Viêm da cơ địa là bệnh gì?
Viêm da cơ địa hay chàm thể tạng là một loại bệnh lý khiến da ửng đỏ và ngứa. Bệnh lý này liên quan đến cơ địa dị ứng, xuất hiện thường do yếu tố di truyền, nội tiết hoặc môi trường bên ngoài.
Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người hay điều kiện khí hậu, môi trường sống mà bệnh có thể bộc phát, tái đi tái lại. Viêm da cơ địa dị ứng dễ bị trở nặng vào mùa thu đông, khi khí hậu hanh khô và sẽ thuyên giảm khi mùa hè.
Viêm da cơ địa có xu hướng kéo dài, phát thành từng đợt nếu không được điều trị đúng cách. Vùng da tổn thương của người bệnh còn có khả năng lan rộng ra các vùng xung quanh.
Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Nhưng tỷ lệ mắc ở trẻ em thường cao hơn người lớn và ở nam giới cao hơn nữ giới. Có khoảng 60% trẻ em mắc viêm da cơ địa trong những năm tháng đầu đời. Còn viêm da cơ địa ở người lớn sẽ xảy ra nhiều hơn với những người mắc các loại bệnh về dị ứng.
Trong đợt cấp tính thường xuất hiện những tổn thương da cơ bản như đám đỏ da, sẩn, mụn nước… Người bệnh cảm thấy ngứa, mức độ ngứa có thể rất nghiêm trọng. Do đó, nhiều người bệnh gãi khiến vùng da tổn thương bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, sưng viêm. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài có thể khiến da dày lên. Bên cạnh đó, người bệnh viêm da cơ địa thường có đặc điểm khô, nứt nẻ.
Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính. Nếu điều trị sai, lạm dụng các thuốc bôi hoặc uống chứa corticoid có thể dẫn đến tình trạng đỏ da toàn thân và các biến chứng nguy hiểm khác.
Các triệu chứng của viêm da cơ địa
Những bệnh ngoài da thường có biểu hiện khá giống nhau nên triệu chứng của viêm da cơ địa hay bị nhầm lẫn. Nhưng nếu để ý kỹ thì sẽ thấy viêm da cơ địa sẽ có những đặc trưng riêng. Bạn có thể dựa vào những triệu chứng như sau để nhận biết:
Nổi mề đay: Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh viêm da nói chung và viêm da cơ địa nói riêng. Khi bị nổi mề đay người bệnh sẽ thấy ngứa khắp cơ thể và xuất hiện các vùng mề đay ở ngực, tay, chân,...
Da sưng, phù nề: Sử dụng tay gãi lên vùng da bị ngứa sẽ làm vùng da này bị tổn thương, sưng lên và phù nề. Tình trạng này càng nghiệm trọng khi bạn gãi mạnh và không có biện pháp điều trị phù hợp.
Đóng vảy: Lớp da bị tổn thương sẽ khô lại, đóng vảy và bong tróc khỏi bề mặt da. Việc này gây thêm tình trạng nhạy cảm của da. Bạn cần vệ sinh và bảo vệ da đúng cách để bệnh không bị tái phát.
Viêm da cơ địa có chữa được không?
Viêm da cơ địa có chữa được không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Hiện nay việc điều trị viêm da cơ địa còn gặp nhiều khó khăn bởi chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào để điều trị bệnh tận gốc.
Quá trình điều trị bệnh viêm da cơ địa mới chỉ được dừng lại ở việc chữa khỏi các triệu chứng tổn thương trên da. Nếu áp dụng đúng phương pháp thì bệnh sẽ được kiểm soát nhưng sẽ có khả năng tái phát.
Chính vì vậy mà viêm da cơ địa không thể chữa khỏi một cách hoàn toàn. Bệnh lý mãn tính, xuất hiện theo từng đợt nên khả năng tái đi tái lại rất cao.
Điều trị viêm da cơ địa bằng thuốc gì?
Nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa là dùng thuốc dưỡng da kết hợp chống nhiễm trùng và viêm da. Các thuốc viêm da cơ địa gồm có thuốc bôi và thuốc uống.
Các loại thuốc uống
Các thuốc kháng histamin để giảm ngứa, các thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Các loại thuốc corticoid: Cân nhắc khi sử dụng, chỉ nên dùng trong giai đoạn cấp tính với liệu trình ngắn ngày.
Thuốc bôi viêm da cơ địa gồm các thuốc như dung dịch sát khuẩn và giảm dịch tiết (dung dịch eosin 2%, bạc nitrat 0,25 -2%), kem dưỡng ẩm da, thuốc bôi có thành phần corticoid hoặc không corticoid...
Các loại thuốc bôi
Thuốc điều trị viêm da cơ địa gồm các thuốc có tác dụng điều hòa miễn dịch tại chỗ, giúp giảm viêm và ngứa ở vùng da bị tổn thương. Thuốc được chia làm 2 loại chính là thuốc chống viêm corticoid và thuốc không corticoid.
