• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Đại dịch" làm đẹp: Khi sắc đẹp trở thành một căn bệnh

"Dịch bệnh làm đẹp" là những chuyện xảy ra khi phụ nữ tốn quá nhiều thời gian để lo lắng...

Tiến sĩ Renee Engeln là một nhà tâm lý học và nghiên cứu hình ảnh cơ thể tại Đại học Northwestern (Mỹ). Các nghiên cứu của Tiến sĩ Engeln tập trung vào các vấn đề xung quanh hình ảnh cơ thể của phụ nữ. Cô nhận bằng tiến sĩ tâm lý học xã hội tại Đại học Loyola Chicago năm 2004 và bằng thạc sĩ tâm lý học lâm sàng tại Đại học Miami năm 1999.

Mới đây nhất, Renee Engeln đã xuất bản cuốn sách có tựa đề "Beauty sick" (Dịch bệnh làm đẹp) với mong muốn giúp phụ nữ suy nghĩ tích cực về bản thân bất kể hình dạng cơ thể. Tiến sĩ Engeln đưa ra ý kiến rằng, chúng ta nên hạn chế "căn bệnh" ám ảnh về làm đẹp, bà hi vọng về một thế giới nơi mà phụ nữ có thể dành ít thời gian hơn trước gương và thay đổi thế giới nhiều hơn.

Theo Engeln, trong xã hội ngày nay, các bé gái lớn lên luôn được dạy dỗ rằng, sắc đẹp là yếu tố quan trọng nhất của người phụ nữ. Các phương tiện truyền thông tập trung chê bai những người phụ nữ không đáp ứng được cái đẹp tiêu chuẩn đã dẫn đến việc khiến cho những người phụ nữ đang trở nên tranh cãi với chính phụ nữ, và cho phép những người đàn ông bình luận đánh giá về ngoại hình của phụ nữ như một điều hoàn toàn bình thường. 

Sự tập trung quá lớn vào vẻ bên ngoài đã dẫn đến việc hạn chế nhận thức, tư duy, kinh tế và cảm xúc vào các mục tiêu cũng như ý nghĩa khác của cuộc sống. 

Dưới đây, tạp chí Phụ nữ mới xin giới thiệu bài phát biểu của Engeln về Đại dịch làm đẹp tại TEDxUConn 2013 (một tổ chức bao gồm các chuyên gia, diễn giả nổi tiếng trên toàn thế giới, được tạo ra với sứ mệnh nghiên cứu và chia sẻ những ý tưởng có ý nghĩa với con người - PV) do nhóm Tamlyhoctoipham lược dịch:

Bài phát biển của Engeln tại TEDxUConn 2013

Nguyên văn bài phát biểu của Renee Engeln như sau:

"Chủ đề ngày hôm nay là về tương lai. Tôi sẽ nói về một dịch bệnh đang gia tăng và chúng ta có thể làm gì để chặn đứng nó. Nhưng trước tiên tôi sẽ bắt đầu từ quá khứ.

Khoảng 15 năm trước, tôi là một nghiên cứu sinh trẻ đầy nhiệt huyết và tôi đã dành rất nhiều thời gian cho công việc giảng dạy. Tôi rất quý các sinh viên của mình, tôi hiểu các em ấy rất rõ, và tôi càng nghe câu chuyện của các sinh viên nữ, tôi càng nhận ra một điều khó khăn. Những phụ nữ trẻ, thông minh, tài năng ấy đã dành khoảng thời gian đáng báo động để suy nghĩ, nói đến, cố gắng thay đổi ngoại hình của họ. Họ rất muốn bản thân xinh đẹp hơn.

Hiện nay, quan điểm của chúng ta về nhan sắc khá phức tạp. Chúng có gốc rễ từ tiến hóa. Từ góc độ khoa học, nhan sắc không chỉ đáng thèm muốn mà còn hiếm hoi. Vì vậy, điều gây ấn tượng cho tôi không phải là những cô gái ấy muốn cảm thấy xinh đẹp hơn, hay họ lúc nào cũng không cảm thấy mình đẹp. Thay vào đó, điều khiến tôi bàng hoàng là công cuộc truy tìm cái đẹp của họ dường như đôi lúc chi phối, áp đảo những mục tiêu hay sở thích khác của họ. Đó là những cô gái trẻ chỉ mới bắt đầu cuộc sống trưởng thành của mình và họ đã thấy lo lắng. Họ lo rằng trông mình quá béo, họ lo làn da mình không được căng mịn, họ lo rằng mới 20 tuổi mà da đã nhăn nheo, họ lo rằng mình không giống như một người mẫu mặc đồ tắm trên tạp chí Sports hay một thiên thần của Victoria’s Secret. Họ lo rằng họ có vùng mỡ tích tụ dưới da, họ lo rằng họ không mặc vừa size 00, và tôi thấy lo cho họ.

Vì vậy tôi đã tìm đến cố vấn sau đại học của tôi và nói, “Tôi có một ý tưởng, phải, đây là thứ mà tôi sẽ nghiên cứu, điều này sẽ là hoài bão của tôi, và cụ thể tôi sẽ xem xét những hình ảnh kiểu này có thể ảnh hưởng ra sao đến phụ nữ.”

Và bà ấy đáp, “Mm, đừng bận tâm. Em không cần phải quan tâm đến việc đó,” bà nói, “bởi vì những phụ nữ thông minh thì họ biết rõ hơn. Họ hiểu biết tốt hơn và không để mình bị tác động bởi những thứ như hình ảnh trên các phương tiện truyền thông.”

Và tôi nói, “Vâng, đó là một vấn đề theo kinh nghiệm.”

Dựa trên nghiên cứu mà tôi đã thực hiện kể từ hồi đó, tôi phải thừa nhận là bà ấy nói đúng. Xét về phương diện nào đó, phụ nữ có hiểu biết tốt hơn. Đây là một quảng cáo mà tôi dùng ở một trong các nghiên cứu của mình và tôi sẽ cho các bạn thấy những câu trả lời thu được từ những người tham gia nghiên cứu.

Phụ nữ hiểu rằng những hình ảnh về phái nữ mà họ thấy trên các phương tiện truyền thông thường là gầy một cách khác thường, thậm chí có thể mắc rối loạn ăn uống. Họ biết rằng những phụ nữ họ thấy trong các tấm ảnh đó không đại diện cho dân số chung của phụ nữ, họ hiểu rằng những người đó là ngoại lệ về mặt thống kê. Và trên hết, phụ nữ ý thức rất rõ là trong đời thực, chẳng có ai trông giống như thế cả. Vì vậy, đó là tin tốt, phụ nữ hiểu biết tốt hơn, họ biết về chứng rối loạn ăn uống, họ biết đến Photoshop, điều đó thật tuyệt.

Còn đây là tin xấu, nó chẳng có tác dụng gì, nó dường như không quan trọng. Hiểu biết tốt hơn vẫn chưa đủ. Người phụ nữ tương tự đã nói câu này, ví dụ, “Kiểu cơ thể này gầy một cách khác thường, gầy trơ xương sườn,” và bạn thì đại loại như thế này: yeah, được đấy. Cô ấy lại tiếp tục bằng những câu, “Tôi không gầy được như vậy. Tôi có nên tìm đến các chương trình giảm cân toàn diện và nhuộm da, mạo hiểm sức khỏe của tôi? Tôi muốn trông giống như thế, tôi ước mình là người mẫu. Có lẽ sau khi thấy tấm hình này, tôi sẽ không muốn ăn uống gì nữa.”  

Đây không phải là một thất bại của việc xử lý thông tin, cũng không phải là thất bại của trí tuệ, và chắc chắn không phải là thất bại trong việc nhận thức sáng suốt hơn. Mà đây là đại dịch làm đẹp, và đó là điều tôi sắp trình bày hôm nay.

