• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những đóng góp của phụ nữ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, nhiều tấm gương phụ nữ đã cống hiến hết mình và có...

Làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam có những diễn biến vô cùng nhanh, mạnh, phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, gây ra nhiều hậu quả nặng nề, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, nhiều phụ nữ đã dũng cảm, nhiệt tình tham gia hỗ trợ giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào. Trong đó, nổi bật là hình ảnh của những tập thể nữ cán bộ, viên chức, y bác sỹ ngành y tế, lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân và các tình nguyện viên, sinh viên trong tuyến đầu chống dịch; là hình ảnh của những nữ doanh nhân, người lao động nữ tài giỏi, đảm đang, có những sáng kiến, sáng tạo, cải tiến sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần hàn gắn chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời duy trì việc làm ổn định cho người lao động… Những thành tựu trong nghiên cứu, lao động, sáng tạo của các chị đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc chống dịch COVID-19, và có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển và bình đẳng của phụ nữ Việt Nam.

Gửi con về ngoại để có thể yên tâm tham giam gia công tác phòng chống dịch

Để có thể nhiều thời gian giúp đỡ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, 4 tháng trước chị Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phường 10, Q.4, TP. HCM đã gửi cậu con trai 8 tuổi về bà ngoại để yên tâm tham gia công tác phòng chống dịch.

Chị Nguyễn Thanh Mai đi trao quà cho người già khó khăn vì dịch bệnh tại địa bàn.
Chị Nguyễn Thanh Mai đi trao quà cho người già khó khăn vì dịch bệnh tại địa bàn.

"Tôi rời khỏi nhà từ lúc 5 giờ sáng mỗi ngày để kịp đến phường hỗ trợ tổ hậu cần tiếp nhận, phân chia lương thực, thực phẩm nhằm kịp thời mang đến trao cho các hộ dân vào sáng sớm. Gần trưa, tôi bắt đầu chuẩn bị nguyên vật liệu để nấu cơm trưa, cơm chiều cho anh em tham gia chống dịch. Tranh thủ nấu cơm xong, tôi lại đi siêu thị để mua đồ giúp người dân trong mùa dịch. Kết thúc công việc và trở về nhà, khi đó thường là 21 giờ, thậm chí có ngày tôi về đến nhà khi đã gần 2 giờ sáng. Mặc dù "mang tiếng" được về nhà, nhưng về đến nhà là tôi và chồng lại tranh thủ bàn bạc các công việc chăm lo an sinh cho người dân, bởi chồng tôi cũng là một cán bộ tại địa bàn và anh rất nhiệt tình, ủng hộ tôi tham gia các công tác chống dịch tại địa phương", chị Mai chia sẻ. Tuy cũng có lúc mệt mỏi, nhưng mong muốn “mỗi ngày được sống và làm việc ý nghĩa cho đời” đã giúp chị vượt qua những ngày tháng gian khó.

Khi nhận được tin 4 thành viên trong gia đình đều dương tính với virus SARS-CoV-2. "Thay vì lo lắng, bất an, vợ chồng tôi lại động viên nhau cùng cố gắng, mạnh mẽ để chiến đấu với dịch bệnh. Sau thời gian điều trị, được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, các thành viên gia đình tôi cũng đã khỏi bệnh. Sau khi khỏi bệnh, vợ chồng tôi lại cùng nhau tiếp tục tham gia vào công tác chống dịch tại địa phương", chị Mai cho biết.

“Lăn xả” trên tuyến đầu vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm hỗ trợ tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh

Trung tá Phùng Thị Hải Vân, Phó trưởng Khoa nội 4 (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công An) là một trong những y, bác sỹ tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch. Chị cho biết, trong số các y bác sỹ của bệnh viện xung phong đi vào vùng dịch có gần 300 hội viên Hội phụ nữ, nhiều người đã để lại con thơ, cha mẹ già yếu để cùng các đồng nghiệp lên đường chống dịch.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến rất nhanh và phức tạp, các chị đã phải mặc trên người bộ đồ bảo hộ trong tiết trời nắng nóng trên 40 độ trong suốt 4 - 6 tiếng/ca. Có những đồng đội không chịu được, ngất đi, nhưng với lý trí và tinh thần quyết tâm, các chị đều cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trung tá Phùng Thị Hải Vân, đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an chia sẻ về công việc trong buổi gặp mặt 
Trung tá Phùng Thị Hải Vân, đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an chia sẻ về công việc trong buổi gặp mặt "Thủ tướng chính phủ gặp mặt đại diện các tầng lớp phụ nữ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20 -10". Ảnh: moh.gov.vn