Thuốc điều trị viêm da cơ địa có corticoid
Thuốc điều trị viêm da cơ địa có thành phần corticoid là lựa chọn đầu tiên giúp kiểm soát chứng viêm này. Thuốc có thể được sử dụng cho cả người lớn và trẻ em với nhiều mức hoạt lực khác nhau phù hợp với từng tình trạng bệnh.
Loại có hiệu lực yếu (như desonide 0,05%; hydrocortisone 2,5% dạng thuốc mỡ) thường được chỉ định cho trẻ nhỏ hoặc người bệnh viêm da cơ địa mức độ nhẹ. Thuốc nên được dùng 1 - 2 lần mỗi ngày, bôi ban ngày và trước khi đi ngủ, dùng đều trong vòng 2 đến 4 tuần và chỉ nên bôi ở các vùng bị tổn thương.
Đối với người bệnh ở mức trung bình, có thể dùng các thuốc có hoạt lực mạnh hơn (như fluocinolone 0,025%; triamcinolone 0,1%...). Ngoài ra, với người bệnh viêm da cơ địa nặng, có thể cần dùng đến corticoid hiệu lực rất mạnh. Tuy nhiên lưu ý chỉ nên dùng nhiều nhất trong 2 tuần, sau đó cần điều chỉnh thuốc và sử dụng liều duy trì cho đến khi không còn tổn thương.
Thuốc chứa corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như teo da, giãn mạch, nổi mụn, rạn da, tĩnh mạch mạng nhện, phát ban, bệnh trứng cá đỏ… Do đó, khi sử dụng, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý sử dụng cũng như thay đổi liều dùng tùy tiện.
Thuốc điều trị viêm da cơ địa không chứa corticoid
Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ là thuốc không chứa corticoid, được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa. Trong nhóm thuốc này, thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus là 2 loại được dùng nhiều nhất.
Bác sĩ sẽ chỉ định nhóm thuốc này trong trường hợp kháng trị với corticoid, tổn thương ở vùng da mỏng như da mặt, nếp bẹn, hậu môn, hoặc người bệnh đã dùng thuốc corticoid liên tục trong thời gian dài hoặc đã có xuất hiện các tác dụng phụ của corticoid.
Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ cần sử dụng 2 lần mỗi ngày để giảm viêm và ngăn ngừa tái phát. Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau tại chỗ thoa thuốc, cảm giác bỏng rát hoặc châm chích.
Cách chăm sóc viêm da cơ địa vào mùa hè
Với người bệnh viêm da cơ địa, tình trạng da rất dễ bị khô, kích ứng bởi sự thay đổi của thời tiết. Vì vậy, việc giữ ẩm cho da là rất quan trọng, đặc biệt là khi sử dụng điều hòa kéo dài trong mùa hè nắng nóng.
Giảm ngứa rát da
Ngoài việc làm lớp biểu bì dày lên, khô và tróc vảy, thì viêm da cơ địa còn gây cảm giác ngứa ngáy và bỏng rát, khiến người bệnh gãi nhiều, làm tăng nặng tình trạng viêm và nhiễm trùng.
Nên lựa chọn và sử dụng loại sữa tắm, các chất tẩy rửa dành riêng cho làn da nhạy cảm, viêm da cơ địa. Luôn bôi kem dưỡng ẩm, nhất là sau khi tắm rửa, bởi đây là thời điểm tốt nhất để kem thấm thấu sâu và tạo hiệu quả tốt nhất trên da.
Thay đổi nếp sống sinh hoạt
Để viêm da cơ địa không bị tái phát nhiều lần thì ngoài việc điều trị bệnh nhân cũng phải thay đổi lối sống sinh hoạt với các lưu ý sau:
- Không nên tắm quá lâu: Việc tắm quá lâu sẽ khiến cho da bị khô hơn, gây nên hiện tượng ngứa. Chỉ nên tắm trong nước ấm khoảng 10 phút.
- Tránh tắm bằng nước quá nóng bởi việc này sẽ làm da mất đi lớp dầu bảo vệ, làm da dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây hại ngoài môi trường.
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ: Sử dụng các loại xà phòng dịu nhẹ sẽ làm hạn chế việc khiến da tổn thương, ít bị kích ứng hơn.
Dùng kem dưỡng ẩm để cải thiện viêm da cơ địa
Khi làn da bị quá khô thì các triệu chứng viêm da cơ địa xuất hiện càng nhiều và càng trở nên nghiêm trọng. Dưỡng ẩm da vô cùng quan trọng trong khi điều trị viêm da cơ địa. Cung cấp đủ độ ẩm cho da sẽ giúp làn da giảm tình trạng khô, ngứa da, bong tróc, tái tạo da.
Với một số trường hợp viêm da cơ địa ở mức độ nhẹ thì ngay khi bệnh mới bắt đầu người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng bị bệnh bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm và chăm sóc da hợp lý.
(Nguồn: Tổng hợp)