Tiến sĩ Renee Engeln
Tiến sĩ Renee Engeln

Bây giờ, có phải chỉ mỗi phụ nữ mới mắc phải dịch bệnh làm đẹp không? Không, nó cũng có thể gây khổ sở cho cả đàn ông nữa, nhưng phụ nữ có nhiều khả năng ghét cơ thể của họ hơn. Phụ nữ chi nhiều tiền hơn cho nhan sắc, họ mất nhiều thời gian hơn cho nhan sắc, họ có nguy cơ mắc chứng chán ăn và cuồng ăn cao gấp 10 lần. Phụ nữ có nhiều khả năng nhận được những lời bình phẩm từ bạn bè, người yêu và thỉnh thoảng là những người xa lạ về vẻ ngoài của họ. Có hơn 1,5 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ ở Mỹ vào năm 2012. Gần 90% trong số đó là phụ nữ. Bởi thế hôm nay tôi sẽ nói về phụ nữ. 

Những triệu chứng của đại dịch làm đẹp là gì? Tôi nhìn thấy dịch bệnh làm đẹp khi phụ nữ, là những nữ sinh đại học chính quy, chứ không phải người mẫu chuyên nghiệp, nói với tôi họ biết chính xác cần làm gì khi có ai đó rút máy ảnh ra. Những nữ sinh mà tôi dạy có tư thế cho nó— Tôi sẽ biểu diễn ở đây.  

Đây là một trong các sinh viên của tôi rất tốt bụng khi cho phép tôi dùng bức ảnh này vào bài trình chiếu. Còn đây là 2 người khác đang thể hiện tư thế như một trò đùa tại sự kiện khiêu vũ. Tư thế này ở đâu cũng có.

Vậy có gì sai khi muốn tạo dáng như thế khi bạn được chụp ảnh? Không có gì– nhưng đó là câu đáng hỏi, làm sao mà chúng ta lại đến mức mà quá nhiều thời gian và năng lượng của phụ nữ bị bòn rút bởi những mối bận tâm từng chỉ thuộc về giới người mẫu và diễn viên chuyên nghiệp?

Và quan trọng hơn, chuyện gì xảy ra với phụ nữ khi nguồn năng lượng của họ quá tập trung vào ngoại hình của bản thân? Vẻ đẹp hình thể bao gồm một số đặc điểm, nhưng với phụ nữ thì có một thứ che khuất tất cả những thứ khác về tầm quan trọng. Bạn có biết đó là gì không? Yeah, đó là cân nặng, là kích thước cơ thể. Có 1 thống kê thường được bàn tán trong các cuộc nói chuyện về nỗi ám ảnh với kích thước cơ thể của phụ nữ, nhưng thực ra đến từ một cuộc khảo sát trên tạp chí Esquire năm 1994. Nhưng nó nhận được rất nhiều chú ý, bởi vì, rõ ràng, 54% phụ nữ nói họ thà bị xe tải tông còn hơn là béo. Đầu tiên tôi muốn xác nhận rằng Esquire không phải là nơi chúng ta tìm đến để có các nghiên cứu khoa học cẩn thận đáng tin cậy. Nhưng tôi thấy kinh ngạc trước những câu trả lời trong thống kê này. Tôi khơi vấn đề này ra trước lớp một lần. Tôi nói, “Này cả lớp, 54% phụ nữ nói họ thà bị xe tải tông còn hơn là béo.” Và tôi mong chờ nhìn thấy vẻ phẫn nộ của họ.

