Vừa nhận được tin bạn nhắn “cái cô đấy cũng không ra gì đâu”, rồi lại tin khác từ người khác “mẹ bán con đấy”, “thứ dữ đấy”, “vì sao bị thế mà cứ để không nói suốt thời gian dài”, “mẹ cũng là người biết luật sao lại để thế”, rồi lại có bạn bên báo chí “bọn em cũng đang nghe ngóng”...Thế mới thấy không phải cứ thấy người bị hại là xúm vào cứu được ngay. Người ta thường phải trông xem người bị hại đó là người thế nào, có đáng được cứu không. Nếu bạn không có vẻ rõ rệt là nạn nhân, bạn có thể được coi là không đáng cứu và có khi lại còn đáng bị đánh thêm.
Làm về bạo lực gia đình mình cũng gặp nhiều tình huống tương tự. Ai cũng bảo đánh vợ là sai rồi, là vi phạm pháp luật rồi, nhưng rồi lại chêm thêm “nhưng cũng phải xem lại vợ xem thế nào chứ”. Xem lại đây được hiểu là xem cô vợ có đúng là nữ tính, đảm đang, chiều chồng, thương con, chăm lo chu toàn cho hai bên nội ngoại, và thêm vô vàn nhiều tiêu chuẩn khác.
Gần 60% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực nhưng chỉ có 50% nói cho người khác và 10% báo cáo cho các cơ quan. Ảnh minh họa: bluefone.com.vn |
Phụ nữ mà chỉ ham làm đẹp, tự ý bỏ chồng đi nơi khác hay ngoại tình thì được coi là tội rất nặng, chồng đánh không ai thương. Mình nhớ có một anh đánh vợ, anh ấy bảo “Em đánh vợ mà ai cũng thương em, cũng bênh em. Vợ em là cái loại gái hư, chồng ốm yếu không biết chăm sóc, hơi tí là bỏ nhà đi, không ai thương”. Choáng hơn là việc đánh phụ nữ ngoại tình. Cán bộ xã bảo: “Loại đấy phải đánh cho chừa. Chồng nó mà không đánh thì em đến em đánh cho chừa đi”.
Có trường hợp một cô bị chồng đánh. Chồng là cán bộ, thường đánh rất kín. Tối đánh nhưng ban ngày lại bắt cô ấy ăn mặc đẹp để chồng chở đi vòng quanh xã thể hiện là một người chồng yêu vợ và một gia đình hạnh phúc. Bị hành hạ chịu không được, cô ấy xin ly hôn. Qua rất nhiều khó khăn thì cũng ly hôn được nhưng cô ấy phải chấp nhận không được chia tài sản, không được quyền nuôi con. Chồng cô loan tin là cô thường bỏ mặc con cái và có nhân tình. Sau ly hôn cô ấy còn phải đi nơi khác vì ở làng mọi người thường nhìn cô ấy là người phụ nữ không ra gì.
Gần 60% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực nhưng chỉ có 50% nói cho người khác và 10% báo cáo cho các cơ quan. Đấy là vì họ biết rằng không phải cứ bị đánh là được bênh, được cứu, họ phải là người phụ nữ ngoan, hiền, chuẩn ba đảm đang nữa. Chưa kể, đi báo mọi người lại bảo “xấu chàng hổ ai”, “tốt đẹp phô ra, xấu ra đậy lại”, vân vân và mây mây.
Sang chuyện tình dục lại còn khó nữa. Bị bạo lực tình dục bởi người trong nhà cực kỳ khó báo cáo. Một bác trưởng thôn bảo “Giả sử chồng nó đập gẫy cái chân, cái tay, gẫy cái xe đạp hay cái gì đó thì tôi lên xã báo được ngay. Chứ bây giờ bảo chồng nó đêm cưỡng ép, bạo lực tình dục nó thì tôi lấy gì lên xã mà báo được”.
Bị cưỡng ép bởi người ngoài cũng không dễ hơn. Khi một người phụ nữ bị xâm hại người ta sẽ nhìn xem cô ấy làm nghề gì, ăn mặc ra sao, đạo đức thế nào, có phải là con ngoan trò giỏi không, có thực sự đáng thương không, cô ấy đã tìm mọi cách để tự bảo vệ trinh tiết, phẩm giá của cô ấy hay chưa hay cô ấy bị thế là lỗi của cô ấy. Chính vì định kiến này mà năm 2019, đã có một triển lãm rất hay ở Bỉ “Bạn đã mặc gì?” trưng bày 18 bộ quần áo mà các nạn nhân đã mặc trước khi bị cưỡng hiếp. Tất cả các bộ quần áo này cũng giống như các bộ quần áo mà hàng triệu phụ nữ khác mặc có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực và xâm hại.
Bạo lực và xâm hại đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Ảnh minh họa: kienthuc.net.vn |
Mình đã chứng kiến tấm lưng đầy sẹo của một cô gái ngành bị lừa đi tiếp khách. Chỉ có một người gọi nhưng đến nơi cô mới biết là đã có một nhóm ở đấy và cô bị bị ép quan hệ tập thể và bị bắt nằm trên những mảnh thủy tinh của chai bia vỡ. Cô không đồng thuận, chống cự nhưng chẳng thể làm gì khi thân cô thế cô. Cô không báo công an vì “Chẳng nhẽ lại báo là em làm mại dâm và em bị khách hàng hiếp à, ai người ta nghe!”. Lúc đó Luật còn yêu cầu người mại dâm phải đưa đi giáo dục bắt buộc nên các cô ấy rất sợ. Vụ việc khiến cô ấy ám ảnh, thậm chí còn nhiều lần nghĩ đến việc tự tử. Nhiều nước đã coi mại dâm là một nghề và người mại dâm sẽ được bảo vệ trong những trường hợp như vậy. Như ở Hà Lan, việc giơ máy ảnh lên chụp người làm nghề mại dâm sẽ bị coi là phạm tội. Các phòng làm việc ở khu phố đèn đỏ đều có kết nối trực tiếp với sở cảnh sát để có thể gọi cứu viện khi cần.
Thời nhà Chu bên Trung Quốc, tội hiếp dâm bị gộp cùng với tội thông dâm, do vậy cả nạn nhân cũng bị xử như kẻ hiếp dâm. Nguyên nhân là do người phụ nữ lúc đó bị coi là không biết giữ mình, đã bị vấy bẩn, mất giá trị nên phải bị xử tội. Qua thời gian, dần dần người ta mới tách bạch ra và nạn nhân của hiếp dâm (thường là phụ nữ) không bị xử tội nữa.
Tuy vậy, để người phụ nữ được coi là nạn nhân và không bị xử tội thì luật cũng có nhiều quy định, ví dụ như luật nhà Thanh phải xem là người phụ nữ có la hét hay không, có cào cấu hay đánh lại không, quần áo có bị xé rách không... Nếu người phụ nữ do bị đe dọa nên phải chấp nhận quan hệ trong trạng thái không thể phản kháng thì nhiều khi ra tòa sẽ không đòi được công lý cho mình. Thậm chí còn bị đổ lỗi, lên án. Nhiều kẻ hiếp dâm lợi dụng kẽ hở của pháp luật đã biến tấu trước tòa để việc cưỡng ép thành đồng thuận để thoát tội, thậm chí để bôi nhọ nạn nhân khi nạn nhân không đưa ra được những bằng chứng rõ ràng.
Cách đây mấy năm, ở Việt Nam có trường hợp một cô gái bị cưỡng hiếp và mấy lần cô ấy đều thương thuyết được việc sử dụng bao cao su. Điều này khiến mọi người có rất nhiều ý kiến trái chiều. Việc một nạn nhân tự bảo vệ mình khi bị cưỡng bức không phải dễ mà được nhìn nhận tích cực. Việc đồng thuận hay không đồng thuận có thể bị đánh tráo dễ dàng trong phiên xét xử vì việc thu thập bằng chứng không dễ.
Mình không biết N.H là người thế nào, mối quan hệ thực sự của N.H với ông T là gì. Đấy cũng không phải là vấn đề của mình mà là việc của cơ quan điều tra. N.H tội trạng đến đâu có cơ quan pháp luật xác định. Mình chỉ biết rằng là con người, N.H và mẹ cô ấy có quyền được đảm bảo an toàn, được tự do và được toàn vẹn về thể chất, tinh thần và xã hội. Mối quan hệ ban đầu có thể là đồng thuận nhưng sau đó nếu là một người đã không đồng thuận thì người cưỡng ép dù gì cũng là sai. Một kẻ đã dùng thủ đoạn để kiểm soát, chửi mắng, đánh đập, có hành vi đe dọa tính mạng người khác phải bị chịu tội trước pháp luật. Chẳng lẽ công lý chỉ thuộc về gái “ngoan”?