Công nghệ hiện đại phát triển đã có những tác động và thay đổi to lớn tới mọi mặt trong cuộc sống con người. Việc nhà cũng không ngoại lệ. Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời ngày càng nhiều những thiết bị gia dụng thông minh, các hệ thống nhà thông minh nhằm hỗ trợ con người làm việc nhà. Những quảng cáo các đồ gia dụng tối tân, bắt mắt trên truyền hình hứa hẹn những sản phẩm tuyệt vời đến từ các nhãn hàng, thương hiệu sẽ giúp đơn giản hóa và tối ưu hóa công việc này, từ đó giải phóng người nội trợ khỏi mối lo việc nhà, giúp phụ nữ có thêm thời gian để tập trung cống hiến sự nghiệp và phát triển bản thân hơn nữa.
Liệu đó có phải sự thực không? Rằng những phát minh và sự phát triển tốc độ của công nghệ gia dụng có thật sự “giải phóng” phụ nữ? Hay chúng ta chỉ đang nhìn nhận vấn đề một cách quá ngây thơ và vội hát khúc hoan ca vì choáng ngợp trước lời chào mời nghe có vẻ hấp dẫn?
CÁC NHÀ NỮ QUYỀN NÓI GÌ
Công nghệ đã trở thành một phần thiết yếu, hiện diện trong từng khía cạnh và ngóc ngách của cuộc sống dù là nhỏ nhất. Các diễn ngôn chủ đạo đang chỉ ra rằng máy móc, thiết bị gia dụng thông minh cho thấy những tiềm năng đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn.
Song, liệu chúng ta có đang phóng chiếu những định kiến giới và quy chuẩn xã hội từ đó củng cố chúng thông qua các công nghệ mà ta đang xây dựng hay không?
Ảnh minh họa: internet. |
Các học giả theo thuyết Nữ quyền sinh thái (Ecofeminism) đưa ra quan điểm: Phụ nữ và thiên nhiên đều được nhìn nhận như những vật thể hỗn loạn, không ổn định, bị động và cần được kiểm soát. Bản chất công nghệ không hề vô tri vô giác mà là một công cụ giúp củng cố quyền lực nam giới trong xã hội và đạt được nhiều lợi ích kinh tế. Giống như cách con người đang sử dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại để kiểm soát thiên nhiên, thì công nghệ cũng được sử dụng để kiểm soát phụ nữ trong các vấn đề như sinh sản, lao động.
Có một số quan điểm từ thuyết Nữ quyền tự do (Liberal feminism) cho rằng công nghệ thật sự trung lập, không có định kiến và thậm chí có tính giải phóng phụ nữ. Nhưng quan điểm này đang bỏ qua một khả năng rằng liệu công nghệ có phản ánh góc nhìn, niềm tin của người tạo ra nó (chủ yếu là nam giới) hay không? Langdon Winner (1977) gọi đây là sự ngụy biện về quyền lực của công nghệ với niềm tin “đàn ông là người hiểu rõ nhất những gì họ tạo ra; những máy móc công nghệ đàn ông tạo ra nằm hoàn toàn trong tầm kiểm kiểm soát của họ, và công nghệ chỉ là một công cụ trung tính mà thôi…”.
Ngoài ra, các học giả theo thuyết Nữ quyền đồng kiến tạo (Co-construction feminism) đã bàn sâu hơn về những ảnh hưởng sâu sắc của công nghệ với giới. Công nghệ thật ra không hề trung tính, công bằng và vô can. Các máy móc, công nghệ, kỹ thuật chúng ta tạo ra và sử dụng hiện nay thực chất đều chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế chính trị, văn hóa xã hội bao gồm các định kiến và khuôn mẫu nói chung, đặc biệt là về giới. Giới và công nghệ có mối liên hệ mật thiết và sẽ liên tục ảnh hưởng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, phụ nữ và đàn ông có cách nhìn nhận khác nhau về năng lực sử dụng công nghệ của bản thân. Sự khác biệt này chủ yếu đến từ sự phân chia vai trò giới trong xã hội. Niềm tin cố hữu của xã hội tạo ra một chuẩn mực về cách phụ nữ nhận thức, hành xử… sẽ không giống với đàn ông và ám chỉ công nghệ là một phần của đàn ông chứ không phải nhiệm vụ của phụ nữ. Hoặc nếu có làm chủ công nghệ, lĩnh vực dành cho phụ nữ chỉ gói gọn trong khuôn khổ những thiết bị gia dụng, công cụ để giữ gìn, chăm sóc và nuôi dưỡng các mối quan hệ.
