Cán bộ khoa học nữ có vai trò quan trọng vì mang đến những tiếp cận từ góc độ giới với những vấn đề kinh tế, xã hội mang lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng. Ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu và phát triển, tương đương khoảng 66,500 người. Trong số nhân lực nghiên cứu và phát triển là nữ, có 51.161 người là nữ cán bộ nghiên cứu (chiếm 77% số nhân lực NC&PT nữ), 4.530 là nữ cán bộ kỹ thuật (chiếm 7%), 7.571 người là nữ cán bộ hỗ trợ (11%) và 3.068 người là nhóm khác (chiếm 5%). Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, số cán bộ khoa học nữ còn cao hơn, chiếm khoảng trên 60%. Tuy chiếm khoảng một nửa lực lượng nghiên cứu và phát triển nhưng các chỉ báo về chất lượng và vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực này còn nhiều điều đáng suy nghĩ. Ví dụ, tỷ lệ phụ nữ có học vị cao thì khá ngang bằng so với nam giới, nhưng tỷ lệ có học hàm thì thấp hơn rất nhiều (phụ nữ là phó giáo sư chiếm 30% và là giáo sư chiếm 9% tính đến năm 2016). Theo vị trí đảm nhiệm trong mỗi loại hình đề tài, phụ nữ tham gia nhiều hơn nam giới ở cả ba vị trí chủ nhiệm, thành viên và thư ký của đề tài cấp Bộ trở xuống và đề tài hợp tác quốc tế nhưng số lượng phụ nữ làm chủ nhiệm đề tài cấp NN khá thấp, chỉ chiếm khoảng 1/4. Điều đáng lưu ý là cán bộ nữ đảm nhiệm vị trí thư ký đề tài luôn cao hơn cán bộ nam ở mọi loại hình đề tài, từ đề tài cơ sở, cấp bộ, cấp nhà nước và hợp tác. Về xuất bản phẩm, nữ khá ngang bằng nam giới trong xuất bản trong nước, nhưng thấp hơn ở xuất bản quốc tế.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam |
Mặc dù có một số thuận lợi về đặc điểm cá nhân, gia đình, và nhất là khung thể chế hướng tới bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ khá toàn diện của Việt Nam, cũng như tư tưởng về giải phóng phụ nữ khá mạnh mẽ tạo những điều kiện công bằng và bình đẳng cho phụ nữ phát triển toàn diện, cán bộ nữ nghiên cứu khoa học hiện đang đối mặt với một số trở ngại. Trong gia đình, công việc gia đình, trong đó có việc chăm sóc là trách nhiệm chủ yếu của người phụ nữ, đặc biệt là của người mẹ. Một số hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới hiện nay dường như đang quá đề cao sự nghiệp của phụ nữ mà chưa chú ý nhiều về những dịch vụ xã hội hỗ trợ gánh nặng chăm sóc và việc nhà cho phụ nữ. Ví dụ, chính sách nghỉ sinh yêu cầu phụ nữ quay trở lại làm việc sau 6 tháng trong khi hầu như không cung ứng dịch vụ công chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi. Bên cạnh đó, già hóa dân số và số lượng người cao tuổi cần chăm sóc đang tăng lên. Trong bối cảnh truyền thống đạo hiếu còn mạnh mẽ, chăm sóc người cao tuổi vẫn chủ yếu là trách nhiệm của gia đình, con cái. Thiếu các dịch vụ chăm sóc gia đình trong chăm sóc trẻ nhỏ và người cao tuổi đang cản trở việc bố trí thời gian hợp lý cho việc học tập, bồi dưỡng và phấn đấu của phụ nữ.
Trong bối cảnh chưa có những dịch vụ xã hội thiết thực hỗ trợ gia đình thì những ràng buộc tình cảm và những âu lo về con cái là rào cản đáng kể mà không phải phụ nữ nào cũng vượt qua được trên bước đường phấn đấu sự nghiệp. Điều này dẫn tới những xung đột vai trò giữa công việc khoa học và trách nhiệm gia đình. Nữ giới do có thời gian nghỉ sinh đẻ và nghỉ hưu sớm nên không dành được nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu như nam giới. Trong khi nam giới có quá trình đào tạo liên tục thì cán bộ nữ lại phải chịu quá trình đào tạo bồi dưỡng đứt đoạn do nghỉ sinh con, nuôi con nhỏ.
