Ca sĩ Miley Cyrus là một trong những ngôi sao giải trí đầy cá tính, nổi tiếng thế giới. Nữ ca sĩ thừa nhận, nhiều năm gần đây, cô bắt đầu dùng nhiều omega-3 để cải thiện sức khỏe não bộ. Người đẹp chia sẻ với People: "Sau thời gian ăn chay kéo dài, tôi quyết định đưa cá, thực phẩm giàu omega-3 vào chế độ ăn hàng ngày vì nhận ra não bộ không hoạt động bình thường do thiếu chất này".
Ca sĩ Miley Cyrus là một trong những ngôi sao giải trí đầy cá tính, nổi tiếng thế giới. |
Các chuyên gia thừa nhận, việc bổ sung omega-3 đầy đủ, đúng cách đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nhất là vai trò cải thiện sức khỏe não bộ. Vì nhận ra điều này mà nhiều năm trước, Miley sẵn sàng từ bỏ ăn chay - chế độ ăn mà cô theo đuổi từ lâu để chuyển sang ăn cá nhằm bổ sung omega-3, giúp não bộ hoạt động tốt.
Tuy nhiên, giờ đây, người ăn chay không cần quá lo lắng vì ngoài nguồn bổ sung omega-3 từ cá vẫn có nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu omega-3 như các loại hạt, ngũ cốc, bông cải xanh... Hoặc bạn cũng có thể bổ sung omega-3 từ những sản phẩm thực phẩm bổ sung dạng uống...
Omega-3 ảnh hưởng đến chức năng não bộ như thế nào?
Theo Healthline, omega-3 có ảnh hưởng cực lớn đến não bộ và cơ thể. Chúng hỗ trợ cấu trúc của thành tế bào khắp cơ thể và cung cấp năng lượng cho tim, phổi, mạch máu, hệ thống miễn dịch, mắt, não...
Chúng có thể ngăn ngừa lo lắng và trầm cảm, giảm các triệu chứng ADHD ở trẻ em, giảm tần suất và cường độ thay đổi tâm trạng, cải thiện chất lượng giấc ngủ, làm chậm quá trình suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác.
Thiếu omega-3, nhiều người sẽ cảm thấy mình xuất hiện hiện tượng sương mù não, kém độ nhạy bén và năng lượng luôn ở mức thấp.
Omega-3 có ảnh hưởng cực lớn đến não bộ và cơ thể. Ảnh minh họa |
Có 3 loại axit béo omega-3 chính: EPA, DHA và ALA. EPA và DHA có thể được tìm thấy trong cá béo. ALA chủ yếu được tìm thấy trong các nguồn thực vật như các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
Theo Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, tiêu thụ axit béo omega-3 làm tăng khả năng học tập, trí nhớ, nhận thức tốt cũng như tăng lưu lượng máu trong não. Các axit béo omega-3 EPA và DHA rất quan trọng cho chức năng và sự phát triển bình thường của não trong mọi giai đoạn của cuộc đời.
EPA và DHA trong omega-3 cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe não bộ của trẻ đang phát triển. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa lượng cá tiêu thụ hoặc sử dụng dầu cá của phụ nữ mang thai với điểm số cao hơn của con họ trong các bài kiểm tra về trí thông minh và chức năng não ở thời thơ ấu.
Những axit béo này cũng rất quan trọng để duy trì chức năng não bộ bình thường trong suốt cuộc đời. Chúng có nhiều trong màng tế bào não, bảo vệ sức khỏe màng tế bào và tạo điều kiện giao tiếp giữa các tế bào não.
Tiêu thụ axit béo omega-3 làm tăng khả năng học tập, trí nhớ, nhận thức tốt cũng như tăng lưu lượng máu trong não. Ảnh minh họa |
Ở người lớn tuổi, nồng độ DHA trong máu thấp hơn có liên quan đến kích thước não nhỏ hơn. Đây cũng là một dấu hiệu của quá trình lão hóa não nhanh chóng.
Vậy nên, các chuyên gia nhận định, điều quan trọng là phải đảm bảo bạn có đủ axit béo omega-3 mỗi ngày, tránh một số tác động bất lợi đối với chức năng và sự phát triển của não bộ.
Có nên sử dụng dầu cá để cải thiện sức khỏe não bộ?
Dựa trên nghiên cứu tốt nhất hiện có, bạn có thể cân nhắc dùng dầu cá nếu bị suy giảm nhẹ chức năng não hoặc được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Chúng cung cấp những nguồn axit béo omega-3 cơ thể rất cần hàng ngày.
Không có khuyến nghị chính thức nào về lượng omega-3 từ dầu cá bạn cần dùng để thấy được lợi ích đối với chức năng não và sức khỏe tâm thần. Số lượng được sử dụng trong nghiên cứu khác nhau tùy theo từng nghiên cứu. Ví dụ, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đặt ra giới hạn trên an toàn cho việc bổ sung axit béo omega-3 là 3000mg mỗi ngày. Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu khuyến nghị không quá 5000mg mỗi ngày...
Do đó, điều quan trọng là phải đọc nhãn cẩn thận khi đánh giá các chất bổ sung dầu cá. Bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng để nhận được tư vấn chính xác, tốt nhất đối với tình trạng sức khỏe hiện tại của mình.
(Nguồn: Healthline, NCBI, People)