Nhưng thay vì nhìn thấy nỗi khiếp sợ trên khuôn mặt của các nữ sinh viên, tôi nghe một loạt câu hỏi như “Chiếc xe to ra sao?” “Loại xe tải gì?” “Nó nhanh cỡ nào?” và, “Chính xác thì nó gây thương tích chừng nào?” Và thực ra cũng có lý, Tôi cho rằng bị xe tải tông có thể gây thương tổn. Nhưng còn có một thứ khác cũng gây tổn thương, và đó là sống trong một nền văn hóa mà bạn bị tấn công dồn dập bởi 3 thông điệp này, hết lần này tới lần khác và lặp đi lặp lại: Thông điệp một: Nhan sắc Xinh đẹp là thứ quan trọng nhất, quyền lực nhất mà một cô gái hay một phụ nữ có thể sở hữu. Thông điệp hai: Vẻ ngoài xinh đẹp trông như vầy, và, Thông điệp ba, đôi lúc tồn tại ngầm, nó thỉnh thoảng chỉ là một suy luận: Bạn không giống như thế này. Trong các nghiên cứu trong phòng thực nghiệm, khi chúng ta cho phụ nữ tiếp xúc với những hình ảnh như thế này, dù chỉ trong vài phút, nó làm tăng trầm cảm và xấu hổ, nó hạ thấp lòng tự trọng, hạ thấp sự thỏa mãn cơ thể, đây là dịch bệnh làm đẹp.

Cảm nhận của chúng ta về đâu là thật đâu là giả, đâu là khả thi khi nói đến sắc đẹp, bị sai lạc bởi sự tiếp xúc quá mức của chúng ta với những hình ảnh này. Thay vì nhìn đúng bản chất của chúng, vốn là vẻ đẹp ngoại lệ hiếm hoi, chúng ta bắt đầu xem đây là vẻ đẹp trung bình hay điển hình. Bạn có thể nhìn khắp thế giới và bạn có thể thấy đàn ông và phụ nữ đang ngày càng béo ra, nhưng cơ thể lý tưởng cho phụ nữ thì đang ngày càng gầy đi, do đó khoảng cách giữa một phụ nữ là gì và điều mà cô ấy khao khát trở thành ngày một lớn hơn. Nó không phải là khoảng cách nhỏ, đó là một vực thẳm. Nếu bạn nhìn vào vực thẳm đó, bạn sẽ nhìn thấy đại dịch làm đẹp.

Khi các nhà tâm lý học tiến hóa nhìn những hình ảnh kiểu này, họ sẽ cho rằng kiểu sắc đẹp ấy giống như đường. Trong thời hiện đại, chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường, với liều lượng quá cao. Bộ não của chúng ta không biết cần phải làm gì với nó. Nó không tốt cho ta. Nó gửi đến thông điệp: đây là điều điển hình, cho dù thực tế không đúng. Vì vậy nó làm sai lạc cảm nhận của chúng ta về đâu là thật đâu là giả, nó làm chúng ta phát ốm.

Tôi còn nhìn thấy những dấu hiệu nào khác trong nền văn hóa đại dịch làm đẹp của chúng ta? Nếu chúng ta theo dõi các nguồn tin tức trên mạng, chà - chúng ta sẽ chọn tờ “The Huffington Post” — chúng bao gồm những thứ như tội phạm và chính trị, tin tức thế giới và giáo dục, rồi, bạn biết đấy, chúng cũng bao gồm nhiều thứ quan trọng, như phụ nữ nổi tiếng trông thế nào, họ mặc đồ gì, họ có tăng cân không, họ giảm cân như thế nào. Tất cả được đăng trong cùng một ngày trên “The Huffington Post”, hai trong số đó được đăng ngay trang nhất, khi tôi chụp lại màn hình. 

Dịch bệnh làm đẹp là những chuyện xảy ra khi phụ nữ tốn quá nhiều thời gian để lo lắng, không phải lo cho các mục tiêu học hành, sự nghiệp của họ, gia đình hay mối quan hệ của họ, hay thực trạng kinh tế, tình trạng môi trường, tình hình thế giới, mà vì họ quá bận rộn lo nghĩ đến mục tiêu giảm cân của họ, chế độ chăm sóc làn da, tình trạng cơ bụng, đùi của họ

Theo một loạt quan điểm được gọi là lý thuyết vật thể hóa, nó như thế này. Phụ nữ sống trong một thế giới mà họ được dạy rằng loại hình tiền tệ chủ yếu của họ là ngoại hình. Và bạn không thể thoát khỏi nó. Bạn đi xuống phố và mọi người bình phẩm về vẻ ngoài của bạn, các nhà quảng cáo thì khuyên bạn cách làm sao để trông xinh đẹp hơn, các chương trình truyền hình, thậm chí tin tức, chế giễu những phụ nữ không đạt được các tiêu chuẩn nhan sắc truyền thống. Ngoại hình của bạn bị người khác quan sát thường xuyên tới nỗi theo thời gian, bạn tiếp nhận quan điểm đó, và bạn trở thành người quan sát đánh giá chính mình. Thay vì đi đây đi đó quan sát thế giới, bạn lại dành toàn bộ thời gian đó mà tưởng tượng xem trông mình như thế nào trong mắt thiên hạ. Mái tóc của mình ổn chưa nhỉ? Trán mình có sáng bóng không? Dáng mình đứng có thẳng không? Tôi có cười đúng kiểu không? Mấy cái quần jeans này có làm tôi trông mập lên không? Tôi có bị mỡ thừa ở eo và bụng không? Tôi có cánh tay gầy gầy? Tôi trông có ổn không? Bạn đã nội tâm hóa quan điểm này, rằng cơ thể bạn lúc nào cũng đang phơi bày trước người khác, luôn luôn bị đánh giá, vậy nên bạn tốt hơn là cần liên tục để mắt tới nó.    

Các nhà tâm lý học từ lâu đã cho chúng ta biết rằng chúng ta có nguồn lực nhận thức hữu hạn. Bởi vậy mặc cho sự phản đối của sinh viên, tôi vẫn cho rằng bạn không thể nào vừa lên Facebook và nhắn tin và tập trung vào bài giảng cùng một lúc. Bạn cũng không thể nào thường xuyên giám sát vẻ ngoài của cơ thể bạn và dấn thân vào thế giới. Đó là hậu quả tồi tệ nhất của đại dịch làm đẹp. Khi bạn nhiễm phải dịch bệnh làm đẹp, bạn không thể dấn thân vào thế giới, bởi vì giữa bạn và thế giới là một tấm gương. Và đó là tấm gương đi theo bạn đến khắp mọi nơi, bạn dường như không thể bỏ nó xuống. Chính dịch bệnh làm đẹp khiến phái nữ tự vật thể hóa (hạ thấp) bản thân, khiến các bé gái của chúng ta muốn lớn lên trở thành một phụ nữ (món đồ) gợi cảm.

