Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19” do Bộ Y tế ban hành, thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là biến cố hiếm gặp, được ghi nhận trong báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại một số quốc gia.
Biểu hiện thuyên tắc huyết khối kèm theo số lượng tiểu cầu thấp xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Ccơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4). Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hóa tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.
Để chẩn đoán, cùng với chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, bệnh nhân (BN) cần được thực hiện thêm chẩn đoán hình ảnh, siêu âm doppler mạch vị trí nghi ngờ lâm sàng, chụp X-quang, cộng hưởng từ... giúp phát hiện huyết khối, chảy máu.
Theo Bộ Y tế, cấp cứu điều trị, phụ thuộc vào điều kiện nhân lực các tuyến y tế. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng kể trên, cần chuyển tuyến cao hơn, xử trí cấp cứu nếu có.
Các triệu chứng thường gặp liên quan đến biến chứng huyết khối - giảm tiểu cầu:
- Huyết khối mạch máu não, nội tạng và phổi: Nhức đầu dữ dội; Đau bụng, đau lưng; Buồn nôn và nôn; Thay đổi thị lực; Thay đổi trạng thái tinh thần như cáu gắt, buồn rầu, giận vô cớ, ngủ gà và lơ mơ; Đau ngực và khó thở; Sưng chân và đau chân, tăng hơn khi vận động.
- Giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng: Vết bầm tím ngoài da có đặc điểm: Dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu; Màu đỏ tươi, tím bầm, màu vàng nhạt; Khi ấn hoặc đè vào vết bầm không biến mất; Không đau và xuất hiện tự nhiên. Chảy máu răng, miệng tự nhiên hoặc sau chải răng. Chảy máu mũi, xuất huyết kết mạc mắt tự nhiên. Tiểu ra máu, đại tiện phân đen hoặc máu tươi. Kinh nguyệt bất thường và rong kinh kéo dài. Xuất huyết có thể biểu hiện cùng lúc dưới da, niêm mạc và nội tạng.
Khi có các dấu hiệu trên sau tiêm ngừa từ ngày thứ 4, cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế tiêm ngừa để được thăm khám, tham vấn và trị liệu.
Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh/TP, khi tiếp nhận BN cần đánh giá tình trạng lâm sàng, các xét nghiệm cơ bản và chẩn đoán hình ảnh để đánh giá huyết khối, nguy cơ chảy máu. Nếu vượt quá khả năng, cần hỏi ý kiến chuyên gia hoặc chuyển tuyến.
Tại các tuyến T.Ư, nơi tiếp nhận người sau tiêm vắc xin Covid-19 có biến cố nặng do các tuyến chuyển đến, thực hiện tất cả các thăm dò cần thiết để chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế (về chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch). Tham vấn ý kiến chuyên gia khi cần (tim mạch, đột quỵ, thần kinh, huyết học…).
Cần lưu ý chẩn đoán và điều trị giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch khi BN có cả 2 yếu tố: sau khi tiêm vắc xin Covid-19 từ 4 - 28 ngày và xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ huyết khối. Đồng thời, thực hiện ngay các xét nghiệm chẩn đoán số lượng tiểu cầu, xác định huyết khối (chẩn đoán hình ảnh). Cần điều trị càng sớm càng tốt ngay khi nghi ngờ BN giảm tiểu cầu huyết khối do vắc xin.