Biết cách kiểm soát chi tiêu là bước đầu tiên để hình thành thói quen tiết kiệm. Sự thật này, có lẽ chúng ta đều đã biết. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng hơn cần được làm rõ: Như thế nào là kiểm soát chi tiêu hiệu quả, để tiết kiệm không trở thành một thói quen làm suy giảm chất lượng sống?
Để trả lời được câu hỏi này, hãy cùng điểm qua 3 hành vi thắt chặt hầu bao thái quá dưới đây vì rõ ràng, chẳng ai trong chúng ta không đặt mục tiêu tiết kiệm để phải sống khổ hoặc biến đời mình thành thước phim nhạt nhẽo trăm ngày không một khoảnh khắc cao trào, vui sướng.
1 - Mù quáng đâm đầu mua đồ rẻ
Sản phẩm giá rẻ không có tội, chọn sản phẩm giá rẻ với chất lượng "không tốt lắm" cũng chưa chắc là một lựa chọn đáng lên án, trong hoàn cảnh bạn đang muốn giảm chi ở mức tối đa. Ví dụ thế này cho dễ hiểu: Bạn mua một đôi giày 199k, đi được chừng 1-2 tháng là đế bắt đầu long ra.
Ảnh minh họa |
Ai cũng biết những món đồ quá rẻ thường dễ hỏng.
Trong trường hợp với đôi giày long đế này, bạn hoàn toàn có thể mua tuýp keo dán giày chưa đến 30k, đế cứ long ra lại nhồi keo vào, đi thêm 3-4 tháng nữa vẫn được luôn. Lựa chọn này của bạn chẳng ảnh hưởng tới ai, bạn hoàn toàn có thể làm vậy nếu muốn tiết kiệm.
Tuy nhiên, có một thứ mà bạn không bao giờ nên ưu tiên ngay cả khi chúng rẻ: Thực phẩm.
Không phải tự nhiên mà người ta lại bảo "bệnh đều từ miệng mà ra". Lựa chọn thực phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, xuất xứ chính là "mối họa" với sức khỏe của bản thân.
2 - Từ chối sử dụng dịch vụ, chỉ trông cậy vào bản thân
Bạn đã bao giờ cảm thấy không khỏe trong người (đau đầu, đau bụng,...) và thay vì đi tới viện để khám, bạn quyết định lao ra hiệu thuốc và mua vài viên giảm đau hoặc nhận đơn thuốc theo tư vấn của trình dược viên? Nếu may mắn chỉ là ốm vặt, bạn có thể khỏi sau vài ngày; còn nếu không, cuối cùng bạn vẫn phải "lết" tới viện đi khám.
Hoặc giả như, ống nước dẫn nước trong phòng tắm của bạn bị vỡ một đoạn. Thay vì thuê người tới sửa lại, bạn nghĩ rằng cái việc này dễ ợt, mình có thể tự đi mua ống dẫn về thay. Cho tới khi bắt tay vào làm mới thấy bản thân lóng nga lóng ngóng, lắp mãi mà các khớp nối chắc nhập vào nhau. Cuối cùng, bạn vẫn phải thuê người tới sửa.
Đưa ra hai ví dụ này để bạn hiểu rằng không phải lúc nào việc tự giải quyết vấn đề cũng đồng nghĩa với tiết kiệm. Nếu nó không làm tổn hại đến sức khỏe, thì cũng khiến bạn tốn thời gian một cách vô nghĩa.
Thế nên nếu gặp vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết, xử lý của bản thân, đừng ngại chi tiền cho các dịch vụ chuyên nghiệp.
3 - Quá khắt khe và không một lần chiều chuộng hay nâng cấp bản thân
Đi du lịch? - Không.
Trải nghiệm các nhà hàng, quán ăn mới? - Cũng không.
Nếu bạn nói không với cả 2 gạch đầu dòng kể trên, vậy thì cách để bạn thư giãn và tăng vốn sống là gì?
Ảnh minh họa |
Nhiều người có thể nói rằng tôi tìm được sự thư giãn từ những thứ không tốn tiền, như chạy bộ ngoài công viên chẳng hạn? Điều này có thể đúng nhưng nó không phải là hoạt động có thể giúp bạn thư giãn, đồng thời, tăng vốn sống.
Chi quá nhiều tiền để ăn chơi, hưởng thụ là điều không nên nhưng không chi 1 đồng nào cho việc ăn chơi, hưởng thụ cũng chẳng phải nước đi đáng hoan nghênh, học hỏi. Vì suy cho cùng, cuộc sống đâu chỉ xoay quanh mỗi việc tiết kiệm tiền?
Quá chi li với nhu cầu được thư giãn, được trải nghiệm của bản thân khiến cuộc sống của bạn trở nên đơn điệu và nhạt nhẽo vô cùng.
Harv Eker - Chuyên gia tài chính, đồng thời là tác giả của 2 cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth) khuyên bạn nên dành 10% thu nhập hàng tháng cho quỹ thư giãn, trải nghiệm.
Sau khi đã "chỉ mặt điểm tên" 3 hành vi tiết kiệm vô nghĩa rồi, giờ thử tự hỏi chính mình xem bản thân đã biết cách kiểm soát chi tiêu đúng đắn, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời bạn đưa ra lúc này mới là đáp án ít sai số nhất đấy.