• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

7 gạch đầu dòng cần nhớ để mua đồ second hand như ý

Mua sắm đồ second hand có nhiều ưu điểm nhưng cũng có thể là cái “bẫy” ngọt ngào nếu...

Second hand là cách gọi những món đồ đã qua sử dụng và được bán lại. Đồ second hand được yêu thích bởi giá cả phải chăng, thiết kế khó tìm và tính độc nhất vô nhị, mỗi món hầu như chỉ có một. Với nhiều tín đồ thời trang cổ điển, đồ second hand giúp họ thỏa mãn sở thích với mức chi phí không quá đắt đỏ. Trong sự trở lại của thời trang retro, việc mua sắm đồ cũ càng trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để là một người mua second hand thông minh, bạn cần nắm rõ 7 nguyên tắc sau đây.

Đừng đi mua sắm với một “chiếc bụng đói”

Đi sắm đồ second hand mà không lên kế hoạch từ trước thì chẳng khác gì đi siêu thị khi bụng đang đói. Bạn sẽ bị thu hút bởi mọi thứ và dễ rơi vào tình trạng mua sắm quá đà. Trước khi đến cửa hàng, hãy lên một danh sách những món bạn muốn hoặc cần mua vào ứng dụng ghi chú trên điện thoại. Bạn nên xem qua tủ đồ của mình, xem món gì đã có rồi, tránh trường hợp mua lại những thứ giống nhau.

Ảnh: @taramilktea 
Ảnh: @taramilktea 

Ngoài ra, hãy lưu sẵn hình của những món đồ hoặc kiểu trang phục mà bạn muốn mua vào máy để tiện tham khảo. Cách này giúp bạn tiết kiệm thời gian và chọn đúng món đồ mình cần. Bạn cũng có thể cho nhân viên xem ảnh để họ tìm giúp bạn nơi treo những món đồ tương tự.

Chuẩn bị tâm thế thoải mái

Mua sắm thời trang không chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn mặc mà nó còn được xem như một loại hình giải trí, hẹn hò. Chính vì lý do đó mà chúng ta chỉ nên shopping khi thật sự khỏe mạnh, thoải mái và có hứng thú. Không mua sắm khi quá mệt mỏi hoặc thiếu ngủ.

Ảnh: @itscamilleco 
Ảnh: @itscamilleco 

Trước mỗi buổi mua sắm, bạn không nên để bụng quá đói nhưng cũng không nên ăn quá no, đồng thời chuẩn bị sẵn nước lọc. Quần áo secondhand được bày bán ở các cửa hàng lớn hoặc chợ thường bám nhiều bụi, vì vậy hãy chuẩn bị một chiếc khẩu trang mỏng và khăn giấy ướt trong túi xách.

Diện đúng trang phục

Bạn có biết, bộ trang phục bạn mặc đi mua sắm cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm trạng và hiệu quả của buổi shopping. Để thuận tiện cho việc thử đồ, hãy chọn các item gọn nhẹ, thoáng mát và dễ mặc vào cũng như cởi ra. Bên cạnh đó, hãy ưu tiên những món đồ cơ bản như áo thun trắng và quần jeans vì chúng có thể kết hợp với nhiều thứ khác nhau, giúp bạn dễ dàng đánh giá món đồ sắp mua.

Ảnh: Trash Is For Tossers 
Ảnh: Trash Is For Tossers 

Ngoài quần áo, giày và túi cũng đóng vai trò khá quan trọng. Bạn nên mang giày bệt, thiết kế đơn giản phòng khi phải thử giày liên tục. Túi đeo chéo gọn nhẹ hoặc túi vải mua sắm sẽ là lựa chọn lý tưởng thay cho các kiểu túi xách khác.

Đừng đi mua sắm một mình

Việc đi mua sắm cùng bạn bè hoặc người thân có khá nhiều ưu điểm. Tương tự như đi ăn uống hoặc dạo phố, có bạn đồng hành để trò chuyện sẽ giúp buổi shopping thêm phần thú vị. Người bạn đi cùng cũng có thể đưa ra cho bạn các lời khuyên hữu ích trước khi đưa ra quyết định mua hoặc đơn giản là giúp bạn tìm ra món đồ cần mua nhanh hơn.

Ảnh: @q2han 
Ảnh: @q2han 

Quan sát tổng thể để tiết kiệm thời gian

Thay vì bắt đầu từ gian treo đồ đầu tiên và tỉ mẩn xem từng món, bạn hãy nhìn lướt qua hết tất cả và chọn ra những món trông hợp mắt nhất. Để làm được điều này, bạn cần lập danh sách mua sắm như đã đề cập ở trên. Dựa vào kiểu đồ, màu sắc hoặc họa tiết mà bạn đã nghĩ sẵn trong đầu, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món mình đang tìm khi “quét” mắt qua mỗi gian đồ.

Ảnh: Lovetaupo 
Ảnh: Lovetaupo 

Bạn nên thu thập trước những món đồ tiềm năng, sau đó kiểm tra lại từng món. Việc vừa tìm đồ vừa kiểm tra sẽ mất nhiều thời gian và công sức vì các cửa hàng second hand thường có lượng hàng hóa rất lớn.

Kiểm tra món đồ thật cẩn thận

Quần áo cũ

Vì là trang phục đã qua sử dụng, đồ second hand dễ có những lỗi nhất định như rách, sứt chỉ, mất cúc, lấm bẩn… Vì thế, bạn cần kiểm tra món đồ thật kĩ trước khi quyết định đón chúng về nhà. Bạn nên chọn vị trí có ánh sáng tốt để nhìn rõ những vết ố bẩn trên đồ, đặc biệt là vùng dưới cánh tay. Ngoài ra, các bộ phận như cúc áo, dây khóa kéo cũng cần được xem xét kỹ.

Bên cạnh đó, tính độc nhất của đồ second hand cũng khiến bạn khó chọn được kích cỡ phù hợp. Nhiều cô gái vẫn chọn mua những món đồ như thế và quyết định tự sửa chữa hoặc mang ra tiệm may. Đây là một ý tưởng hay nhưng nó vô tình khiến bạn trở thành kiểu người mua sắm “bồng bột” và mua nhiều hơn vì tin rằng bạn có thể sửa chúng. Tuy nhiên, chúng ta cần giữ một cái đầu lạnh, cẩn thận xem xét rằng món đồ này còn sửa lại được không, và nếu có thì bằng cách nào.

Giày hoặc túi da

Khi chọn mua giày hoặc túi da cũ, hãy đảm bảo rằng lớp da không bị bong tróc, gãy hoặc gấp nếp quá nhiều; các khóa kéo hoặc dây cài không bị rỉ sét hoặc lỏng lẻo. Đồng thời, các bạn nên kiểm tra phía bên trong túi xem có rách hoặc hư hại gì hay không. Đối với giày, hãy đảm bảo rằng phần đế vẫn chắc chắn; giày mang vừa chân, mềm và không gây đau.

Trang sức

Với đồ trang sức, ngoài độ sáng bóng, chúng ta cũng nên lưu ý phần dây chun đối với các thiết kế xỏ hạt và phần mắc cài đối với dây chuyền hoặc lắc tay. Những kiểu trang sức nạm hạt cườm đòi hỏi sự quan sát kĩ lưỡng của bạn, xem số hạt có còn nguyên hay không. Khi chọn mua hoa tai, hãy đảm bảo rằng chúng không quá cũ và ghỉ sét để không gây kích ứng da khi đeo.

Ảnh: Unsplash 
Ảnh: Unsplash 

Ưu tiên sử dụng tiền mặt

Để không mua sắm quá đà và hối hận vào ngày hôm sau, các bạn nên tính toán trước mức tiền mình định tiêu và chỉ mang đúng số tiền đó. Đừng quên bỏ thẻ tín dụng lại ở nhà vì việc thanh toán qua thẻ sẽ vô tình tạo điều kiện cho bạn mua sắm nhiều hơn. Việc giới hạn chi tiêu sẽ giúp bạn đưa ra các lựa chọn sáng suốt hơn khi mua sắm, đặc biệt là loại hàng có mức giá hấp dẫn như second hand.

Ảnh: Unsplash 
Ảnh: Unsplash 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật