Leslie Tayne - Luật sư trong lĩnh vực Tài chính của công ty luật Tayne Law Group (Mỹ), cho biết: "Một trong những lý do phổ biến nhất khiến các thân chủ của tôi gặp rắc rối về tài chính chính là việc chi tiêu thiếu kiểm soát hoặc kiểm soát không hiệu quả".
Leslie Tayne |
Sau đó, Leslie Tyane đã chỉ ra 5 sai lầm gây hao sản mà cô thấy nhiều người đang mắc phải, khiến họ cứ mãi "chôn chân" trong sự nghèo khó.
1 - Chỉ thanh toán thẻ tín dụng ở mức tối thiểu
Tayne khuyên bạn nên thanh toán hết dư nợ tín dụng nếu có thể và hạn chế tối đa việc thanh toán số dư tối thiểu.
Cô cho biết có không ít người chỉ thực hiện thanh toán số dư tối thiểu của khoản nợ thẻ tín dụng trong khi họ hoàn toàn có khả năng thanh toán hết dư nợ.
"Nếu chỉ thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu cho thẻ tín dụng mỗi kỳ sao kê, bạn sẽ phải trả mức lãi suất ngày càng cao và dư nợ tín dụng của bạn cũng nhanh chóng tăng vọt" - Tayne khẳng định.
Vị luật sư này cũng chia sẻ thêm rằng trong trường hợp bạn không đủ khả năng thanh toán hết dư nợ tín dụng, ít nhất hãy đảm bảo việc thanh toán số dư tối thiểu đúng hạn.
2 - Thường xuyên chi tiêu theo cảm xúc
Chi tiêu theo cảm xúc là việc thường xảy ra vào những lúc chúng ta cảm thấy buồn chán. Theo quan điểm của Tayne, việc nuông chiều cảm xúc của bản thân trong việc chi tiêu có thể gây tổn hại lớn cho tình hình tài chính.
"Tất nhiên, sẽ có lúc bạn muốn chiều chuộng bản thân và mua một thứ gì đó mới - đó là bản chất của con người. Nhưng cảm xúc là thứ luôn thay đổi, bạn không nên để chúng thay mình quyết định việc tiêu tiền, nhất là khi việc chi tiêu theo cảm xúc đã từng khiến bạn hết sạch tiền hoặc mắc nợ" - Tayne khẳng định.
Thay vì chiều theo mọi xung động cảm xúc, Tayne khuyên bạn nên cố gắng đặt ra mục tiêu mua sắm và quyết tâm nói không với những món đồ không có tên trong danh sách "được phép mua" của mình. Ngoài ra, hãy để những món đồ bạn muốn mua nằm yên trong giỏ hàng trong vòng 48 tiếng trước khi chốt đơn. Tayne cho rằng cách này sẽ khiến bạn nhận ra nhiều khi bạn không thực sự cần món đồ bạn thích.
3 - Trả tiền cho hàng đống ứng dụng chỉ dùng vài lần
Đôi khi chúng ta trả tiền cho "cả ngàn" ứng dụng trong điện thoại mà chẳng mấy khi sử dụng. Tayne khuyên bạn nên tải ứng dụng miễn phí có tên Truebill về điện thoại. Ứng dụng này có thể giúp bạn xác định dịch vụ bạn đang trả tiền nhưng không sử dụng.
Ảnh minh họa |
Tayne cho rằng bạn nên đánh giá lại lối sống và thói quen chi tiêu của bạn càng sớm càng tốt, bằng cách ưu tiên các đăng ký những dịch vụ bản thân thường xuyên sử dụng, chia chúng theo từng danh mục (chẳng hạn như thể dục, giải trí, tin tức, ứng dụng hẹn hò,...) để tiện theo dõi.
4 - Tâm lý "đến đấy mua cho tiện"
Tayne đưa ra ví dụ thế này: Bạn đi cắm trại ở ngoại ô nhưng lại chẳng mang theo đồ ăn vì nghĩ rằng cửa hàng tiện lợi có đủ cả. Và thế là bạn tốn tiền một cách vô nghĩa vì so với chi phí tự chuẩn bị đồ ăn mang theo, tiền mua đồ từ cửa hàng tiện lợi rõ là đắt hơn nhiều.
Để hạn chế việc tốn tiềnmua sự tiện lợi, Tayne khuyên bạn nên lên kế hoạch rõ ràng trước mỗi chuyến đi chơi, dù là ngắn ngày hay dài ngày và nên ưu tiên việc tự chuẩn bị những thứ có thể thay vì đi mua.
5 - Theo đuổi lối sống hào nhoáng vô nghĩa
Theo đuổi sự hào nhoáng, sang chảnh để được tôn trọng và có cảm giác "mình có chỗ đứng trong xã hội" là thói quen gây hao sản mà rất nhiều người đang mắc phải. Bạn sẽ cảm thấy thôi thúc phải mua một món đồ hàng hiệu, không phải vì bạn cần mà vì mọi người đều đang sở hữu chúng.
Tayne cho biết việc theo đuổi lối sống hào nhoáng và thường xuyên so sánh bản thân với người khác xảy ra với gần như tất cả các khách hàng của cô. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến họ mắc nợ.
"Để hạn chế việc mắc nợ vì lối sống hào nhoáng, không có cách nào khác ngoài việc thành thật với chính mình và có cái nhìn trực diện vào tình hình tài chính của bản thân. Đôi khi, bạn cũng phải chấp nhận rằng mình không có khả năng mua một chiếc túi hiệu mà không mắc nợ. Không làm được việc này, bạn có khả năng cao sẽ mắc các khoản nợ tín dụng hoặc nợ trả góp" - Tayne khẳng định.