Bạn hỏi tôi vì sao lại khó độ người thân?
Tôi nghĩ là vì chúng ta vốn dĩ thường cư xử phải phép, có chừng mực, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp với người ngoài nhưng đối với người thân ta sẽ dễ dàng bộc lộ những khuyết điểm hơn.
Nó giống như việc thấy vợ người khác ngon hơn vợ mình. Nhưng ta cũng chỉ thấy cái bề mặt đó chứ khi sống cùng cũng có những lúc sấp mặt với nhau.
Nhưng vì mang cái tưởng về sự “hoàn mỹ” của người ngoài nên lời nói của họ lại khiến ta trân trọng hơn so với lời nói của người trong cuộc đang có nhiều khuyết điểm mà ta phải chịu đựng họ.
Tranh minh họa: Tào Linh. |
Và có khi ta không thể nhìn những người thân như những cá nhân độc lập có ưu có khuyết, mà ta nhìn họ bằng sự dính mắc sở hữu nên ta khó lòng học hỏi nhau. Giống như việc nhiều cha mẹ cho rằng tao nói mày phải nghe thay vì lắng nghe con mình để thấy nó có những ý kiến xác đáng mình cần phải học. Ta dễ dàng đóng vai bề trên, áp đặt lên nhau. Hoặc chồng thì phải hơn vợ nên không chấp nhận sự khôn ngoan của người phụ nữ. Và nó cứ tạo ra mãi những xung đột khi không chấp nhận họ là một con người đang trải nghiệm đời sống cùng ta.
Nó cũng giống như việc nhiều khi ta cầu nguyện cho chúng sinh khổ đau mà ta quên cầu nguyện cho những người thân đang đau khổ cận kề mình nhất. Ta quên đi mất họ cũng là một chúng sinh như bao chúng sinh khác. Mà vì những xung đột giữa ta và họ, ta cảm thấy khó lòng học cách yêu thương họ dù ta muốn yêu “chúng sinh”, từ bi với “chúng sinh”.
Tóm lại thì sự sở hữu, dính mắc khiến ta khó lòng nhìn nhau như những con người độc lập nên thiếu sự trân trọng, tri ơn, lắng nghe, học hỏi nhau. Thay vì đó nó trở thành sự chấp nhận, chịu đựng khuyết điểm của nhau nhiều hơn. Nó gây ra những ức chế nên lời nói trở nên thiếu trọng lượng với nhau.
Nhưng không có nghĩa là không thể chuyển hóa được.
Có.
Bạn có thể chuyển hóa với việc đừng mong thay đổi người khác.
Việc của bạn là thay đổi chính mình tốt hơn, bình an hơn, biết yêu thương hơn. Tự nhiên mối quan hệ giữa bạn và họ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Họ có thể sẽ vẫn như thế nhưng lòng bạn đã khác. Không đau khổ, không oán ghét. Chỉ thương và học cách thương sao cho đúng đắn.
Tôi đã từng cảm thấy rất đau khổ khi không cứu được người bên cạnh mình. Tại sao anh ấy không lắng nghe mình? Nhưng rồi một ngày tôi cũng học cách chấp nhận. Họ có nghiệp duyên của họ. Biệt nghiệp của họ.
Thay vì mong muốn rồi lại tức giận họ sao không nghe mình, rồi tự trách bản thân thì hãy tôn trọng tiến trình của họ. Ta chỉ có thể chấp nhận, bao dung, cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho họ. Có những lúc bạn chỉ có thể làm vậy thôi.
Tôi cũng đã từng muốn em chở má đến một ngôi chùa có sư thầy nọ mà tôi cảm thấy tin tưởng. Tôi nghĩ có lúc cần người ngoài giúp má mình tăng tuệ giác. Nhưng rồi tôi cũng đã chọn cách bình tĩnh khi nghe má nói nhiều hơn. Tôi cũng chọn cách đôi khi gửi đến bà hình ảnh món ăn này, món ăn kia để tạo sự gắn kết, chia sẻ. Mối quan hệ giữa tôi và bà cải thiện rất nhiều.
Muốn độ người khác thì tự mình hãy độ chính mình đủ bao dung và trí tuệ để chấp nhận mọi thứ tùy duyên.
Có người bạn chỉ có thể trợ duyên chừng này. Có người nhiều hơn một chút. Nhưng hãy chấp nhận hết.
Yêu thương mà không mong cầu. Điều đó cho bạn bình an trước tiên. Và nó cũng là nguồn sức mạnh giúp bạn vượt qua bao nhiêu điều bất toại...