Do trách nhiệm gia đình và chăm sóc, phụ nữ nghiên cứu cũng sẽ có những hạn chế về mạng lưới quan hệ xã hội, trong đó có cơ hội đào tạo, hội thảo, nghiên cứu đề tài..., dẫn đến một thực tế là nữ ít cơ hội hơn trong việc làm chủ nhiệm các đề tài khoa học (đặc biệt là đề tài khoa học cấp bộ và cấp nhà nước), hạn chế khả năng có các xuất bản phẩm quốc tế. Theo yêu cầu của hầu hết các chương trình và học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài, ứng viên phải dưới 35 tuổi cho trình độ thạc sĩ và dưới 40 tuổi cho trình độ tiến sĩ; đồng thời ứng viên phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm mới được dự tuyển. Quy định về độ tuổi này có thể không ảnh hưởng đến nam giới, nhưng với cán bộ nữ lại là bất lợi vì đa số cán bộ nữ ở độ tuổi này phải chịu áp lực kết hôn và sinh con nên sẽ rất khó có cơ hội tham gia. Hiện nay cũng tồn tại khoảng cách giới trong thu nhập, theo đó, phụ nữ thu nhập thấp hơn nam giới, ở mọi loại hình kinh tế: cá nhân/kinh doanh cá thể, tập thể, tư nhân, nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài, ở mọi loại hình nghề nghiệp, mọi cấp độ chuyên môn.Lực níu văn hóa là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến bình đẳng giới vì nó trầm tích từ hàng ngàn năm lịch sử, khó có thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Các yếu tố văn hóa, so với khoa học và công nghệ, kinh tế…, được thay đổi chậm hơn nhiều. Các lực níu từ văn hóa Nho giáo, hệ thống gia trưởng, và ý thức hệ phong kiến vẫn là rào cản lớn đối với xã hội và gia đình trong việc cung cấp cho phụ nữ có đủ nền tảng cho sự bình đẳng. Để đạt được vị trí như nam giới, phụ nữ phải làm việc vất vả hơn nhiều vì vừa phải đảm bảo vai trò giới truyền thống, đảm bảo chức năng sinh đẻ, để vượt qua các định kiến xã hội về phụ nữ tham gia chính trị, kinh tế và để giành được vị thế trong một hệ thống chính trị mà nam giới chiếm đa số. Nhìn chung, cả phụ nữ và nam giới đều muốn một người phụ nữ thành đạt là phải vừa có gia đình hạnh phúc (theo nghĩa phụ nữ tề gia nội trợ tốt, dành thời gian chăm sóc gia đình) vừa có những phẩm chất hiện đại như có kiến thức, hiểu biết xã hội, có việc làm... Có nghĩa là, phụ nữ hiện nay phải gánh vác tiêu chuẩn kép trong một xã hội chưa có hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ hoàn thiện. Nhiều chị em phụ nữ đã phải chủ động đặt gia đình lên trên sự nghiệp và họ chấp nhận những thua kém nhất định so với đồng nghiệp nam.Phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế: Bản thân những phát triển về cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, internet và hệ thống khoa học kỹ thuật công nghệ ảnh hưởng nhiều đến hệ thống phân phối, năng suất lao động, và phát triển xã hội. Sự phát triển về cơ sở hạ tầng không chỉ đơn thuần mang lại hệ thống cung ứng dịch vụ mà còn phổ biến kiến thức mới, những quy chuẩn văn hóa mới qua giao lưu, hội nhập từ những nền văn hóa khác của các vùng miền khác, đất nước khác trên thế giới, qua đó tác động đến hiểu biết và mong đợi về vai trò giới hiện đại, và sự tham gia tích cực của phụ nữ trong hệ thống chính trị.
Thể chế xã hội chưa hoàn thiện, hạn chế sự phát triển và tiến bộ của các nhà khoa học nữ |
Xây dựng và phát triển thể chế xã hội cũng góp phần hoàn thiện thể chế, qua đó, giúp phụ nữ tham gia chính trị nhiều hơn. Các vấn đề phát triển xã hội quan trọng như bình đẳng giới, bền vững môi trường, giáo dục, sức khỏe gia đình, an sinh xã hội, nguồn lực y tế có liên quan đến sự phồn vinh về văn hóa và kinh tế của đất nước, đến lượt nó, sẽ là cơ hội để phụ nữ có thể tham gia vào lĩnh vực chính trị và những hoạt động ngoài gia đình. Nếu hệ thống an sinh xã hội gặp vấn đề về y tế, sức khỏe, vệ sinh môi trường, mất an toàn thực phẩm,... gánh nặng chăm sóc gia đình sẽ bị đẩy cho phụ nữ, và cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Hoàn thiện thể chế về văn hóa theo hướng cởi mở và tự do cho các cá nhân trong xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Các chỉ báo văn hóa như niềm tin, tập quán xã hội, mong đợi xã hội về vai trò giới là những yếu tố có thể tác động đến tiến bộ của phụ nữ. Ví dụ, trong gia đình, cần thay đổi mạnh mẽ hơn thái độ của nam giới trong chia sẻ việc nhà và chăm sóc, cũng như tạo cơ hội công bằng trong phát triển nghề nghiệp. Những quy định còn mang định kiến giới, như danh hiệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà nên được thực hiện với cả nam và nữ trong bối cảnh phụ nữ đang tham gia rất tích cực trong lực lượng lao động, qua đó, giảm áp lực và kì vọng xã hội mang định kiến giới về vai trò kép của phụ nữ, vai trò nhà khoa học và vai trò người nội trợ, chăm sóc cho gia đình.