CÓ ĐỒ GIA DỤNG HIỆN ĐẠI RỒI, PHỤ NỮ CHẲNG PHẢI SẼ NHÀN HẠ HƠN HAY SAO?
Tác giả Jeremy Greenwood của cuốn “Evolving Households: The Imprint of Technology on Life” cho biết, đầu thế kỷ 20, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai tiếp diễn cùng với sự xuất hiện của điện, xe hơi và ngành dầu khí, đồng thời là sự bùng nổ của công nghệ gia dụng thiết yếu trong đời sống đến tận ngày nay như máy sấy, máy giặt, máy khâu, máy hút bụi. Sự tiện dụng và thông minh của máy móc thật sự đã “giải phóng” phụ nữ một phần khỏi những công việc nhà lặp lại, tốn nhiều thời gian và công sức, đơn cử như việc ủi đồ và giặt đồ (những năm 1800 mất tới khoảng hơn 4 tiếng).
Không những vậy, hơn một trăm năm qua, các quảng cáo đồ gia dụng tinh vi đã lồng ghép trong thông điệp của họ không chỉ sự ca ngợi công năng của sản phẩm mà còn nhắm vào cảm xúc phụ nữ, rằng cuối cùng họ chính là “người quyết định” hạnh phúc gia đình bằng cách sở hữu những món đồ công nghệ này.
Ảnh minh họa: internet. |
Nhưng nếu công nghệ thật sự kỳ diệu như vậy, tại sao cán cân “đảm nhiệm việc nhà” vẫn nghiêng về phía phụ nữ? Theo báo cáo bởi Oxfam, phụ nữ Mỹ trung bình vẫn phải dành ra thêm 2 tiếng mỗi ngày hơn nam giới để làm việc nhà, ở Nhật Bản phụ nữ vẫn đang làm việc nhà nhiều nam giới gấp 5 lần.
Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổ chức lao động ILO, phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để làm các công việc như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Thậm chí, gần 1/5 nam giới không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.
Vậy nguyên nhân nào khiến cho phụ nữ vẫn chưa được “giải phóng hoàn toàn” khỏi công việc nội trợ?
Theo bà Ruth Schwartz Cowan đề cập trong cuốn “More Work For The Mother: The Ironies of Household Technology From the Open Hearth to the Microwave” (1983) và cuốn “The ‘Industrial Revolution’ in the Home: Household Technology and Social Change in the 20th Century” (1976), việc nhà có thể được chia làm ba loại chính:
- Việc nhà mang tính chất lặp lại hàng ngày - lao động thể chất (rửa bát, lau quét nhà, giặt đồ,...)
- Mua sắm và đi lại - lao động thể chất (đi chợ/ siêu thị, chạy việc vặt gia đình, đưa đón con,...)
- Chăm sóc con cái - lao động tinh thần và cảm xúc (chơi với con, cho con bú, tắm rửa, dạy học,...)
Có thể thấy rõ, việc sở hữu máy móc gia dụng chủ yếu giải quyết được vấn đề bề mặt - chính là việc nhà có tính chất lặp lại hàng ngày, không hoàn thành dứt điểm được (ví dụ bát rửa xong lại có bát bẩn từ bữa ăn khác) cũng như một phần các công việc mua sắm. Việc rút ngắn thời gian thực hiện cho những việc loại một và hai đồng nghĩa với việc tăng thêm thời gian cho loại thứ ba. Phụ nữ giờ chịu thêm áp lực vô hình là vì việc nhà đã được máy móc hỗ trợ nên việc chăm sóc con cái phải “tốt hơn”, nếu không họ sẽ bị đánh giá là sống sung sướng hơn, tiện nghi hơn nhưng/nên không chu toàn được như các bà, các mẹ.
Dr. Yolande Strengers, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu về Đô thị, đại học RMIT, Úc cho biết những món đồ công nghệ “thâm nhập” vào gia đình như máy giặt, bàn ủi đã nâng tầm chuẩn mực sạch sẽ, đồng thời khiến phụ nữ được kỳ vọng sẽ quản lý việc nhà hiệu quả hơn và làm việc nhà năng suất hơn.
Nghịch lý hơn cả, việc có thêm những máy móc nhiều chức năng này sinh ra thêm một công việc không tên cho những người sử dụng chính (chủ yếu vẫn là phụ nữ) phải học cách sử dụng chúng thuần thục, và dạy cho những thành viên khác trong gia đình.
Như vậy, chẳng phải công nghệ sẽ không thể giải phóng phụ nữ khi việc nhà vẫn được gắn mác là “công việc nữ tính” hay sao? Bởi sau cùng, sự thay đổi vẫn buộc phụ nữ phải hoàn hảo hơn theo một cách định nghĩa khác. Chúng ta không tháo gỡ được áp lực đè nặng trên vai phụ nữ mà chỉ đang đặt lên vai họ một loại áp lực khác.
TẠM KẾT
Máy móc tối tân không phải là sự can thiệp từ cốt lõi vấn đề giúp phụ nữ lập tức có được bình đẳng trong phân chia lao động trong gia đình. Điều quan trọng không phải tính năng sản phẩm tuyệt vời như thế nào, là cứu tinh cho phụ nữ ra sao, mà là những khuôn mẫu và định kiến xã hội cần phải được nhìn nhận và thay đổi. Và sự thay đổi tiên quyết trong phạm vi cuộc bàn luận này là phi giới tính hóa công việc chăm sóc nói chung và công việc nhà nói riêng.
“Hệ thống thích nghi, và chúng ta có thể tái thiết lập nó để vận hành tốt hơn - hoặc chúng ta có thể biến nó thành sân chơi cho những định kiến trong quá khứ. Điều đó phụ thuộc ở chúng ta” - Laurie Penny.
Những diễn ngôn cần tập trung vào việc công nghệ hỗ trợ con người ra sao thay vì lãng mạn hóa việc thiết bị gia dụng thông minh là “cứu cánh” cho phụ nữ như thế nào. Mấu chốt của việc giải phóng phụ nữ khỏi những áp lực nằm ở việc thay đổi mối quan hệ xã hội (mà nhìn ở bình diện chung thì phụ nữ vẫn là nhóm yếu thế), các thước đo giá trị công việc sản xuất và tái sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề nữ giới đang gặp phải, thay đổi hoàn cảnh phụ nữ sử dụng công nghệ thay vì chỉ bó buộc trong khuôn khổ gia đình.
Như vậy, công nghệ gia dụng, nhìn ở một khía cạnh nào đó, cho dù đang tạo ra những bước tiến nhất định trong “cuộc cách mạng việc nhà”, nhưng vô tình nó vẫn đang tái củng cố cán cân quyền lực thiên vị nam giới, đồng thời còn làm giảm giá trị của công việc không lương như việc nhà. Đó là chưa bàn tới, việc sở hữu công nghệ hỗ trợ trong cuộc sống đòi hỏi phụ nữ/gia đình cần phải có điều kiện tài chính và cơ hội tiếp cận thông tin.
Trong khi đó, những nhóm thiểu số ít đặc quyền hơn như phụ nữ ở vùng nông thôn, thu nhập thấp, không được tiếp cận thông tin gần như sẽ không có cơ hội hưởng “quyền lựa chọn” này.