Ngoài việc lăn xả trên tuyến đầu phóng chống dịch, đội ngũ nữ cán bộ của bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công An còn có nhiều nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm hỗ trợ tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh như: sáng chế ra “Bộ quần áo chống sốc nhiệt” của Khoa Chống nhiễm khuẩn, cải tiến buồng lấy mẫu đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả tránh lây nhiễm; điều chế các sản phẩm hỗ trợ như viên nén Bạch địa căn, siro viêm họng, siro bổ phế…

Đặc biệt, đội ngũ y, bác sỹ ở đây đã nghiên cứu ra bài thuốc điều trị cho bệnh nhân F0 tên là “Ngọc bình phong gia vị xuyên tâm liên”, có tác dụng nâng cao thể trạng, làm giảm sự nhân đôi của virus SARS-CoV-2. Đây cũng là sản phẩm được Bộ Công an giao cho bệnh viện tiếp tục nghiên cứu và sử dụng rộng rãi hơn nữa.

Với những nỗ lực cống hiến hết mình, Hội Phụ nữ Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 trái ảnh qua) trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2021 cho đại diện các tập thể tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: vtv.vn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 trái ảnh qua) trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2021 cho đại diện các tập thể tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: vtv.vn

 Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, chủ động tổ chức, tham gia các hoạt động phòng chống dịch bằng tất cả khả năng và thế mạnh riêng của giới mình, các cấp hội thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh, với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả.

Tiêu biểu như các mô hình “siêu thị 0 đồng”, “đi chợ giúp dân”, “bếp cơm nhà mùa dịch”, chuyến xe yêu thương đưa đón phụ nữ sau khi sinh… Theo Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, đến nay đã có 16 tỉnh/thành phố tổ chức nhiều chuyến xe và chuyến bay đưa 2.449 phụ nữ mang thai và 2.033 trẻ em từ tâm dịch trở về quê.

Phụ nữ Đồng Nai hưởng ứng Chương trình Triệu phần quà san sẻ yêu thương (Ảnh Hội LHPN tỉnh Đồng Nai)
Phụ nữ Đồng Nai hưởng ứng Chương trình Triệu phần quà san sẻ yêu thương (Ảnh Hội LHPN tỉnh Đồng Nai)

 Không chỉ chăm lo cho hội viên, phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ di cư mất việc làm, các cấp Hội phụ nữ và các tổ chức thành viên là Hội Nữ trí thức, Hội nữ doanh nhân còn đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đặc biệt, chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", "Phụ nữ cả nước vì miền Nam ruột thịt", chung tay chia sẻ, tiếp sức với các tỉnh/thành có dịch do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động đã huy động được trên 148 tỷ đồng tương đương gần 500.000 phần quà đã được gửi tới cho chị em phụ nữ đang gặp khó khăn trong vùng dịch.

 Gần đây nhất, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 tới các cấp hội thành viên và hội viên. Trước mắt chương trình tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.

Hội LHPN Quận 6, TP Hồ Chí Minh trao tặng quà hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19
Hội LHPN Quận 6, TP Hồ Chí Minh trao tặng quà hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19

Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn phát động trực tuyến chiến dịch “Vì nụ cười phụ nữ” nhằm tôn vinh những nỗ lực của phụ nữ Việt Nam vượt qua thách thức trong đại dịch Covid-19; động viên, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ, đề xuất giải pháp nâng cao sức khỏe, kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ.

Những hoạt động thiết thực của các cấp Hội phụ nữ và hội viên đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, nhân văn, nhân ái của phụ nữ Việt Nam, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19, sớm đưa Việt Nam trở lại trạng thái “bình thường mới”, phục hồi phát triển kinh tế- xã hội mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà và cộng đồng.

Diệu Thuần (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật