Một khảo sát cho thấy phụ nữ cảm thấy tự ti nhất khi xem ảnh chụp của bản thân (44%), khi soi gương (35%) và khi thử quần áo (33%).
Do đó, phái nữ thường có xu hướng sử dụng các ứng dụng hỗ trợ khi chụp ảnh hoặc chỉnh sửa ảnh trước khi đăng công khai trên mạng xã hội. Ngoài ra, việc bị ảnh hưởng từ những lý tưởng sắc đẹp về ngoại hình như người nổi tiếng cũng khiến họ càng thêm ám ảnh về cân nặng của bản thân.
Cũng theo khảo sát, những người khiến phụ nữ dễ trở nên tự ti nhất là người lạ (14%) và anh chị em ruột (10%). Trong đó, ⅓ lo lắng về vẻ ngoài của mình do từ nhỏ đã nghe được những cuộc trò chuyện tiêu cực của bố mẹ về các khuyết điểm ngoại hình của mình.
Có thể nói, việc bất an, xấu hổ về ngoại hình đã trở thành một phần “không thể thiếu” của phụ nữ, đặc biệt khi bản thân họ vẫn đang theo đuổi những lý tưởng sắc đẹp như người nổi tiếng.
Không post ảnh khi chưa dùng app
Đôi mắt là điểm khiến Huệ Linh không thực sự tự tin. Dù có đôi mắt to tròn nhưng trước đây Linh bị cận nặng, đeo kính thường xuyên, nên hai mắt đã ảnh hưởng khá nhiều.
Cô gái 25 tuổi chia sẻ: “Đúng là các bức ảnh selfie của mình có một ít “động chạm” của app, đặc biệt là để khi lên ảnh mắt mình đỡ đen và sáng hơn. Tuy nhiên, mình cảm thấy không có vấn đề gì, bởi không chỉnh sửa quá đà. “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, điểm gì mình không tự tin thì có thể giấu đi. Cũng rất nhiều bạn gái xung quanh mình sử dụng ứng dụng làm mịn da, trắng da khi chụp ảnh”.
Theo Huệ Linh, hai nguyên nhân chính khiến các ứng dụng chụp ảnh trở nên phổ biến là bởi phụ nữ vẫn còn tự ti và hiệu ứng “ai cũng dùng app”. “Bản thân mình lúc đầu chỉ biết đến chụp ảnh cam thường, nhưng càng ngày, các ứng dụng chụp và chỉnh ảnh càng phổ biến. Đã có lúc mình nghĩ, liệu có bị chê cười là nhà quê khi hầu hết mọi người ở các lứa tuổi khác nhau đều dùng app hay không”, Linh cười nói.
Thu Trang, một sinh viên đại học, cho biết dù cô chủ yếu chụp ảnh bằng camera thường của điện thoại nhưng sau đó vẫn dùng app để che khuyết điểm. Tự ti nhất về đôi mắt thâm do thức đêm nhiều, Thu Trang cho rằng chỉnh ảnh sẽ giúp bản thân trông xinh và tươi tắn hơn.
Khi được hỏi về vấn đề các bức ảnh của phái nữ luôn có “hỗ trợ”, Thu Trang cười: “Mình cảm thấy việc dùng app là chuyện bình thường. Con gái ai cũng mong muốn được xinh đẹp, do vậy chỉnh sửa một chút đâu có sao, chỉ là đừng lạm dụng đến mức không ai nhận ra mình là được”.
Hai bạn nữ khác đi cùng Thu Trang cũng cho biết thường xuyên chụp ảnh bằng các ứng dụng hoặc các filter của các trang mạng xã hội.
“Những cách chụp ảnh như vậy giúp mình tự tin hơn nhiều, bởi màu ảnh đẹp, mà những đường nét trên khuôn mặt cũng hài hòa hơn chút. Mình cũng hay bị mọi người chê là mũi tẹt quá, nên thường xấu hổ, chỉ có app mới giúp mình “an tâm tạm thời” là có đường sống mũi nhô lên”, một bạn gái cho biết.
Chỉ tự tin khi gầy
“Những cô bạn ở độ tuổi 30 như mình thường hay diện những bộ váy rất đẹp, nhưng mình vẫn khá “trung thành” với quần áo oversize. Khi đi mua quần áo, mình luôn để ý đến những bộ đồ che được vùng bụng, đùi, bắp tay để không bị béo”, Minh Châu chia sẻ.
Cô gái 28 tuổi cho biết bản thân rất xấu hổ về cân nặng, do đó luôn có thói quen mặc áo phông đen để trông mình gầy hơn. Tưởng như những chiếc áo đen này sẽ giúp Châu tự tin hơn, song lại trở thành nguyên nhân khiến cô bị chê bai và miệt thị ngoại hình.
“Sao mày suốt ngày mặc đồ đen thế?” hay “Gu ăn mặc cứ như mấy bà già!” là những gì mọi người thường hay nói với mình. Đã có lần mình tình cờ nghe được mấy bạn nữ trong công ty thì thầm: “Chắc nó nghĩ mặc đồ đen thì đỡ béo hơn”. Lúc đó mình vẫn phải giả vờ như không nghe thấy, xấu hổ lắm, không có chút tự tin nào về bản thân cả”.
Sau những lần bị chê bai như vậy, Minh Châu đã cố gắng ăn kiêng và tập thể dục nhiều hơn. Giờ đây, nhìn thấy mình ở trong gương đã thon gọn phần nào, Châu mới bớt rụt rè, song vẫn chưa hoàn toàn tự tin. Cô đã tìm đến nhiều phong cách thời trang khác hơn, cũng chú trọng trang điểm khi ra ngoài trong những dịp quan trọng.
Vì sao phái nữ lại tự ti?
Thu Trang chia sẻ, hồi còn học cấp hai, cô đã bị body-shaming vì làn da đen. “Mình không muốn đi học vì sợ bị các bạn phán xét. Giáo viên thì ưa thích những bạn có vẻ ngoài xinh đẹp, nên dù có học giỏi, mình cũng không được quý mến bằng. Các mối quan hệ với thầy cô của mình cũng từ đó mà không được sâu sắc”, cô chia sẻ.
Thu Trang dần khép mình lại, sợ đến trường sẽ gặp phải những câu dè bỉu, trận cười mỉa mai của các bạn. Đã nhiều lần cô gái nhỏ bật khóc trước khi đi ngủ vì nghĩ lại những ánh mắt các bạn nhìn mình, rồi lại tưởng tượng ngày mai đi học lại tiếp tục bị chế giễu. Do mặc cảm ngoại hình dẫn đến ám ảnh, Thu Trang bé nhỏ gần như rơi vào trầm cảm.
Thời điểm đó, giáo viên bộ môn Địa lý là người duy nhất luôn bênh vực, nâng đỡ Thu Trang. Nhận được nhiều chia sẻ và khích lệ rằng vẻ đẹp từ tâm hồn mới là vẻ đẹp đích thực, Trang đã có động lực để thay đổi hơn.
Cô giáo cũng trở thành nguồn cảm hứng cho Trang, từ một học sinh cảm thấy nặng nề và lo lắng mỗi khi đến trường, trở thành học sinh chăm chỉ đỗ vào một trường chuyên tại Hà Nội.
Trang chia sẻ: “Khi mình lên cấp 3, mình đã tích cực chăm sóc da mặt, dùng mỹ phẩm thường xuyên hơn và tập thể dục đều đặn nữa để ngoại hình đẹp lên. Khi mình đẹp lên, mình cũng tự tin hơn”.
Bị bắt nạt từ khi đi học không phải chuyện của riêng ai. Một cô gái khác, Mai Hoa, chia sẻ: “Vì thân hình mình khá mập mạp nên thường xuyên bị các bạn chê cười. Hồi còn đi học, những chuyện vặt như thả tóc hay buộc tóc cũng là vấn đề quan trọng. Trong một lần đến trường, mình có thả tóc xuống và bị khịa kháy, huých vai suốt cả buổi. Đỉnh điểm là mình đang đi lên cầu thang với bạn học thì bị tạt nước xuống, từ đó về sau mình đã gặp vấn đề với sự tự tin”.
Hoa cho biết trong quá khứ, khi đối mặt với sự miệt thị, cô chỉ có thể thấy ổn hơn khi ăn - cũng là một tác nhân khiến cơ thể tăng cân và tiếp tục bị chê bai. Cho đến giờ, nhiều người vẫn thường gọi Mai Hoa với biệt danh “Béo”, song cô gái trẻ cũng đã quen và không còn cảm thấy bị xúc phạm nhiều như trước nữa.
*Một vài nhân vật đã thay đổi tên.