• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“4 tránh, 5 chăm” giúp bàng quang của bạn luôn khỏe mạnh

Bàng quang rất dễ mắc bệnh, phổ biến nhất là viêm nhiễm bởi những thói quen vô cùng nhỏ...

Bàng quang là cơ quan rỗng, nằm ở dưới phúc mạc, ngay sau khớp mu. Khi rỗng, bàng quang nằm hoàn toàn trong phần trước vùng chậu, phía sau là trực tràng và tạng sinh dục. Còn khi chứa đầy nước tiểu, bàng quang căng lên thành hình cầu, vượt lên trên khớp mu và nằm trong ổ bụng.

Về chức năng, bàng quang là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu ra ngoài thông qua đường niệu đạo, ngoài ra còn có vai trò dự trữ nước tiểu cho cơ thể. Điều đáng lo là bàng quang cũng là cơ quan rất dễ bị viêm nhiễm, mắc bệnh. Phổ biến như viêm bàng quang, viêm bàng quang kích thích, bàng quang tăng hoạt, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang…

Theo Viện Lão hóa Quốc gia Mỹ (NIA), người lớn thải khoảng 1.5 lít nước tiểu qua bàng quang và ra khỏi cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên, khi chúng ta già đi và thay đổi, sức khỏe bàng quang của chúng ta cũng vậy. Mặc dù chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ xảy ra với bàng quang theo thời gian, nhưng có một số bước chúng ta có thể thực hiện để giữ cho bàng quang khỏe mạnh nhất có thể. Dưới đây là “4 tránh, 5 chăm” bạn cần làm để có sức khỏe bàng quang tốt hơn:

4 việc nên tránh để bàng quang khỏe mạnh hơn

Nếu muốn bàng quang khỏe mạnh, dù là nam hay nữ cũng hãy nhớ tránh xa hoặc hạn chế 4 việc sau đây:

Nhịn tiểu: Một trong những thói xấu “tàn phá” bàng quang nhanh nhất là nhịn tiểu thường xuyên. Theo NIA, việc nhịn tiểu dẫn tới giữ nước tiểu trong bàng quang quá lâu, từ đó làm suy yếu cơ bàng quang và tăng nguy cơ nhiễm trùng, hình thành sỏi.

  Nhịn tiểu thường xuyên không chỉ hại thận mà còn “tàn phá” bàng quang rất nhanh (Ảnh minh họa)

Nhịn tiểu thường xuyên không chỉ hại thận mà còn “tàn phá” bàng quang rất nhanh (Ảnh minh họa)

Uống quá nhiều cà phê, bia rượu: Lạm dụng đồ uống có cồn hoặc chứa caffein có thể gây khó chịu cho bàng quang và làm tăng các triệu chứng như thường xuyên đi vệ sinh hoặc buồn tiểu gấp. Chưa kể, chúng cũng khiến hệ tiết niệu phải làm việc quá sức và tăng nguy cơ viêm. Nếu không thể tránh xa, ít nhất hãy dùng chúng một cách điều độ nhé!

Vội vàng khi đi vệ sinh: Hầu hết chúng ta có xu hướng muốn quá trình vào nhà vệ sinh, đi tiểu diễn ra càng nhanh càng tốt. Nhưng hành vi này gây hại cho sức khỏe bàng quang theo 2 cách. Một là tiểu quá nhanh, lực rặn mạnh gây áp lực cho bàng quang, ảnh hưởng tới độ đàn hồi. Hai là có thể không khiến bàng quang trống rỗng hoàn toàn, nghĩa là bạn tiểu chưa hết. Nếu nước tiểu đọng lại trong bàng quang quá lâu, nhiễm trùng bàng quang có thể phát triển. Vì vậy hãy dành thời gian đi vệ sinh hợp lý, tiểu từ từ và kiên trì tới khi hết nước tiểu trong bàng quang.

Hút thuốc: Các vấn đề sức khỏe về bàng quang phổ biến hơn ở những người hút thuốc. Hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang do nhiều lý do, nhất là các chất độc hại trong thuốc lá. Để bàng quang khỏe mạnh, tốt nhất hãy tránh xa hoặc bỏ thuốc càng sớm càng tốt!

5 thói quen tốt cho bàng quang của bạn

Bên cạnh những việc cần tránh, cũng có những thói quen tốt mà bạn nên làm để giữ cho bàng quang khỏe mạnh, cải thiện hoặc phòng ngừa bệnh tật liên quan. Ví dụ như 5 việc được NIA khuyến khích sau đây:

Uống nước đúng cách: Theo NIA, điều quan trọng nhất nhưng cũng đơn giản nhất để bảo vệ bàng quang là hãy uống đủ nước. Mặc dù tùy theo cân nặng, hoạt động thể chất, khí hậu… mà lượng nước mỗi người cần sẽ khác nhau, nhưng về cơ bản là hãy uống khoảng 1.5 - 2 lít mỗi ngày. Bởi chúng ta sẽ thải khoảng 1.5 lít nước tiểu qua bàng quang và ra khỏi cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra, đừng uống quá nhiều cùng lúc mà cần rải rác ra cả ngày, uống chậm rãi từng ngụm nhỏ để tốt cho thận cũng như bàng quang.

  Uống đủ nước là thói quen tốt cho thận và bàng quang của bạn (Ảnh minh họa)

Uống đủ nước là thói quen tốt cho thận và bàng quang của bạn (Ảnh minh họa)

Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Theo NIA, những người thừa cân có thể có nguy cơ bị rò rỉ nước tiểu cao hơn. Đồng thời, thừa cân béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, tác động xấu tới cơ sàn chậu - dễ gây rò rỉ nước tiểu. Điều đó có nghĩa là hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên và lựa chọn thực phẩm có ý thức có thể giúp ích cho sức khỏe tổng thể của bàng quang nhờ kiểm soát chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức trung bình.

Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Hoạt động tình dục có thể di chuyển vi khuẩn từ ruột hoặc khoang âm đạo đến lỗ niệu đạo. Cả nam giới và phụ nữ nên cố gắng đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ nhiễm trùng, bảo vệ bàng quang và hệ tiết niệu, cơ quan sinh dục nhé!

Thực hiện các bài tập sàn chậu: Các bài tập sàn chậu, còn được gọi là Kegels, giúp giữ nước tiểu trong bàng quang và cải thiện hệ tiết niệu. Nếu chăm chỉ tập chúng, cơ sàn chậu sẽ khỏe hơn, giúp nước tiểu không bị rò rỉ khi bạn ho, nâng vật gì đó hoặc hắt hơi - nguyên nhân gây viêm nhiễm và nhiều bệnh bàng quang khác. Các bài tập sàn chậu cũng có thể giúp tránh nhiễm trùng bàng quang bằng cách tăng cường các cơ giúp làm trống bàng quang.

  Tập thể dục, nhất là bài tập Kegels giúp hạn chế nhiều bệnh đường tiết niệu (Ảnh minh họa)

Tập thể dục, nhất là bài tập Kegels giúp hạn chế nhiều bệnh đường tiết niệu (Ảnh minh họa)

Giữ khu vực niệu đạo khô thoáng, thoải mái: NIA cho biết, để làm được điều này, hãy luôn tiểu hết nước tiểu - làm rỗng bàng quang hoàn toàn khi đi vệ sinh, sau đó thấm khô đúng cách. Bên cạnh đó, hãy ưu tiên chọn các loại đồ lót mềm mại, thoáng mát (ví dụ như cotton) và dáng quần không bó sát quá độ. Điều đó nhằm giữ cho khu vực xung quanh niệu đạo khô ráo và không bị ẩm thêm, nhất là vào mùa hè dễ toát mồ hôi. Nếu cọ xát quá nhiều, bí bách, ẩm ướt sẽ dễ gây tổn thương, viêm nhiễm.

Nguồn và ảnh: MSN, webMD, Healthline

Ngọc Ái

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật