Khoan vội bắt đầu đi tìm một định nghĩa, một cách hiểu đúng nhất cho khái niệm "tự do tài chính", hãy thử nghĩ lại những mong muốn về tiền bạc của chính mình trong quá khứ một chút.
Chắc hẳn phần lớn chúng ta đều từng như thế này: Thời còn là sinh viên, cả tiền bố mẹ cho lẫn tiền đi làm thêm chỉ vẻn vẹn 5-6 triệu/tháng, vẫn sống tốt dù chẳng tiết kiệm được đồng nào. Tới lúc chân ướt chân ráo đi làm, thu nhập cao hơn một chút, khoảng 7-8 triệu, lại cảm thấy chẳng đủ để ăn uống, vui chơi, mua sắm. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng phải tới khi nào thu nhập được 18-20 triệu/tháng mới đủ sống và có dư. Cho đến khi thực sự đạt được con số ấy, vẫn có người tiêu hết, thậm chí còn âm lương.
Nói vậy là đủ hiểu, dùng tiền bạc để định nghĩa sự tự do trong tài chính là có phần chưa đúng. Nhưng nếu tự do tài chính không phải là có thật nhiều tiền, vậy nó là gì?
Xuất hiện trong Podcast Money Date tập mới nhất với tư cách khách mời, BTV Dương Ngọc Trinh - "Nữ hoàng" của các bản tin tài chính đã có những chia sẻ đáng suy ngẫm, phần nào giúp chúng ta có góc nhìn đa chiều và chính xác hơn về khái niệm "tự do tài chính".
BTV Ngọc Trinh “mổ xẻ” khái niệm tự do tài chính trong Podcast Money Date tập mới nhất |
"Toxic Dopamine" - Cơn nghiện niềm vui tiêu tiền đang bào mòn chiếc ví của không ít người
Nhắc đến tài chính nói chung hay tự do tài chính nói riêng, khái niệm đầu tiên mà chúng ta cần hiểu và làm rõ chính là "toxic dopamine" - Những niềm vui "độc hại" đến từ cảm giác sung sướng khi tiêu tiền.
Tiền có mua được niềm vui không? Câu trả lời là có! Nếu bạn nghĩ là không, hoặc là do bạn… không có tiền, hoặc chỉ đơn giản là bạn chưa biết về Retail Therapy - Xu hướng "chữa lành" bằng việc mua sắm. Retail Therapy có thể được hiểu đơn giản là việc mua một món đồ mới (phấn son, áo quần, giày dép,...) để "up mood" khi cảm thấy không vui.
Sự phổ biến của Retail Therapy tới từ việc nó mang tới niềm vui tạm thời. Mua sắm được coi như một phần thưởng giúp não bộ sản sinh ra dopamine. Đây là lúc chúng ta gác lại âu lo và tận hưởng sự hạnh phúc ngắn hạn.
BTV Ngọc Trinh ví von loại niềm vui ngắn hạn đến từ việc mua sắm này như "thuốc an thần", dùng ít có thể không sao nhưng lạm dụng nó, hệ quả không có gì khác ngoài một từ "nghiện", cứ buồn là phải mua sắm, phải tiêu tiền mới cảm thấy vui. Dần dà, họ sẽ trở thành nô lệ của đồng tiền theo đúng nghĩa đen.
Đừng vội tìm hiểu những điều vĩ mô như tự do tài chính khi bản thân còn chưa cai được cơn nghiện niềm vui đến từ việc tiêu tiền vô tội vạ, chỉ để đổi lấy sự thỏa mãn nhất thời là điều mà Ngọc Trinh nhấn mạnh. Cũng dễ hiểu thôi, kiếm bao nhiêu tiêu từng ấy, thậm chí còn dùng "đòn bẩy tài chính" là thẻ tín dụng - Một hình thức vay nợ, tiết kiệm thôi cũng là mục tiêu có phần xa vời, nói gì tới tự do tài chính.
Nếu đã "trót nghiện" niềm vui độc hại này, không có cách nào khác để cai, ngoài nâng cao tính tự kỷ luật.
"Khi khả năng kiếm tiền của mình còn chưa tốt, thu nhập còn chưa ổn định, mình không được phép không kỷ luật trong việc chi tiêu, mua sắm" - Ngọc Trinh khẳng định.
"Tự do tài chính là một trạng thái, không phải là đích đến cuối cùng"
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: Nếu tự do tài chính không phải là có thật nhiều tiền, vậy nó là gì?
"Nhiều người nghĩ tôi đạt được tự do tài chính khi tôi kiếm được thật nhiều tiền nhưng mà sai rồi! Khi bạn có 100 triệu đầu tiên, bạn sẽ muốn có 200 triệu, rồi 1 tỷ, 5 tỷ, hoặc thậm chí 100 tỷ. Đó là những cột mốc mà mỗi người có thể đặt ra để phấn đấu, nhưng không phải là sự tự do tài chính. Câu chuyện đến cuối cùng vẫn quay về vấn đề kiểm soát cơn nghiện mua sắm nói riêng và chi tiêu nói chung. Nếu không, có bao nhiêu tiền cũng vẫn là không đủ để tự do.
Trinh nghĩ phần lớn chúng ta đều đã từng có sự tự do tài chính trong đời. Nó đơn giản là cảm giác an tâm, không phải nơm nớp lo mình không đủ tiền khi muốn mua thứ này, làm việc kia; hay có thể dành một khoản tiền ra để tiết kiệm mà vẫn sống thoải mái. Thế nên Trinh tin tự do tài chính là một trạng thái, không phải là đích đến cuối cùng" - BTV Ngọc Trinh đưa ra đáp án cho câu hỏi tự do tài chính là gì.
Cách ví von của Ngọc Trinh rất hay, cô cho rằng việc duy trì sự tự do tài chính cũng chẳng khác gì việc nỗ lực duy trì một thân hình khỏe đẹp.
"Bạn muốn có cơ bụng 6 múi, bạn phải ăn lành mạnh, phải dành thời gian tập luyện. Bạn đạt được mục tiêu rồi mà không cố gắng kỷ luật để duy trì, nay ăn 2 cái bánh chưng, mai uống 3 cốc trà sữa, thì 6 múi cũng biến thành 2 múi hoặc thậm chí không múi nào. Tự do tài chính cũng y hệt như thế. Đạt được trạng thái tự do tài chính và duy trì trạng thái ấy đều cần sự kỷ luật, nỗ lực như nhau".
Cuối cùng, Ngọc Trinh cũng dành một lời khuyên cho genZ - Thế hệ được coi là tương lai của nền kinh tế: "Khi còn trẻ, các bạn có thể chưa có nhiều tiền nhưng đổi lại, bạn có một đặc quyền khác, chính là thời gian. Hãy quản lý thời gian của mình thật tốt, đó là nền tảng cho sức khỏe tài chính của chính bạn về sau.
Đừng quá sa đà vào những thú vui tạm thời, đừng dùng cảm xúc để tiêu tiền và phải thật cẩn trọng trong việc hình thành thói quen chi tiêu. Mọi cơn nghiện đều bắt đầu từ những thói quen nhỏ mỗi ngày. Một món đồ bạn mua, cái giá bạn phải trả có thể không chỉ đơn thuần là giá thành của sản phẩm đó mà còn có thể là cả thời gian và sức lực về sau".