Cộng đồng mạng từng xôn xao vì bài viết “Đợi con vào đại học thì sẽ ly hôn” kể về hành trình 10 năm nếm mật nằm gai âm thầm tự chuẩn bị tài chính, công việc, sự tự chủ trong cuộc sống của một cô vợ để ly hôn khi ở bên cạnh một người chồng vô tâm, không biết chia sẻ, không coi trọng sự vun đắp của người vợ.
Nhiều chị em tích cực chia sẻ bài viết như một cách dằn mặt chồng trước đoạn kết “có hậu”: “Từ cục dân chính bước ra, anh khóc, bởi anh không thể tưởng tượng được trong tương lai, anh phải một mình giặt đồ nấu cơm, tự mình làm việc nhà, một mình đảm đương hết mọi việc. Cả đời sau anh cũng không thể uống được canh vợ nấu.
Còn vợ thì cười, vì hôn nhân đối với cô ấy, không có chút gì tốt đẹp. Ly hôn rồi, cô ấy chỉ bớt việc chăm sóc một kẻ tính tình không tốt mà thôi”.
Có lẽ họ đang ngấm ngầm cho chồng biết rằng nếu anh không biết cách giữ tôi, nếu anh không biết trân trọng cuộc hôn nhân này thì sẽ có một ngày anh cũng phải khóc lóc vì hối tiếc khi đã đánh mất tôi như anh ta.
Nhiều anh lại bày tỏ thái độ ngạc nhiên “Người đàn ông trong câu chuyện đâu đã ngoại tình, vũ phu mà phải ly hôn?”.
“Sao không ly hôn ngay mà phải đợi đến 10 năm?”.
Ảnh minh họa: internet. |
Câu chuyện tuy xuất xứ từ Trung Quốc và có nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhưng không thể phủ nhận rằng bất kỳ cặp đôi nào cũng có thể nhìn thấy hoàn cảnh của mình qua “chuyện nhà người ta”.
Trên cuộc đời này, chẳng có ai sinh ra là để dành cho ai bởi cho dù họ có tương đồng như thế nào thì chắc chắn rằng giữa họ vẫn có những khác biệt cần dung hòa với nhau. Vì mỗi người sinh trưởng trong những môi trường khác nhau, giáo dục khác nhau, trải nghiệm khác nhau, ưu và khuyết điểm khác nhau. Ta không thể nào đòi hỏi sự toàn mỹ nhưng chắc chắn rằng hai người ở bên nhau là để bổ sung cho nhau giúp nhau hoàn thiện hơn, là để cùng nhau chia sẻ những niềm vui cũng như nỗi buồn trong cuộc sống. Tuy nhiên, chẳng mấy ai hiểu được điều này để mà biết nuôi dưỡng mối quan hệ cho đúng cách.
Như cách mà một người đàn ông đặt câu hỏi “Anh ta đâu có vũ phu, ngoại tình mà phải ly hôn” cho thấy được rằng nhiều người đàn ông vẫn xem đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự kết thúc một mối quan hệ. Họ khá vô tư khi không thể hiểu nổi sự vô tâm, không biết chia sẻ của những-gã-không-chịu-lớn cũng có thể giết chết một cuộc hôn nhân.
Một người vợ khi đau ốm gọi điện cho chồng mình, thứ mà cô ấy muốn nhận được là sự hỏi han, là sự quan tâm, là sự chăm sóc nhưng cuối cùng người đàn ông lại xem đó là một sự phiền phức. Có thể giờ đó anh ta đang bận bù khú với bạn bè. Cũng có thể giờ đó anh ta đang mệt mỏi vì công việc. Nhưng vợ mình đang bệnh kia mà? Sinh mệnh của cô ấy không quan trọng với anh ta hay sao? Sao không thử nghĩ cho cảm xúc của cô ấy? Khi anh đau ốm, ai là người chăm sóc anh? Những thứ “nhỏ nhỏ” như vậy theo thời gian mà tàn phá trái tim người ta.
Nếu cô vợ muốn cứu vãn mối quan hệ của mình thì chắc chắn rằng cô ấy cần phải nói ra để cả hai cùng nhìn lại, sửa đổi, cho nhau cơ hội. Chứ ghim gút, rồi chia sẻ link theo kiểu dằn mặt chồng như mấy chị bỉm sữa đang làm thì chỉ tự làm khổ bản thân vì sống mãi với ức chế.
Nếu cô ấy đã cảm thấy không cần người đàn ông này nữa, kết thúc là một sự lựa chọn đúng cho cả hai.
Tuy nhiên, chọn lựa thời điểm kết thúc cũng tùy vào mỗi người. Có người kết thúc ngay nhưng cũng có nhiều người đợi con khôn lớn, vào đại học, thành gia lập thất rồi mới ly hôn như cô vợ trong câu chuyện.
Ảnh minh họa: internet. |
Cách đây không lâu có một chị gần 50 tuổi đến chỗ tôi. Chị và chồng tuy ở cùng nhà nhưng vốn đồng sàng dị mộng, những chuyện ngoại tình của chồng chị cũng nhắm mắt cho qua. Kinh tế chị cũng có thể tự lập với thu nhập mấy chục triệu mỗi tháng. Tuy thế, chị vẫn đợi con mình vào đại học rồi mới tìm một mảnh đất, cất một căn nhà nho nhỏ sống theo ý mình sau bao năm tháng ôm những phiền muộn, mệt mỏi trong lòng. Tôi nghĩ con cái chị cũng đủ nhạy cảm để nhận ra những bất ổn trong mối quan hệ của bố mẹ mình nhưng khi có sự trưởng thành về nhận thức, nó sẽ học cách tôn trọng quyết định của bố mẹ hơn là đòi hỏi bố mẹ phải tiếp tục sống vì con. Rồi nó sẽ có hạnh phúc của nó. Bố mẹ cũng cần có hạnh phúc riêng.
Thực ra không thể trách người phụ nữ trong câu chuyện là dại khờ, nhưng tại sao phải đợi thêm 10 năm đau khổ?
Đó là lựa chọn của cô ấy và nó đúng với cô ấy. Chưa hẳn đã đúng với người khác. Ai cũng có triết lý sống riêng cho mình.
Tôi không thích đoạn kết trong câu chuyện lắm khi người ta cho rằng người đàn ông hối tiếc, bật khóc vì từ nay phải tự lo liệu mọi việc trong nhà, sẽ không còn ăn canh vợ nấu. Còn cô vợ chỉ vui vẻ khi rời khỏi một người không xứng đáng. Điểm này mang hơi hướng “trả thù” quá.
Chia tay thì chia tay. Sao ta phải mong cho người phải đau khổ? Điều đó có thật sự khiến ta hạnh phúc không?
Và người ta có nhận ra sai lầm của họ lúc đó thì người ta lại có thêm bài học để trưởng thành, để biết cách đối đãi tốt hơn với người đến sau bởi ta đã không còn là người đầu ấp tay gối với họ nữa.
Thật ảo tưởng khi nghĩ rằng người ta sẽ sống không ra gì khi thiếu mình.
Khi ta đã chọn ra đi thì đừng quan tâm họ thế nào. Nếu có thể, xin hãy bao dung cho nhau vì đó là cách duy nhất chữa lành những tổn thương trong ta...
Còn hằn học thì còn khổ đau.