Tôi có bài nói chuyện tại hội thảo vào mùa thu năm ngoái về những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, và tôi nhận được 1 câu hỏi từ một phụ nữ trẻ trong số khán giả. Và cô ấy hỏi, “Đây chẳng phải là quyền lực hay sao? Nếu phụ nữ có thể nhận được những thứ giá trị từ nền văn hóa này nhờ vào nhan sắc, thì tại sao chúng ta không nên xem nó như một dạng quyền lực mà chỉ duy nhất phụ nữ mới có?” Tôi hiểu ý cô ấy. Nhưng kiểu quyền lực gì mà lại quá phù du, kiểu quyền lực gì mà lại hết hạn khi bạn 30 tuổi, hay có thể là 40 tuổi, nếu bạn may mắn hay bạn là ngôi sao? Kiểu quyền lực gì mà lại tỉ lệ nghịch với việc đạt được trí tuệ và kinh nghiệm sống? Tôi muốn nhắc lại ở đây rằng chẳng có gì sai với nhan sắc cả. Bộ não của chúng ta rất nhạy cảm với sắc đẹp. Chúng ta biết nó khi ta nhìn thấy nó, chúng ta xử lý nó chỉ trong một phần nghìn giây. Khao khát được trở nên xinh đẹp, khao khát được mọi người ham muốn mình, nó không phải là thứ mà bạn có thể dập tắt hoàn toàn trong não bộ. Muốn mình xinh đẹp không phải là vấn đề; vấn đề là khi nhan sắc là tất cả những gì mà các cô gái trẻ và phụ nữ mong muốn. Tôi mong các cô gái trẻ và phụ nữ đều xinh đẹp, nhưng tôi còn mong họ còn đạt được nhiều hơn thế.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể xoay chuyển tình thế, chống lại dịch bệnh làm đẹp? Sau đây là một vài ý tưởng. Đầu tiên: hãy đầu tư ít hơn vào nhan sắc. Thay vào đó hãy đầu tư vào những thứ bền lâu, những thứ mà bạn không phải đấu tranh để duy trì vào tuổi trung niên hay tuổi già. Nếu các chương trình truyền hình kiểu này khiến cho bạn nghĩ nhiều hơn thay vì ít hơn về ngoại hình của bạn thì đừng xem chúng nữa. Nếu có những tạp chí làm bạn bị ám ảnh về một cơ thể lý tưởng mà phần lớn phụ nữ không bao giờ có thể đạt được trong thực tế, vậy thì đừng đọc nữa. Cố gắng đừng nghĩ về cơ thể bạn như một tập hợp các bộ phận để cho người khác nhìn ngắm. Hãy nghĩ về cơ thể của bạn như một thể thống nhất, như công cụ của bạn để khám phá thế giới. Ngừng lo lắng về kích thước của cặp đùi, và hãy nghĩ về sức mạnh của cặp đùi bạn, bởi vì suy cho cùng thì đôi chân ấy đang giúp bạn đi khắp thế gian. Và đừng nói về cánh tay trên của bạn cứ như thể nó đang bị “bệnh”. Đó là cánh tay giúp bạn vươn ra và mang những thứ bạn yêu thích lại gần bạn. Giống như mẫu quảng cáo chống lại chứng chán ăn này bảo rằng, đừng để người khác biến bạn thành một bộ xương; bạn không phải chỉ là cái cơ thể này. Bởi cơ thể bạn không phải dành để nhìn ngắm, mà nó được sinh ra để làm việc.

Một việc khác mà bạn có thể xem xét, giống như việc ngày nay một số người giới hạn thời gian xem màn hình thiết bị điện tử của con họ, đó là hạn chế thời gian soi gương của bạn. Và bởi vì bài nói chuyện này là về tương lai, nên đây là một cách trực tiếp mà bạn có thể tác động đến tương lai về dịch bệnh làm đẹp. Bạn có thể chấm dứt việc khen ngợi các cô con gái nhỏ của bạn rằng chúng thật xinh đẹp. Cũng đừng bảo rằng chúng xấu xí quá! Nhưng mỗi lần bạn cảm thấy muốn khen ngợi vẻ ngoài của một bé gái, hãy xem xét việc khen một trong những phẩm chất đáng yêu khác của cô bé. Bạn có cần trợ giúp không? Đây là một số ý tưởng. Hãy lưu ý khi cô bé thông minh hay chăm chỉ hay hào phóng hay kiên nhẫn hay tử tế hay dũng cảm, và khi bạn làm vậy, bạn đang làm suy yếu cái hệ thống dạy các cô gái rằng cách tốt nhất để đạt được địa vị xã hội ấy là theo đuổi nhan sắc.

Cố gắng nuôi dạy con gái xem ngoại hình của chúng như một phần phụ bên lề so với tính cách và nỗ lực chăm chỉ của chúng. Bạn có thể thay đổi cuộc trò chuyện này. Chúng ta sẽ không bao giờ sống trong một thế giới nơi mà vẻ đẹp không quan trọng. Bộ não của chúng ta không được tạo ra như thế. Nhưng chúng ta có thể sống trong một thế giới nơi vẻ đẹp có tầm quan trọng ít hơn, và tính cách quan thì quan trọng hơn. Và thực tế thì những thay đổi nhỏ trong cách chúng ta suy nghĩ, và cách chúng ta nói chuyện, tương tác với nhau có thể mở đường cho một tương lai tươi đẹp hơn."

(Bài dịch của nhóm Tamlyhoctoipham)

LA (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật