Có thể bạn nghe đâu đó 1-2 ca trẻ em bị mắc Covid-19 nặng. Điều này rất hiếm gặp và thường chỉ xảy ra ở những trẻ lớn, có thể trạng béo phì hoặc đôi khi ở trẻ có bệnh lý nặng, như những trẻ mắc bệnh thận nặng, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Nếu trong nhà có những trẻ như thế, bạn cần chú ý theo dõi trẻ như một tình huống người có bệnh nền. Nên bình tĩnh vì ngay cả với những trẻ này, tình huống chuyển nặng cũng rất hiếm gặp.
Còn nếu con bạn là một đứa trẻ bình thường thì không có gì phải lo. Hầu hết trẻ nhỏ là những F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như một cơn cảm cúm thông thường. Một số cha mẹ có con bị hen suyễn hay lo nhưng bệnh này không khiến bệnh Covid-19 nặng thêm. Chỉ cần trong nhà có thuốc vẫn đang dùng trị hen suyễn cho trẻ là được.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) |
Nếu con bạn chưa rõ có bị bệnh hay không, không nên vội sợ hãi mà giao con cho ông bà nội ngoại vì chính người lớn tuổi mới là người có nguy cơ trở nặng khi nhiễm bệnh.
Trẻ sơ sinh lại càng không lo vì nhóm trẻ rất nhỏ này lại càng an toàn với Covid-19. Nhiều em bé sinh ra ngay giữa bệnh viện điều trị Covid-19, bởi một người mẹ điều trị Covid-19, vẫn âm tính dù vẫn được mẹ trực tiếp chăm sóc. Đeo khẩu trang, rửa tay, vệ sinh cơ thể đúng cách mỗi khi cho bé bú là được. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyên không nên tách rời mẹ - con.
Vì vậy, điều đầu tiên cần nhớ là hãy bình tĩnh. Chính sự lo âu của người lớn mới ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Con bạn thường khỏe lại trước bạn và một số trẻ lớn hoàn toàn có thể giúp đỡ chăm sóc những F0 người lớn còn mệt. Không có chuyện trẻ âm tính rồi thì sẽ bị tái nhiễm vì chăm sóc các thành viên trong nhà chưa âm tính, vì F0 đã khỏi bệnh có kháng thể rất cao, nhất là mới khỏi bệnh. Cũng không có chuyện F0 nhẹ chuyển nặng hay dương tính kéo dài vì nhiễm thêm virus từ người bệnh nặng hơn. Đã nhiễm rồi thì không nhiễm thêm nữa.
Ngoài ra, mùa này, nếu trẻ sốt trên 72 giờ, sốt cao khó hạ thì nên đặc biệt lưu ý vì có thể không phải do mắc Covid-19 mà là sốt xuất huyết.