“Có mỗi H ở Hà nội, thay mặt lớp mình qua viếng mẹ N nhé. Bà vẫn ở nhà cũ, mất hôm qua”
N và tôi cùng chục đứa luyện thi Đại học có khoảng 3 năm học thêm. Thi Đại học, mỗi đứa một trường, nhà cũng chuyển nên tứ tán, nhờ FB mà gặp lại nhau.
Chỉ 1 dòng tin nhắn, cả một thời khốn khó bao cấp quay về. Mẹ N ngày ấy làm tổ trưởng quầy thực phẩm thời tem phiếu với quyền lực ngầm. Trước bất cứ ai, kể cả khi người mua có tài năng hay làm nghề cao quý đến đâu cũng phải nhẫn nại, cam chịu không kêu ca nhăn nhó xếp hàng để được mua thực phẩm cho mình. Gần như ai khi xếp hàng đến lượt cũng nở nụ cười cầu tài, đôi khi là cung kính chào cô bán hàng, và biết rằng hiếm khi được cười lại. Những phản xạ đó biến thành thói quen của mọi người, và không ai nhận ra họ đã bị hèn đi trước những người thực ra là “đầy tớ” của họ.
Còn nhớ, lũ chúng tôi sau mỗi tối học thêm, đều có câu hẹn khi về “Mai con H xếp bên dầu, thằng T canh bên gạo, còn con K chắn bên thịt, mấy đứa còn lại chạy ở giữa, bên nào hàng về trước thì bọn mình kéo sang”. Thường từ 3 - 4 giờ sáng, trong bóng tối và sự tĩnh lặng của đêm, nhất là vào mùa đông gió hun hút mưa phùn buốt giá, chúng tôi đã ra đường như những chiến sĩ đặc công, tay cầm sẵn cục gạch bọc ngoài mảnh vải bố hay mẩu bao tải, cái nón rách có buộc dây hoa đánh dấu, can nhựa đựng dầu, và bao tải sạch để đổi khi mua được gạo mỳ mới.
Vẫn nhớ cảm giác cả lũ mừng thế nào khi N xuất hiện hôm đầu ở lớp học thêm, và trả lời cô giáo về gia đình: “Bố em làm trong quân đội. Mẹ em bán thực phẩm ở khu C”. Lúc ấy, xung quanh N như có vầng hào quang, vì có mẹ ở đấy, có nghĩa là sẽ mua được miếng thịt nhiều nạc hơn thay vì cắt ô phiếu 5 lạng thì 2 lạng da mỡ bụng bèo nhèo. Có nghĩa mớ rau muống bớt dập nát. Có nghĩa không bị choáng khi xếp hàng tướt bơ đến nơi nghe gọn lỏn câu: “Hết cá nhé”! Cho dù cá nục luôn bé và ươn phải xúc bằng cái xẻng nước cá chảy tong tong nhớt nhát.
Thế nhưng vầng hào quang quanh N dần tắt, vì mẹ N là người đàn bà quyền lực, và thực dụng. Bà chỉ chăm sóc vợ con những người có quyền, hoặc quen biết kiểu có đi có lại. Ví dụ, ưu tiên cho em cô bán gạo hay chú thằng bán dầu để mọi chuyện mua bán tem phiếu ngày đấy thành 1 hệ thống khép kín, tất cả cùng có lợi.
N thì đau khổ. Nhiều lần, cậu phát khóc với mẹ, xin mẹ ưu tiên cho nhà bạn D mẹ bạn ấy ốm, cần thịt nạc nấu cháo, hay bạn S phải vào viện chăm bà, phiếu cá và đậu sắp hết hạn, mẹ ưu tiên cho bạn ấy mua hôm nay đi. Luôn là cái lắc đầu từ bà, vì những người đó không nằm trong chuỗi hệ thống quan hệ cần thiết và có lợi.
Tranh minh họa: Trịnh Tú. |
Và N bỏ học thêm. Lũ nhóc hồn nhiên chúng tôi bao từ cấp 2 đã quen với việc xếp hàng mua lương thực thực phẩm đến nỗi nghiễm nhiên coi những đêm về sáng chen lấn xô đẩy để rồi kéo được mấy cái bao tải tấm, mỳ, bột mỳ ra ngoài, mở ra xem của đứa nào bột mỳ không có con bọ, hay tấm nhà nào trắng hơn là một thú vui mang màu hạnh phúc. Chỉ có N là nặng lòng.
Sau mấy buổi cậu nghỉ học thêm, cô giáo và cả lũ giặc kéo đến nhà N, quên phắt mẹ N uy quyền oai oách, quên luôn chuyện bà chẳng hề ưu tiên cho một số bạn của con trai mình mua thực phẩm vì hoàn cảnh khó khăn. Người chúng tôi đâm sầm đầu tiên chính là mẹ N. Bà nhìn đề phòng từ đầu đến chân lũ choai, và cũng chẳng thân thiện hơn khi thấy cô giáo. Chưa kịp để cô giáo nói, bà chặn luôn “N nhà tôi có lẽ không học ôn ở lớp cô. Cảm ơn cô nhé. Tôi thấy nó đi học về không vui. Tôi chuyển sang lớp khác cho cháu rồi”.
Vẫn còn nhớ cảm giác cô giáo và lũ nhóc đứng im trước bà. Cách duy nhất mọi người có thể biến đi trong cái hoàn cảnh trớ trêu này ước gì đất nứt ra, tất cả tụt xuống. Xong. Nhưng đất không bao giờ nứt. Nhưng may là mẹ N nói xong quay vào nhà luôn, như thể đứng lâu hơn mấy phút, chúng tôi sẽ đồng loạt rút tem phiếu ra nhờ bà bán thịt rau đậu cá...
Sau này, khi thi Đại học, mỗi đứa vào mỗi trường, nhà cũng chuyển đi, và thời bao cấp lùi xa, lâu lâu gặp một bạn, hỏi thăm nhau thì biết N vào Nam sống, do mẹ từ mặt bởi không chọn ngành liên quan đến thực phẩm, vì với bà, nắm giữ việc bán hàng trong nhà nước luôn là quyền lực tối cao. Bố N sau khi giải ngũ, bỏ nhà đi mất tích. Em gái N lấy cớ đi du lịch nước ngoài và trốn lại luôn không một lần quay lại quê hương.
Mang một vòng hoa thay mặt các bạn của N tới viếng bà. Căn nhà xưa 2 tầng chắc chắn tường xây dày, đồ đạc kín đường vào, dù cũ nhưng vẫn toát lên sự phong lưu. Một cô gái nhỏ nhắn ra đón và đỡ vòng hoa, xếp vào góc tường, bên cạnh 1 vòng hoa khác, có dòng chữ “Con kính viếng mẹ. N”.
“Em là cháu bên chồng cô T, cô ấy sống một mình lâu rồi. Gần đây bệnh nặng quá, có bác ở Hội phụ nữ Phường gọi về quê nói lúc tỉnh lại sau trận đột quỵ, cô T nhắn gọi em lên. Lên được hai chục ngày, cô ấy đi” “Bao giờ anh N về làm tang mẹ?” Cô gái lắc đầu “Anh N không về chị ạ” “N đi nước ngoài à? Em gửi cô vào nhà lạnh, đợi N về chứ?” “Không, anh ấy ở Sài gòn. Anh ấy không thể về vì cô T nói: “Tao chết, mày cấm có mặt, tao sùi máu ra thành chết hai lần”.
Quyền lực, dù chỉ trong một khoảng thời gian có hạn và chẳng quan trọng gì, ví dụ như kiểu mỗi ngày được bán ra một số hàng hoá cho khách. Mà khách có quyền hưởng cái của họ, nhưng lại giống như đi xin khiến mọi khái niệm bị đánh tráo. Giờ ngồi trong căn nhà quá đủ về vật chất mà thiếu bóng dáng con người, tự nhiên trước mắt tôi hiện ra ngày ấy, ở cửa hàng thực phẩm, những cán bộ, người về hưu cúi đầu chịu đựng, luôn nở nụ cười làm thân để chiều mấy cô bán thịt, nước mắm, cá ươn. Khi những bàn tay đưa tấm phiếu ra, bên bán cầm lấy và dùng cái kéo đen bằng thép không gỉ dính mỡ lợn cắt đi 1 ô, là bên mua có thêm 1 ô hạnh phúc! Và rồi họ nhận lại, nâng niu cuống phiếu tẩm đầy mùi cá ươn, nước mắm và mỡ nhèm tanh tưởi như báu vật, cẩn trọng cất vào ví vì mất nó là ăn cơm không cả tháng.
Đám ma không người viếng. Hoa có 2 vòng. Chia tay cô bé, tôi chào: “Em cố gắng lo chu đáo cho cô T. May mà trên thế gian này, cô ấy còn có em đi cùng một đoạn ngắn cuối cùng”.