Hôm qua có một chú tên là Mã Dụ Kiến Bâu (Mark Zukerberg) - chủ của mạng xã hội Mặt Sách (Facebook) đã viết một bức thư gửi con gái chú ấy vừa chào đời, cô bé tên là Maxima. Bức thư rất là dài nên bố không chép ra đây, sau này con tự tìm mà đọc (bố hy vọng lúc đấy cả Mặt Sách lẫn Gúc Gồ đều chưa sập). Có những đoạn bố rất thích như thế này:
“Mẹ con và cha vẫn chưa có lời nào để diễn tả niềm hy vọng về con trong tương lai. Chúng ta hy vọng con sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh để con có thể khám phá được cuộc sống mới mẻ, nhiều hứa hẹn này. Con đã cho chúng ta một lý do để soi xét thế giới mà chúng ta muốn con tồn tại ở đó.
Giống như những người làm cha mẹ khác, cha mẹ muốn con sống trong một thế giới tốt hơn so với chúng ta ngày hôm nay”.
Ảnh minh họa. |
Vấn đề là cái thư hơn hai nghìn chữ ấy, chữ nào cũng hay, nhưng cả nước mình chỉ quan tâm có mỗi một dòng thôi, đấy là dòng chú Mã bảo hiến tặng 99% tài sản của chú ấy cho cộng đồng.
99% tài sản của chú Mã, ở thời điểm này (2015), là Bốn mươi lăm tỷ đô-la - một số tiền rất rất lớn. Nói thế nào nhỉ, con thích uống nước quýt đúng không? Thì số tiền ấy đủ để trồng quýt trên toàn thế giới, còn nếu quy ra nước quýt thì đủ để vắt ra làm một cái đại dương nước quýt cho con vừa tắm vừa đi thuyền vừa uống bét nhè. Nhiều như thế đấy.
Ồ, và câu chuyện diễn ra đúng như thế, con ạ, với các người lớn quanh ta.
Ai cũng nghĩ về số tiền rất lớn của chú Mã, và quy ra thứ mình thích. Bác nào thích ô tô thì quy nó ra mấy chục nghìn cái ô tô xịn. Cô nào thích quần áo đẹp thì quy ra bao nhiêu cửa hàng quần áo thời trang mỹ phẩm đắt tiền thỏa thích mua sắm. Chú nào thích ở nhà to thì quy ra bao nhiêu cái biệt thự rộng mênh mông có cả bệ xí dát vàng. Cũng như bố nghĩ ngay đến một đại dương nước quýt cho con tắm thỏa thích. Chuyện ấy cũng rất bình thường, khi nào lớn con sẽ hiểu, người lớn cũng như trẻ con thôi.
Nhưng mà bố cần nhắc lại với con, là dòng liên quan đến tiền ấy, chú Mã chỉ viết có mỗi một thôi. Cả trăm dòng còn lại của bức thư, chú ấy nói đến những khái niệm khác. Như là trách nhiệm, như là cộng đồng, như là sẻ chia, như là thúc đẩy, như là kiến tạo, như là cơ hội, như là bình đẳng, như là thế hệ kế tục. Những khái niệm ấy bây giờ mà nói với con thì con sẽ rất chán vì không hiểu. Còn những người lớn quanh chúng ta, thì chắc vì hiểu cả rồi nên rất chán khi chú Mã nhắc lại. Vì thế, mọi người chỉ quan tâm tới số tiền thôi.
Thực ra, có một điều thú vị mà bố cần nói với con. Trên thế giới bây giờ có một “Hội những bác giàu có thích cho tiền”. Các bác ấy chỉ chiếm chưa tới một phần trăm dân số thế giới, nhưng số tiền mà các bác ấy có lại bằng cả chín chín phần trăm thu nhập mọi người. Hay nhỉ con nhỉ? Khi nào con lớn con sẽ hiểu điều này: Người ta cho đi cái mình thừa, và kiếm tìm cái mình thiếu, luôn là như vậy. Cho nên mãi mãi, cái “chín chín phần trăm” và cái “một phần trăm” cứ quanh quẩn vậy thôi.
Tóm lại, bức thư này bố muốn nói với con đơn giản thế này: Nếu con muốn hiểu về những lý tưởng tốt đẹp, con hãy tìm đọc thư của chú Mã. Còn nếu con muốn giàu như chú Mã bây giờ, thì sau này cố mà cua con gái của chú ấy.
Chúc con may mắn. Hoặc không.
Bố của con, luôn yêu con, và luôn nghèo.
(trích cuốn “Bố ngồi cùng con, nhé!”)