lực của mình, khả năng của mình, được sống là chính mình, sống trong một xã hội chấp nhận sự đa dạng, xã hội có sự khoan dung, công bằng, bình đẳng.”
Ra mắt Ban điều hành Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet). Ảnh: Hoàng Toàn |
Các đại biểu cũng bày tỏ niềm vui mừng về sự ra đời của VNMenNet, và kỳ vọng Diễn đàn sẽ là mô hình đầy hứa hẹn giúp thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện và cơ hội để cả phụ nữ và nam giới phát huy năng lực, sở trường và tham gia thụ hưởng bình đẳng trong mọi mặt của đời sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
“VNMenNet là sáng kiến theo tôi rất cần thiết, kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Đây là nơi kết nối các cá nhân và tổ chức nam giới cùng hoạt động và đóng góp tạo dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, bao trùm, khoan dung, nơi tiếng nói của mỗi cá nhân đều được lắng nghe và được tôn trọng”, ông PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
“Tôi thiết nghĩ, khi nam giới nói về bình đẳng giới thì có tính chính danh nhất định, khác với phụ nữ nói về giới và bình đẳng giới, chắc chắn là chạm được đến tâm tư, suy nghĩ, thách thức, trăn trở của nam giới với những vấn đề trong xã hội.
Các cá nhân tham gia diễn đàn ngày hôm nay cũng là những người có ảnh hưởng trong xã hội, có rất nhiều người Follower. Tôi hy vọng, các anh các bạn sẽ là những người truyền cảm hứng đến các bạn nam giới khác cũng như tất cả các giới. Hy vọng rằng trong thời gian tới, diễn đàn sẽ có được những sự kết nối, tham gia chia sẻ, với những tiếng nói đa chiều, cấp tiến về các vấn đề đang thay đổi rất nhanh của xã hội.” Bà Lê Kim Dung – Giám đốc Quốc gia của Care International Việt Nam chia sẻ.
Chúc mừng Diễn đàn kết nối nam giới ra mắt và hoạt động, bà Gaelle Demolis, Quyền Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam khẳng định “Bình đẳng giới có lợi cho cả phụ nữ, nam giới và các giới khác. Huy động nam giới tham gia thúc đẩy Bình đẳng giới là một trong các ưu tiên xuyên suốt của UN Women toàn cầu và tại Việt Nam” và cam kết sự đồng hành của UN Women với diễn đàn trong thời gian tới.
Ngay sau lễ ra mắt, Diễn đàn sẽ kiện toàn bộ máy và xây dựng chiến lược hoạt động trong những năm tới. Trước mắt, trong tháng 12/2021 Diễn đàn sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và Cục Trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tổ chức hội thảo về vấn đề sức khỏe tinh thần của trẻ em trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Diễn đàn cũng dự định tiến hành một nghiên cứu về chủ đề này và một chuỗi các hoạt động góp phần vào phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch. Trong tháng 12/2021 Diễn đàn cũng sẽ tổ chức một hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với thanh niên.