Ngày 24/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMENNET) tổ chức diễn đàn với chủ đề "Đồng hành cùng nam giới và trẻ em trai trong việc giảm thiểu áp lực liên quan đến vai trò giới truyền thống".
Diễn đàn là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam do Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Molisa) tổ chức hàng năm.
Toàn cảnh diễn đàn "Đồng hành cùng nam giới và trẻ em trai trong việc giảm thiểu áp lực liên quan đến vai trò giới truyền thống" |
Tại sự kiện, Ban điều hành VNMENNET cũng báo cáo và đánh giá một năm hoạt động của Diễn đàn Kết nối Nam giới vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (từ 19/11/2021 đến 19/11/2022); đồng thời định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động cho Diễn đàn trong năm 2023.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Trần Kiên - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết: theo kết quả khảo sát của ISDS trên 300 phụ nữ ở Hà Nội trong đại dịch Covid-19, có đến 93% phụ nữ tham gia khảo sát chia sẻ đã từng chịu một trong các hình thức bạo lực không chỉ về thể xác mà còn tinh thần, kinh tế, thậm chí tình dục. Ông cho rằng, đây là vấn đề đáng quan ngại và cần phải có những biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trên.
Thành viên CLB "Làm cha là thế" chia sẻ về hoạt động của CLB và cuốn sách sắp phát hành |
Theo bà Lê Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Trẻ em và Phát triển CCD, thành viên CLB “Làm cha là thế”: Thực tế, không chỉ là trẻ em, phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng chịu ảnh hưởng. Nam giới phải chịu nhiều áp lực về khuôn mẫu giới từ trước tới nay như nam giới phải là trụ cột, phải mạnh mẽ, cứng rắn. “Trong xã hội hiện nay, người đàn ông chịu nhiều yêu cầu từ nữ giới, xã hội xung quanh không chỉ là người trụ cột kiếm kinh tế nữa mà còn phải cùng chăm sóc cho gia đình… Những điều này tạo ra áp lực nhiều hơn và những trường hợp nam giới bị bạo hành không hề thiếu” - bà Lê Thu Hà chia sẻ.
Để đạt được mục tiêu bình đẳng, phát triển toàn diện và hạnh phúc cho tất cả các giới, tại diễn đàn, các thành viên VNMENNET, các cá nhân tích cực, các nhóm nam giới tiên phong, đại diện các tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới đã chia sẻ các mô hình, phương thức hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, góp phần vào sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
Đó là các hoạt động truyền tải thông tin phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái bằng hình thức kịch hóa của CLB nam giới tiên phong huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Là chiến dịch “Hôn nhân không khuôn mẫu của ISEE, các hoạt động của CLB “Làm cha là thế”; hoặc hoạt dộng thúc đẩy bình đẳng giới đối với người khuyết tật của Hội người khuyết tật thị xã Sơn Tây, là tấm gương giàu nghị lực, vượt lên chính mình của vận động viên Lê Văn Công…
Tại diễn đàn, bà Trần Lê Quỳnh Mai - Đại diện Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) và đại diện mạng lưới thanh niên vì bình đẳng giới 2 GROW cũng chia sẻ: Không nên tiếp tục những diễn ngôn "nạn nhân hóa" nam giới để biện hộ cho thực trạng bất bình đẳng. Thay vì cân đo phụ nữ hay nam giới khổ hơn thì tất cả cần bắt tay vào những hành động thực chất chống lại các thiết chế gia trưởng.
“Việc chúng ta cứ tranh nhau diễn ngôn “ai khổ hơn ai” tạo ra một cuộc đua phụ nữ một bên – đàn ông một bên, nếu cứu một bên thì không thể cứu bên còn lại, vậy có được coi là bình đẳng” – bà Trần Lê Quỳnh Mai phát biểu và cho rằng cách tiếp cận như thế không bền vững, không hiệu quả.
“Việc chúng ta cứ tranh nhau diễn ngôn “ai khổ hơn ai” tạo ra một cuộc đua phụ nữ một bên – đàn ông một bên, nếu cứu một bên thì không thể cứu bên còn lại, vậy có được coi là bình đẳng” - bà Trần Lê Quỳnh Mai, đại diện Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) và đại diện mạng lưới thanh niên vì bình đẳng giới 2 GROW chia sẻ. |
Qua những hoạt động thực tế, đại diện VOGE nhận thấy: Nam giới cũng phải chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ những “thiết chế phụ quyền”, những “thiết chế gia trưởng” trong đời sống.
“Những nhóm chịu nhiều ảnh hưởng đó là nhóm nam giới đồng tính (LGBT), song tính và chuyển giới. Những nhóm này gặp rất nhiều khó khăn từ những thiết chế đan cài lẫn nhau, một mặt họ vừa phải chịu kỳ vọng của gia đình về việc “trông giống người đàn ông truyền thống”, phải giấu đi những bản dạng giới của mình; đồng thời lại phải chịu sự phân biệt đối xử từ chính cộng đồng khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ công…” – Bà Trần Lê Quỳnh Mai chia sẻ
Do đó, trong các dự án, hoạt động và tuyên truyền VOGE hướng tới mục tiêu là cùng nhau xóa bỏ thiết chế gia trưởng.
“Bởi thiết chế gia trưởng không có giới hạn về giới nào, phụ nữ, đàn ông đều có khả năng nội tại hóa định kiến giới, định kiến về vai trò giới. Đàn ông mắng vợ không biết nấu ăn hay phụ nữ mắng chồng không biết kiếm tiền đều là hệ quả của hệ tư tưởng gia trưởng.” – Đại diện VOGE cho biết.
Diễn đàn cũng chào đón sự ra mắt của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Nghiên cứu chính sách (CLAP) trực thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), hứa hẹn sẽ đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ và tư vấn pháp lý thiết yếu của không chỉ các nhóm yếu thế trong cộng đồng mà còn cả các tổ chức trong và ngoài nước trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ mà Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Nghiên cứu chính sách sẽ thực hiện là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý thiết yếu cho nam giới có khả năng cao gây ra bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Đây là một hướng tiếp cận mới và cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của VNMENNET trong năm 2023.
Ngoài ra, Diễn đàn sẽ tổ chức các Trại hè thanh thiếu niên về Bình đẳng giới; cũng như các Talkshows nâng cao nhận thức về giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, giới thiệu các tác phẩm kinh điển và công trình nghiên cứu có tính ứng dụng về giới tại một số trường đại học/cao đẳng cũng như công chúng trong cả nước.
Các hoạt động của Diễn đàn sẽ tiếp tục được cập nhật trên website của Diễn đàn tại https://diendannamgioi.org.vn/ và Facebook fanpage VNMENNET. Ngoài ra, các hoạt động của Diễn đàn cũng sẽ được giới thiệu trên website www.isds.org.vn và fanpage: https://www.facebook.com/isdsvn.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm |