• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quấy rối, lạm dụng tình dục: Đổ lỗi cho nạn nhân là bóp chết công lý từ trong trứng nước

Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý. Nếu...

[Bài viết của Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội]

Có lẽ kẻ đổ lỗi nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Tú Bà, người đã sỉ nhục Thuý Kiều, khi biết nàng đã thất thân với Mã Giám Sinh:

 "Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe
Cớ sao chịu tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!…

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Thay vì quy hoàn toàn trách nhiệm cho Mã Giám Sinh, kẻ đã lừa dối Kiều và gia đình nàng bằng một đám cưới với khoản sính lễ 300 lạng bạc và “đủ điều nạp thái vu qui”, Tú Bà đã đổ lỗi cho Thuý Kiều bằng những lời nhục mạ. Độc địa hơn, từ sự việc Kiều thất thân với Mã Giám Sinh mụ quy kết cho nàng bản chất lẳng lơ, đĩ thoã (gái tơ ngứa nghề). Đến đây thì Thuý Kiều phải kêu lên thảm thiết: “Trời thẳm đất dày … Thân này đã bỏ những ngày ra đi! Thôi thì thôi có tiếc gì!” và “Sẵn dao tay áo, tức thì giơ ra …” để quyên sinh.

Những ngày vừa qua mạng xã hội ở Việt Nam dậy sóng về lá đơn của một cô gái tố cáo một người đàn ông vốn được coi như ông chú trong gia đình, một người được coi là có địa vị xã hội, đã dùng thủ đoạn để cưỡng hiếp cô và ép buộc cô vào một mối quan hệ phụ thuộc như nô lệ trong hai năm trời. Ông ta thường xuyên ép cô thực hiện những hành vi tình dục khiến cô cảm thấy ghê tởm và bị xỉ nhục. Nếu cô phản kháng thì bị ông ta đánh đập, doạ tung clip nóng, doạ giết, doạ bán cô ra nước ngoài làm gái và ép cô làm vợ bé trong bí mật, làm nô lệ, làm trâu làm chó cho ông ta suốt đời. Vốn đã từng được coi như một hình mẫu của giới trẻ và niềm hy vọng của gia đình, cô không dám nói với mẹ những khổ ải mà mình phải chịu đựng vì sợ rằng mẹ sẽ suy sụp và vì sợ người đàn ông kia sẽ làm hại mình. Chỉ đến khi tính mạng bị đe doạ cô mới nói với mẹ và người mẹ - vốn cũng là một người có địa vị xã hội, sau nhiều lần điều đình với người đàn ông đó bất thành mới quyết định tố cáo hắn ra pháp luật.

Sau khi lá đơn của cô được gửi đi và các cơ quan mới đang bắt tay vào tìm hiểu thì mạng xã hội dã lập tức tràn ngập các tin tức và bình luận nhiều chiều về vụ việc. Rất nhiều người thông cảm, xót thương hai mẹ con cô gái, khuyến khích động viên họ mạnh mẽ quyết tâm đưa vụ việc đến cùng. Bên cạnh đó cũng có một làn sóng những người đổ lỗi cho cô gái. Những lời miệt thị nhằm vào hai mẹ con cô cũng độc địa không kém những gì mà Thuý Kiều phải nghe mấy trăm năm trước. Tôi không đành lòng nhắc lại những lời đó ở đây vì chúng quá tàn nhẫn và rất sai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy việc đổ lỗi và những lời đó tàn nhẫn và sai ở chỗ nào?

Chúng tàn nhẫn vì quy kết việc cô gái phải chấp nhận quan hệ tình dục với người đàn ông đó trong tình huống cô bị đe doạ tung clip nhạy cảm, thành bản chất xấu xa của cô. Một khi sự việc hay hành vi trong một cảnh huống cụ thể bị quy thành bản chất của con người thì sẽ dẫn đến suy luận rằng việc cô ta chấp nhận mối quan hệ kiểu đó không xảy ra lúc này thì sẽ xảy ra lúc khác và có nghĩa là cô ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc xảy ra. Như vậy thì những người khác chỉ việc phủi tay bỏ đi vì “cô ta đáng bị như thế.”

Sai ở chỗ họ chối bỏ những quyền quan trọng nhất của con người đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ là: Quyền được sống, tự do và an toàn thân thể (Điều 3), Quyền không bị tra tấn bị ép làm nô lệ (điều 4); Quyền không bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo, bị hạ thấp nhân phẩm (Điều 5), Quyền không bị xâm phạm bí mật riêng tư và không bị xúc phạm đến danh dự (Điều 12). Quyền được rời bỏ một mối quan hệ độc hại thể hiện trong tinh thần của tất cả những điều trên và các điều khác. Ngay cả khi đó là mối quan hệ là hoàn toàn tự nguyện thì cô ấy cũng có quyền chấm dứt và rời đi một cách an toàn một khi cô ấy cảm thấy không còn phù hợp nữa. Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về nhân quyền do Liên hợp quốc ban hành và đảm bảo tốt trên thực tế. Luật pháp Việt Nam cũng bảo vệ tất các các quyền nêu trên của công dân.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng

Đến đây sẽ có người phản biện rằng “Thế nhỡ cô ta bịa đặt những điều tồi tệ để vu khống người đàn ông kia thì sao?” Nếu quả thật cô ấy bịa đặt thì cô sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mà chính cô ấy đưa vụ việc ra pháp luật đấy chứ, cô ta có phải là người che giấu đâu. Với lại, người đàn ông kia ngọng gì mà không phủ nhận nếu quả thật ông ta bị vu cáo. Ông ta còn là thầy dạy luật cho hàng ngàn luật sư ở Việt Nam kia mà! Nếu qủa thật ông ta là nạn nhân bị lừa dối, lợi dụng thì ai cấm ông ta tố cáo cô ta để đòi công lý cho mình?

Nạn đổ lỗi cho nạn nhân, đặc biệt nạn nhân của bạo lực tình dục còn sai ở chỗ:

  • Bảo vệ tội phạm bằng cách bao biện với những quan niệm sai toét rằng đàn ông không thể kiềm chế ham muốn của mình và nếu họ cưỡng hiếp phụ nữ thì đó là do phụ nữ không biết tự bảo vệ. Nếu người phụ nữ không tự biết bảo vệ thì việc trở thành miếng mồi cho đàn ông là chuyện thường tình. Chúng ta hay được nghe những câu chì chiết những nạn nhân của quấy rối hay xâm hại tình dục “Ai bảo cứ hơ hớ ra thế kia làm sao “nó” kiềm chế được”, hay “mỡ để miệng mèo, trách ai!” Còn có những bài báo đưa tin về một vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng phóng viên lại cài một câu “mặc dù cháu mới 12 tuổi nhưng cơ thể đã phổng phao như một thiếu nữ nên đã khiến tên Y nổi cơn dục vọng.” Hoá ra tại vì cái sự phổng phao của cháu là nguyên nhân khiến cháu bị xâm hại? Chưa kể việc đổ lỗi cho nạn nhân như vậy còn hạ thấp đàn ông.
  • Quy giản một vấn đề xã hội – bạo lực đối với phụ nữ - thành vấn đề của cá nhân, khi quy trách nhiệm cho nạn nhân. Cách suy nghĩ như vậy bịt miệng các nạn nhân, làm nản lòng những người muốn đấu tranh vì một xã hội an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người, và thậm chí, có thể cản trở luật pháp và những người thực thi pháp luật.
  • Khi nhiều người đổ lỗi cho nạn nhân thì đó là bạo hành tập thể về mặt tinh thần đối với nạn nhân. Như vậy những người đổ lỗi nhân sự bẩt công thêm nhiều lần và khi đó tác động của sự đổ lỗi còn nghiêm trọng hơn bản thân tội ác mà nạn nhân đã phải trải qua. Có lẽ đó cũng là lý do khiến 90% phụ nữ là nạn nhân bị bạo hành gia đình ở Việt Nam không tìm đến bất kỳ sự giúp đỡ chính thức nào. Cách đây mấy năm, một nữ phóng viên của một tờ báo có tiếng đã bị vùi dập thê thảm sau khi cô tố cáo sếp đã có hành vi quấy rối tình dục đối với cô. Còn không ít các vụ bạo lực tình dục mà thủ phạm trắng án còn nạn nhân thì chỉ càng thêm đau khổ ê chề. Việc đổ lỗi càng trở nên khủng khiếp nếu thủ phạm biến nó thành một chiến dịch đào bới, bôi nhọ nạn nhân. Chiêu hiểm độc hơn cả là khi cả người thân của nạn nhân cũng bị lôi vào cuộc.
  • Đổ lỗi cho nạn nhân là dung túng cho nạn bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Khi dư luận đổ lỗi cho nạn nhân có nghĩa là quy trách nhiệm cho nạn nhân và giảm nhẹ, thậm chí phủ nhận trách nhiệm của kẻ bạo hành. Cái ác sẽ nhởn nhơ đắc chí vì sự tấn công đã quay ngược về phía nạn nhân. Việc tấn công nạn nhân bằng đổ lỗi sẽ không ngăn chặn tội ác trái lại khiến cho những kẻ thủ ác không sợ hãi, những người vốn không ác thì sẽ không tôn trọng pháp luật và đạo lý và trong những hoàn cảnh nhất định họ có thể làm điều ác mà không nghĩ là mình làm điều ác. Một nam thiếu niên có thể sàm sỡ một thiếu nữ vì cô bé trông thật đáng yêu. Cậu ta có thể yên chí rằng cậu sẽ không bị chê trách vì mọi người sẽ nghĩ đó là tại cô bé trông đáng yêu.
  • Đổ lỗi cho nan nhân là biểu hiện của định kiến hẹp hòi. Chẳng hạn, nhiều người có định kiến với các cô gái trẻ đẹp, coi họ là hiểm hoạ cho đàn ông, nghi ngờ họ sử dụng sắc đẹp để lung lạc đàn ông hòng kiểm lợi cho mình. Khi vụ việc liên quan đến một cô gái trẻ đẹp và một người đàn ông có tuổi, có địa vị xã hội thì mọi người sẽ có xu hướng cho rằng chính cô gái này đã “mồi chài” ông kia. Nếu có ai đó chợt nghĩ biết đâu ông kia dùng tiền bạc để dụ dỗ hoặc dùng thủ đoạn để lừa gạt cô này thì có thể rất nhanh sau đó người ấy lại nghĩ “Ai bảo ngu, cho chết, con gái thì phải biết giữ thân chứ!”
  • Đổ lỗi cho nạn nhân khiến nhiều người lầm tưởng họ sẽ được an toàn. Khi quy kết trách nhiệm cho nạn nhân về tội ác đã xảy ra, mọi người sẽ nghĩ là họ không giống/không gợi cảm/không xui xẻo/không lẳng lơ … như nạn nhân thì họ sẽ không bao giờ rơi vào tình huống bị bạo hành. Đó là suy nghĩ ích kỷ và sai lầm, và nguy hiểm. Nạn nhân của bạo lực tình dục không phải chỉ là những cô gái trẻ đẹp, ăn mặc mát mẻ hay những cô gái lẳng lơ, không ý tứ … Trong danh sách rất dài của những nạn nhân có cả trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ khuyết tật, người tu hành … thậm chí những nhóm này lại là số đông.
  • Đổ lỗi cho nạn nhân có thể gây áp lực lên quá trình điều tra và xét xử. Những người thực thi pháp luật cũng là con người, họ cũng chịu tác động của dư luận, của truyền thông, bản thân họ cũng có thể còn định kiến. Nếu những người này bị định kiến dẫn dắt cộng thêm áp lực từ dư luận đổ lỗi thì có thể họ sẽ mất đi sự sáng suốt cần thiết và dễ dàng đi đến kết luận theo hướng dư luận đổ lỗi.
  • Đổ lỗi cho nạn nhân là ngăn chặn nỗ lực đi tìm công lý và đẩy nạn nhân đến chỗ tuyệt vọng. Đã có không ít ví dụ về những vụ tố cáo bị chìm đi nhanh chóng sau làn sóng đổ lỗi. Công lý mất dạng trong những lời chì chiết, soi mói, sỉ nhục. Những nạn nhân yếu đuối có thể quay ra tự đổ lỗi cho mình, những người yếu đuổi hơn nữa thậm chí còn tự làm hại bản thân, để lại nỗi cay đắng và đau xót không nguôi cho gia đình của họ. Năm 2015 cháu gái 15 tuổi ở Đồng Nai đã phải uống thuốc sâu tự tử vì bạn trai tung clip nhạy cảm của cháu lên mạng và cả cộng đồng xông vào bêu riếu cháu. Năm 2017 cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau tố cáo gã hàng xóm xâm hại cháu nhưng điều tra lại kết luận hắn vô tội, cháu bị mang tiếng với xóm làng nên uất ức uống thuốc sâu tự vẫn. Cháu bé không chết vì bị tên hàng xóm hãm hại nhưng lại bị giết bởi dư luận xã hội. Chất độc từ thuốc sâu khiến cả hai bé gái thoi thóp mấy ngày mới chết được nhưng thực ra tâm hồn các cháu đã bị chất kịch độc từ những lời bình luận tàn nhẫn giết chết trước đó rồi.
Đổ lỗi cho nạn nhân là ngăn chặn nỗ lực đi tìm công lý và đẩy nạn nhân đến chỗ tuyệt vọng (Ảnh minh họa)
Đổ lỗi cho nạn nhân là ngăn chặn nỗ lực đi tìm công lý và đẩy nạn nhân đến chỗ tuyệt vọng (Ảnh minh họa)

Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý. Nếu không thể giúp, nếu không muốn đồng hành với họ thì cũng đừng làm họ khổ đau hơn. Đừng bóp chết công lý từ trong trứng nước. Ngừng đổ lỗi sẽ giúp nạn nhân có thêm dũng khí để đi tìm công lý và công lý đó là cho cả chúng ta nữa đó.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng là tiến sĩ tâm lý học, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS, từ năm 2002 tới nay bà giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), một tổ chức phi chính phủ.

Bà tốt nghiệp Khoa Tâm lý, Đại học Moskva (Nga). Trong suốt thời gian làm việc tại Viện Xã hội học và UNDP Việt Nam (chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc), bà đã lựa chọn vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản để tập trung nghiên cứu. Bà cho đây là nguyên nhân dẫn đến vô số những câu chuyện bất bình đẳng, đau lòng trong xã hội.

Năm 2002, Khuất Thu Hồng cùng một số nhà khoa học thành lập Viện Nghiên cứu phát triển xã hội(ISDS) với phương châm: "Chủ động nghiên cứu những vấn đề mà bản thân và xã hội quan tâm". Những nghiên cứu và chương trình hoạt động của bà tập trung vào nhóm đối tượng như người khuyết tật, cộng đồng LGBT, người sử dụng ma túy, người nghèo, người nhiễm HIV…

(Theo wikipedia)

Khuất Thu Hồng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật